• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di tích lịch sử văn hóa có giá trị

29/06/2006 13:49

Đình Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) tọa lạc trên thửa đất có hình thế đẹp giữa làng, mặt trước nhìn ra trục đê ven bờ sông Đáy hiền hòa, thơ mộng. Theo cuốn thần phả hiện còn lưu giữ tại Đình, do Hàn lâm Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần chi điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng soạn năm Vĩnh Hựu lục niên (1740), cho thấy:

Đình Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) tọa lạc trên thửa đất có hình thế đẹp giữa làng, mặt trước nhìn ra trục đê ven bờ sông Đáy hiền hòa, thơ mộng. Theo cuốn thần phả hiện còn lưu giữ tại Đình, do Hàn lâm Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần chi điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng soạn năm Vĩnh Hựu lục niên (1740), cho thấy:

Đình Cốc Thượng là nơi tôn thờ Chiêu Dung công chúa Lý Thị Ngọc Ba, đã có công với dân, với nước. Bà đã cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược Nam Hán phương Bắc, đem lại thái bình cho dân tộc vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (năm 40), làm Thành Hoàng.

Nội dung sự kiện lịch sử trong cuốn thần phả có ghi: Bà Lý Thị Ngọc Ba tên thật là Lý Thị Ngọc, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Bà kết duyên cùng Tù trưởng Đặng Công Thành, người cùng quê ở xã Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, 5 năm sau, bà cùng chồng tìm đến vùng Kim Cốc, tổng Bài Trượng (nay thuộc làng Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu), để sinh sống và sinh hạ được năm người con trai; ông bà vốn là người tu nhân tích đức, làm phúc cứu người. Khi chồng mất, bà một mình tần tảo nuôi con; càng lớn các con của bà đều có tư chất thông minh hơn người, thiên hạ cho đó là điềm lành. Vào lúc đất nước đang có giặc ngoại bang; dưới ách đô hộ của Nhà Hán mà đứng đầu là tên Thái thú Tô Định vốn tham tàn, bạo ngược, lòng người nơi nơi oán hận, bà đã cùng các con chiêu mộ nghĩa quân, rèn binh sỹ, luyện khí giới, dấy binh khởi nghĩa, được nhân dân trong vùng hưởng ứng. Khi nghe tin Hai Bà Trưng tụ nghĩa ở Hát Môn (Phúc Thọ), bà đã cùng các con đem theo 50 tướng nam cùng nghĩa binh và 40 thị nữ, tùy tùng, nội vệ về hội tụ dưới cờ Hai Bà Trưng. Sử sách lưu truyền rằng: Thấy 6 mẹ con bà Lý Thị Ngọc diện mạo phi thường, ứng đáp tinh thông, lại có nhiều mưu lược khác thường. Hai Bà mừng lắm, liền chiêu mộ và kết tình chị em. Bà đứng sau hai chị Trưng Trắc, Trưng Nhị, lấy tên là Lý Thị Ngọc Ba, cùng thống lĩnh quân sỹ và mưu việc lớn. Khi xung trận, Hai Bà và Lý Thị Ngọc Ba đi mũi trung phong; các con của bà là Trình Xuân và Trình Duyên chỉ huy mũi tiên phong, đánh tan quân xâm lược Nam Hán do Tô Định chỉ huy. Để ghi ơn công trạng của bà và các con, sau khi xưng Vương, Trưng Trắc đã phong bà Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa, lại phong bà Lý Thị Ngọc Ba là Chiêu Dung công chúa và thưởng nhiều tiền của, phong cho đất đai rộng lớn làm thực ấp, khi mất làm nơi thờ tự.

Về kiến trúc nghệ thuật: Bố cục đình Cốc Thượng theo kiểu chữ Đinh, bao gồm đại bái và hậu cung. Tòa đại bái gồm 5 gian, 2 dĩ, dài 17m, rộng 8m; hậu cung dài 7m, rộng 4,3m. Kiến trúc bộ khung nhà đại bái, hậu cung đều được định vị vững chắc trên các hàng cột (gồm 24 cột gỗ lim, đường kính 50cm), các bộ vì đại bái được làm theo kiểu vì nóc giá chiêng, chồng rường, vì nách, kẻ bẩy trên mặt bằng sáu hàng chân, trên bộ khung gỗ này được thể hiện những mảng trang trí: Rồng, hổ, cá chép, chim, hoa lá, mây... theo lối chạm nổi và kênh bong, một đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trước cửa vào hậu cung đình Cốc Thượng còn giữ được nguyên vẹn vì nóc kiểu ván mê chạm cửu long tranh châu và các bức cốn chạm tứ linh, cùng các đầu dư chạm rồng, mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVII; bên trên là các xà nách chồng khít lên nhau, đường nét kiến trúc chạm khắc tứ linh quần tụ ở tư thế động. Đặc biệt còn bức cốn bên hữu đại bái điêu khắc tích “Độc long”, trung tâm của bức cốn là con rồng lớn đầu hướng vào hậu cung, xung quanh bức cốn được chạm khắc tứ linh, hoa lá cách điệu.

Đình Cốc Thượng còn lưu giữ được nhiều hiện vật, di vật quý gồm: Bộ đồ tế khí, 2 long ngai bài vị, 3 bộ kiệu sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, cửa võng cùng nhiều di vật chất liệu đồng, gốm, sứ và 16 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn.

Được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XVI; tu bổ lớn vào năm 1861 và qua nhiều lần tu bổ, mà gần đây nhất vào năm Giáp Thân (2004) song công trình này vẫn bảo lưu được nhiều nét đẹp của kiến trúc cổ truyền... ngôi đình có kết cấu khung, vì truyền thống, các mảng chạm khắc trên kiến trúc đình tập trung chủ yếu ở trên cao và bằng những đường nét kỹ lưỡng, trau chuốt, với các đề tài tái hiện cuộc sống xã hội và lao động của con người, cảnh đẹp thiên nhiên; do người thợ thủ công là các bậc tiền nhân của làng tạo dựng, với trí tưởng tượng thông minh, mang đầy tính dân gian. Năm 1991, đình Cốc Thượng đã được Bộ VHTT xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.

Q.T (Theo HT)

NỔI BẬT TRANG CHỦ