• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn tiến ở Libya: Gia đình Gaddafi đã sang Algeria

Thế giới 26/09/2011 16:10

(Toquoc)-Nếu chưa chạy thoát khỏi Tripoli, kịch bản nào sẽ đến với nhà lãnh đạo Gaddafi?

(Toquoc)-Hãng tin nhà nước Ai Cập (MENA) dẫn một nguồn tin phiến quân nói rằng một đoàn 6 xe Mercedes bọc thép chở các quan chức Chính phủ Libya, có thể có cả nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đã vượt qua biên giới sang Algeria.

Đoàn xe này được các binh sĩ trung thành với chính phủ hộ tống cho tới khi đi vào thị trấn Ghadames của Algeria. Quân nổi dậy đã không thể truy đuổi theo họ vì thiếu phương tiện và đạn dược.

Tại quê nhà Sirte, Đại tá Gaddafi vẫn giành được sự ủng hộ của đa số người dân

Các thông tin trên hiện chưa được kiểm chứng và cũng không rõ ai có thể đi trên những chiếc xe đó. Tuy nhiên, theo MENA, phe nổi dậy đang dự đoán đó là đoàn xe chở Tổng thống Muammar Gaddafi, các con trai của ông này cùng với các quan chức cấp cao của Libya chạy ra khỏi đất nước Libya.

"Người ta tin rằng, những chiếc xe Mercedes đó đang chở các quan chức cấp cao Libya và có thể là ông Gaddafi cùng các con trai ông này”, MENA dẫn nguồn tin từ phe nổi dậy cho biết.

Các quan chức Algeria chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận gì về thông tin nói trên. Algeria cho đến nay vẫn chưa công nhận tình hợp pháp của phe nổi dậy Libya.

Giao tranh ở Tripoli vẫn ác liệt

Trong khi đó, ông Abdel Nagib Mlegta, chỉ huy cuộc hành quân của phiến quân đánh chiếm thủ đô Tripoli, cho biết các chiến binh của ông đã kiểm soát 95% thành phố này và hiện chỉ còn một vài ổ đề kháng nhỏ.

Quân nổi dậy được NATO trang bị nhiều vũ khí hiện đại kiểm soát 95% Tripoli

Ông Abdel lại cho rằng nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn chưa rời khỏi Tripoli và hy vọng lực lượng nối dậy sẽ kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli và bắt sống ông Gaddafi trong vòng 72 giờ tới.

Sau khi chiếm được thủ đô cùng đại bản doanh chính của Nhà lãnh đạo Gaddafi, lực lượng nổi dậy đang ráo riết truy lùng ông này. Họ tin rằng, một khi ông Gaddafi chưa bị bắt hoặc chưa chết thì họ sẽ không được yên. Đó cũng chính là tuyên bố của chính quyền Gaddafi. NATO cũng đang giúp phe nổi dậy Libya truy tìm ông Gaddafi bằng các thiết bị do thám tối tân.

Trong khi đó, bộ Quốc phòng Anh cho hay, các máy bay chiến đấu của họ đang oanh tạc một chiếc hầm bí mật tại thị trấn quê hương của ông Gaddafi ở Sirte.

Những cảnh tượng kinh hoàng

15 thi thể được cho là của các chính trị gia ủng hộ ông Gaddafi được tìm thấy ở gần dinh thự của ông ta đã bị quân nổi dậy chiếm đóng. Trong khi đó, BBC đưa tin, hơn 200 thi thể đang ở giai đoạn phân hủy đã được tìm thấy tại một bệnh viện ở Tripoli. Trong số đó, không chỉ có thi thể của những người đàn ông mà còn có cả phụ nữ và trẻ em. Họ bị bỏ lại trên giường bệnh hoặc trên hành lang của một bệnh viện ở Abu Salim (Tripoli).

Toàn bộ bác sĩ và y tá của bệnh viện này đã bỏ trốn sau khi các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và phe nổi dậy xảy ra gần đó. Một số cư dân ở đây cho hay, chế độ Gaddafi đã tàn sát dân thường ở bệnh viện, tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính xác vì đâu họ chết.

Bệnh viện với hơn 200 thi thể đang ở giai đoạn phân huỷ

Al Arabiya TV đưa tin, những người trung thành với nhà lãnh đạo lâu năm này đang điên cuồng bắn trả phiến quân tại sân bay Tripoli khiến nhiều máy bay ở đây bị hư hỏng nặng. Theo các nguồn tin, tên lửa Grad đã được quân Gaddafi sử dụng trong cuộc tấn công này.

Chính trị gia hàng đầu của Liên Hợp Quốc Lynn Pascoe tiết lộ, hiện họ chưa có kế hoạch nào cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở Libya. Còn theo AP, Lầu Năm Góc cho hay, quân đội Mỹ không tham gia vào chiến dịch truy lùng ông Gaddafi.

Reuters đưa tin, ông Gaddafi lại một lần nữa lên tiếng thách thức phe nổi dậy và NATO khi tuyên bố, nhân dân Libya sẽ để phụ nữ và trẻ em “rửa nhục” cho Tripoli, người Libya phải chiến đấu và tiêu diệt phiến quân nổi loạn ở đây.

Nhà lãnh đạo lâu năm này cũng đã kêu gọi các bộ lạc ở khắp nơi trên đất Libya cùng chiến đấu để chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong bài phát biểu trên kênh truyền hình “trung thành” với nhà nước - al-Orouba.

Phát ngôn viên của Gaddafi đã nói với tờ AP rằng ông Gaddafi hiện đang ở Libya và đang lãnh đạo cuộc chiến chống lại phe nổi dậy.

AU chưa công nhận NTC

Đại diện Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp NTC xác nhận thông tin họ đang chuẩn bị cho việc “dời đô” về Tripoli để tiếp quản việc lãnh đạo Libya. Các nước phương Tây đã giải ngân nhiều khoản tiền, vốn của chính phủ Libya, cho lực lượng nổi dậy để họ có kinh phí vận hành bộ máy nhà nước thời hậu Gaddafi. Các nước cũng đang xúc tiến việc mở lại các cơ quan ngoại giao sau khi NTC tiếp quản công việc ở Tripoli và hy vọng Libya sẽ có được ghế ở Liên hiệp quốc vào tháng tới.

Tuy nhiên, Liên minh châu Phi hiện vẫn chưa công nhận NTC. Phát biểu ngày 26/8, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuyên bố AU sẽ không công nhận NTC của quân nổi dậy Libya là một chính phủ hợp pháp chừng nào cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này vẫn còn tiếp diễn, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp đa đại diện tại nước này.

Ủy viên Hội đồng Hòa bình và An ninh AU, ông Ramtane Lamamra nói: “AU khuyến khích các bên tại Libya thúc đẩy tiến trình dẫn tới việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của tất cả các bên. Điều đó sẽ được hoan nghênh và mở cánh cửa cho chính phủ này giành được một ghế trong AU”.

Số phận Gaddafi sẽ ra sao?

Nếu thông tin Gaddafi đã sang Algeria không phải là sự thật, ông vẫn ở Libya và bị bắt thì một kịch bản như thế nào sẽ diễn ra? Bên nào sẽ quyết định số phận Gaddafi?

Giới phân tích đưa ra bốn kịch bản: Một là đưa ông Gaddafi tới Tòa án hình sự quốc tế ở The Hague, Hà Lan; hai là xét xử Gaddafi ngay tại Libya; ba là để cho nhà lãnh đạo này một đường lùi bằng cách sống lưu vong ở nước ngoài hoặc cuối cùng, một khả năng có thể xảy ra, Gaddafi có thể chết ngay trước khi bị bắt.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành tổ chức Theo dõi nhân quyền Roth Ken thẳng thắn nói: "Các nhà độc tài hầu như hiếm khi nào sụp đổ trong biển lửa".

Phe nổi dậy Libya và các nhà hoạt động chống ông Gaddafi vẫn mong muốn nhà độc tài này phải đối mặt với công lý ở Libya. Cộng đồng quốc tế lại không nhất trí điều này.

Tuy nhiên, tháng trước, thời điểm chiến dịch quân sự của NATO rơi vào bế tắc sau 4 tháng tham chiến tại Libya, các quan chức Pháp cho biết có thể chấp nhận cho ông Gaddafi ở lại Libya nếu chấp nhận từ bỏ quyền lực.

Washington vẫn khẳng định Gaddafi phải từ chức. Còn chuyện ông ta có được ở lại Libya hay không lại do người dân nước này quyết định.

Trả lời câu hỏi trên, các nhà học giả hoạt động vì nhân quyền thừa nhận có những mong mỏi được xét xử Gaddafi tại Libya của công dân nước này. Tuy nhiên, một số khác lại bày tỏ lo ngại với hệ thống pháp luật đã bị ông Gaddafi điều hành một cách độc tài suốt hàng chục năm nên tốt nhất, vẫn nên đưa ông ta tới tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan.

Roth Ken phân tích: "Tôi nghĩ công lý có đầy đủ ý nghĩa hơn nếu nó được tiến hành ở địa phương. Về mặt lý tưởng, họ muốn xét xử Gaddafi ở Libya". Về mặt lý thuyết, Tòa án hình sự quốc tế vẫn có thể di chuyển tới Libya để xét xử. Vậy điều quan trọng nhất ở đây là sự công bằng. Xét xử ở đâu không quan trọng - ông Roth kết luận.

Ngoài ra, điều Roth Ken lo ngại là Gaddafi rất có thể sẽ bị hành quyết một cách chóng vánh nếu ông ta bị bắt.

Mark Quarterman, cựu quan chức Liên Hợp Quốc và là một chuyên gia về các vấn đề "hậu xung đột" ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nói: "Công lý được tiến hành ở quê hương thì vẫn hiệu quả hơn. Nếu ICC sẵn lòng trì hoãn tiến trình vụ án để cho phép tổ chức phiên tòa ở Libya thì mọi thứ sẽ đáng tin cậy".

Ông Quarterman cũng nói thẳng, một phiên tòa ở Libya không có gì là không thể tổ chức. Ngay bản thân người đứng đầu NTC của phe nổi dậy, ông Mustafa Abdel-Jalil, cũng từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên sẽ là người rõ hơn cả.

V.V (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ