• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm yếu trong thực hiện kinh tế số là "triển khai nửa vời"

Kinh tế 02/05/2019 15:17

(Tổ Quốc) - Sáng nay (2/5), phiên hội thảo về Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã diễn ra.

Điểm yếu trong thực hiện kinh tế số là triển khai nửa vời - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên hội thảo Kinh tế số (Nguồn: Vnexpress)

Mở đầu hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm  2025. 

Dù vậy, khái niệm kinh tế số còn là vấn đề gây tranh cãi. Về cơ bản, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng...Công nghệ số và dữ liệu cũng có thể được sử dụng để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber...

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.

Dù Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả. Các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... được triển khai "rất nửa vời". 

"Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", Ông Bùi Quang Ngọc nói.

Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo ông Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.

Ông Vũ Đại Thắng - Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, ngay ở Bộ cũng đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài... Nhưng quan trọng theo ông là, hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau.

Theo ông Thắng, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan. "Cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, để dùng chung", ông cho biết.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong kinh tế số, dữ liệu ví là nhiên liệu của nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu, các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, khi chưa liên thông, kết nối thì khó nói chuyện xa xôi, cạnh tranh với thế giới.

Đại diện này cũng cho hay, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì. Theo dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu đang xây dựng, bộ này đưa ra khái niệm "open data" (dữ liệu mở), giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hoạt động, sản xuất.

Nêu vướng mắc trong kết nối dữ liệu, ông Hưng cho rằng, kỹ thuật không phải là vấn đề, mà là ở chính sách. Ông ví dụ với thu phí không dừng trong BOT giao thông tới giờ vẫn chưa triển khai được và vướng mắc nằm ở chính sách.

Điểm yếu trong thực hiện kinh tế số là triển khai nửa vời - Ảnh 3.

TS Brian Hull - Tổng giám đốc ABB Việt Nam. (Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam chỉ ra rằng, cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Lấy ví dụ về sự phát triển tương tự tại Anh, TS Brian Hull cho rằng Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi công nghệ mới xuất hiện, những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai. Nếu Chính phủ hay những doanh nghiệp lớn có thể xây dựng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất.

Cùng với đó, nhân lực cũng là vấn đề được TS Brian Hull nhắc đến như một tiền đề cho sự phát triển. "Những nhà máy thông minh cũng không thể tự vận hành, chúng ta cần những kỹ sư. Vậy nguồn lực này đến từ đâu? Tôi nghĩ việc phát triển cơ sở nhân lực cũng là điều quan trọng. Nguồn nhân lực đảm bảo sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế số", Tổng giám đốc ABB Việt Nam nhận xét.

Cũng theo TS Brian Hull, sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ