• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di tích Cổ Loa: Du lịch sao mãi chưa phát triển?

12/07/2018 06:00

(Cinet) - Bảo tồn và phát huy giá trị di tích là một vấn đề khó liên quan đến đa ngành và có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Trường hợp của di tích Cổ Loa cũng không phải là ngoại lệ, dù được vinh danh từ rất sớm, nhưng có lẽ cho đến hôm nay Cổ Loa vẫn đang ngủ quên.

(Cinet) - Bảo tồn và phát huy giá trị di tích là một vấn đề khó liên quan đến đa ngành và có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Trường hợp của di tích Cổ Loa cũng không phải là ngoại lệ, dù được vinh danh từ rất sớm, nhưng có lẽ cho đến hôm nay Cổ Loa vẫn đang ngủ quên.

Cổ Loa – một di tích lịch sử 2.300 năm tuổi độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Nguồn: thegioidisan.vn

Cổ Loa vẫn đang ngủ?

Di tích lịch sử Cổ Loa có niên đại 2.300 tuổi được đánh giá là độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á, một si sản văn hóa độc đáo gắn với buổi đầu dựng nước của dân tộc. Tuy nhiên, khác với nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội, mà tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hay Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa dường như không nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, VUSTA nhận định: “Có thể nhận thấy khách đến Cổ Loa thường chỉ đến vào dịp Tết, vào dịp hội Cổ Loa. Còn lại 11 tháng trong năm chỉ lác đác khoảng vài chục ngàn đến trăm ngàn khách. Họ không đi xem 3 vòng thành mà theo chúng tôi thấy đấy mới chính là di tích đáng lôi kéo mọi người đến xem”

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ảnh: Gia Linh

Câu hỏi được đặt ra là tại sao di tích lịch sử độc nhất vô nhị này không thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô? Trong khi đó, xung quanh Hà Nội nhiều di sản lịch sử, thiên nhiên đang thực sự khởi sắc mà Vịnh Hạ Long và Tràng An – Ninh Bình là một trong những ví dụ sinh động. Nếu hơn chục năm trước đây, Tràng  An – Ninh Bình chưa nổi lên là một điểm du lịch hấp dẫn, thì trong những năm gần đây Tràng An gần như đã được “khoác áo mới”, tiềm năng du lịch được đánh thức và trở thành một điểm sáng của du lịch nước nhà.

Tiềm năng của Cổ Loa trong việc phát triển du lịch văn hóa là không thể chối cãi. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên lịch sử - sinh thái – nhân văn với tỷ lệ 1/2000 với quy mô 860,4ha (vùng Lõi 31,2ha; vùng Trung 225,3ha; vùng Ngoại 247,3ha; vùng Biên 356,6ha). Một trong những mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của thủ đô Hà Nội. Định hướng quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học. Quy mô khách du lịch đến khu di tích Cổ Loa, dự kiến đến năm 2020 là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.

Tuy nhiên, đến nay, đã 3 năm từ khi quy hoạch này được phê duyệt việc triển khai các công việc chi tiết phía sau vẫn chưa đạt kết quả.Việc triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích chưa được thực hiện.

Đô thị hóa lấn áp di sản

Ông Phan Duy Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và ông Lê Viết Dũng – Phó trưởng ban quản lý phụ trách di tích Cổ Loa đều có chung nhận định là việc bảo tồn di tích nghìn năm tuổi này hiện nay quá khó khăn, công tác quản lý di tích chưa thực sự hiệu quả.

Vận dụng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch di tích, của UBND Hà Nội về di tích, thời gian qua vùng lõi nhất, vùng bảo vệ 1 cần được ưu tiên như Đền thượng, Đình ngự triều di quy, am Mỵ Châu, Giếng Ngọc… đã được ưu tiên bảo vệ và đã đạt được một số thành tựu cơ bản. Tuy nhiên, di tích Cổ Loa không chỉ có khu vực này mà còn có 3 vòng thành.

Ông Phan Duy Thắng cho biết, “Hiện nay, hơn 1.000 hộ dân vẫn đang sinh sống trên di tích, trên các mặt thành, mặt hào. Đây là yếu tố khách quan do lịch sử để lại. Người dân đã sinh sống ở đây hàng trăm năm và các hộ dân đều đã được cấp sổ đỏ theo đúng Luật Đất Đai. Điều này dẫn đến thực trạng quản lý di tích khó khăn là vì vậy”.

Bên cạnh đó, ông Thắng nhấn mạnh giá trị cốt lõi của di tích không chỉ nằm ở khu vực thành nội với các điểm nổi bật như Đền thờ An Dương Vương, Hồ Giếng Ngọc, am Mỵ Châu… mà quan trọng nhất là khu vực thành và hào. Tuy nhiên, thực trạng công tác quản lý tại Cổ Loa cho thấy Ban quản lý di tích chỉ được phụ trách các địa điểm ở khu vực thành nội và một số khu tại gần trụ sở làm việc, còn toàn bộ khu thành và hào lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý.

Ông Lê Viết Dũng –Phó trưởng ban quản lý phụ trách di tích Cổ Loa cho biết vòng thành nội nay đã mất đi toàn bộ hình dáng. Hào trong thành thì đã được lấp để xây nhà và đường, hoặc không thì cây cỏ mọc um tùm. Vòng thành Trung và thành Ngoại dù còn nguyên đường nét nhưng không giữ được độ cao như trước…

Rõ ràng sức ép của đô thị hóa đang đặt ra những thách thức cho di tích Cổ Loa. Hiện nay việc giữ được sự toàn vẹn của di tích trước sức ép đô thị hóa đã vô cùng khó khăn. Như ông Dũng bộc bạch “hiện nay chỉ cần một ca máy xúc là đã đi một đoạn thành rồi”

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL. Ảnh: Gia Linh

Cần sự vào cuộc

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết, tại Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030 đã đề cập rõ từng vấn đề cần phải thực hiện. Trong đó, ưu tiên bảo vệ các di tích trước, bảo vệ các địa điểm khai quật khảo cổ trước, bảo vệ vòng 1, vòng 2 là các tường thành, hào nước trước, mục tiêu là bảo vệ nguyên vẹn những yếu tố liên quan đến di tích, hai là không cho phép dân cư và hoạt động phát triển kinh tế xã hội tác động đến các yếu tố gốc cấu thành nên di tích. Đó là cái mà Ban quản lý di tích và Chính quyền địa phương cần vào cuộc và phối hợp thực hiện.

Giai đoạn trước mắt là xây dựng kế hoạch cụ thể là cơ sở để UBND các cấp nơi có các di tích này, Ban Quản lý di sản Cổ loa có các biện pháp chống xâm lấn, xâm hại di tích và thực hiện việc giảm dân dần dần, giãn dân di rời khỏi di tích, đặc biệt là các hộ dân đang sống và được cấp sổ đỏ trong di tích.

Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng cần xác định việc xâm hại di tích đã diễn ra từ trước khi xếp hạng, hay diễn ra sau khi xếp hạng. Đặc biệt là từ thời điểm xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (2012), khi có Quy hoạch với tỷ lệ 1/2000 đến nay có xảy ra vi phạm hay không. Để giải quyết các vi phạm cần đúng thẩm quyền, làm quá đôi lúc còn tác dụng ngược không bảo vệ được di sản mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trong vùng lõi di sản.

PGS.TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thăng Long cho rằng để bảo tồn được Cổ Loa cần sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà khoa học, và cộng đồng. Việc bảo tồn trước hết tuân theo đúng khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ xây dựng. Phải bảo vệ cho được di tích quốc gia đặc biệt này trước khi tìm được một nhạc trưởng, một dự án tổng thể phát triển du lịch, phát huy giá trị di tích đúng tầm, đặc biệt với một “di sản sống” như Cổ Loa.

Như Kiến trúc sư Trần Duy Ánh nói đó là “phải giữ một cách chủ động, có phương pháp và cơ sở pháp lý”. 

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương. Bởi nếu dân không ủng hộ cũng không thể thực hiện được.

Xin khép lại bài viết bằng nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Huy “Dường như Cổ Loa đang ngủ. Tôi đang nghĩ về những vòng thành 2.300 năm tuổi cao cao, xanh rờn vẫn sừng sững. Những vòng thành tương lai sẽ được soi bóng dưới làn nước của hào sâu. Du khách có thể ngồi ô tô đi vòng quanh thành, ngắm thành, hào trên nền ruộng lúa chín vàng  hay xanh rờn từ xa hay tản bộ trên mặt thành phủ bóng cây xanh. Một phong cảnh không gì tuyệt vời hơn để mỗi người chìm đắm trong không gian lịch sử cả ngàn năm. Chúng ta cần đánh thức Cổ Loa, biến Cổ Loa thành vàng, thành ngọc giúp cho sự phát triển của Hà Nội.”

Gia Linh

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ