• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điều chỉnh lễ hội là vấn đề đã được đặt ra từ lâu

Văn hoá 21/02/2017 07:26

(Tổ Quốc) - Bàn về vấn đề điều chỉnh những nghi lễ không còn phù hợp với hiện nay trong một số lễ hội là những nội dung PGS. TS. Lương Hồng Quang – Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ với Báo điện tử Tổ quốc.

PV: Hiện một số lễ hội còn tồn tại những cổ tục, hủ tục phản cảm mà lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà văn hóa, dư luận cũng lên tiếng cần điều chỉnh, thay đổi những cổ tục này, là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tôi ủng hộ quan điểm cần tìm những hình thức nghi lễ mới cho các nghi lễ không phù hợp trong một số lễ hội, khi bối cảnh xã hội đương đại đã thay đổi.  Sự thay đổi này phụ thuộc quyết tâm lớn ở chính quyền, của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là sự vào cuộc của các cộng đồng địa phương.

PGS. TS Lương Hồng Quang. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Lấy ví dụ để so sánh thế này: trong các nghi thức hiến sinh, trong xã hội cổ truyền người ta làm trong nội bộ cộng đồng đó, chủ yếu người có chức sắc, các cụ, nam từ 49 tuổi trở lên mới được ra đình, nữ không được đến. Việc cúng tế ngày xưa là việc của người cao tuổi, không có khách, không/ít có người xem, cúng xong rồi thụ lộc. Chưa kể ngày xưa chưa có phương tiện thông tin đại chúng. Còn giờ, tất cả hiện tượng trong lễ hội của làng đều có thể bị “toàn cầu hóa”.

Xã hội văn minh, bên cạnh quyền con người còn có quyền động vật và người ta bảo vệ quyền động vật. Trong bối cảnh như vậy, một vài lễ hội truyền thống mang con vật làm lễ hiến sinh bị coi là phản cảm, dã man. Nhưng bản thân ngày xưa không như thế, không mang tính dã man, phản cảm, nhưng trong bối cảnh mới không phù hợp, thành ra có hình ảnh của sự dã man, phản cảm.

PV: Xin ông cho biết vấn đề điều chỉnh nghi lễ trong lễ hội đã được đặt ra trong quá khứ hay đây là vấn đề mới được đặt ra trong bối cảnh hiện nay?

PGS.TS Lương Hồng Quang: Việc điều chỉnh một số nghi lễ trong một số lễ hội đã được đặt ra từ lâu rồi. Ví dụ lễ hội pháo Đồng Kỵ, hình thức cốt lõi không thay đổi, vẫn giữ được nghi lễ “dô quan đám”… Nhưng một số nghi lễ liên quan tới tục rước pháo là có sự thay đổi, xưa người dân làm pháo để đốt còn nay làm pháo để thờ. Những năm khi chưa cấm đốt pháo họ vẫn làm pháo thờ rồi đốt. Nhà này làm một ông pháo, nhà khác làm một ông pháo, hội đồng niên này làm một ông pháo khiến cả làng như một trận chiến dẫn đến những nguy hại về phòng chống cháy nổ và an toàn con người. Hay ngày xưa rước từ nhà 4 ông quan đám ra đình, bây giờ các cụ xây ra một nơi để thờ pháo nên nghi thức bắt đầu hội không từ nhà các ông quan đám mà từ nơi để pháo thờ…

Hoặc gần đây, lễ hội ở Ném Thượng (Bắc Ninh), khi được vận động đã thay đổi rất rõ về nghi lễ chém lợn. Lễ hội ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) không còn tái diễn “cướp Phết” nữa mà biến thành “sờ Phết”. Mọi người xếp hàng thứ tự để vào sờ Phết. Đây là phương án tạm thời năm nay, còn năm sau họ sẽ tính tiếp… Tôi được biết ngày xưa, tại lễ hội cướp Phết Hiền Quan, các cụ cũng cướp phết quyết liệt nhưng các cụ có điều “phạt”, còn giờ không có cái đấy. Hay ở Lễ hội Linh tinh tình phộc, những năm trước thập niên 80, những vật biểu trưng cho bộ phận của đàn ông và đàn bà  rất mộc mạc, thô sơ, còn giờ họ sơn phết trông bắt mắt hơn. Như vậy trong truyền thống cũng thay đổi chứ không phải bây giờ mới thay đổi. Truyền thống là một quá trình diễn tiến liên tục với những thay đổi về hình thức nghi lễ.

Lễ hội 2017 ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) thay vì cướp Phết thành "sờ phết". Ảnh: giadinh.net.vn

 

PV: Vậy trong  bối cảnh hiện nay, sự thay đổi một số nghi lễ trong lễ hội có khó khăn không thưa ông?

PGS. TS Lương Hồng Quang: Khó khăn lớn nhất là sự phản ứng của cộng đồng. Mà cộng đồng ở đây là các cụ, ban khánh tiết, bô lão, người dân và tri thức nông thôn. Họ luôn cho rằng họ tuân theo nghi thức truyền thống.

Quan trọng nhất hiện nay là thay đổi nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi hình thức nghi lễ mới trong một số lễ hội cho phù hợp. Đồng thời cần có những thay đổi trong nhận thức cộng đồng, nhận thức của những người có trách nhiệm. Để thay đổi nhận thức thì cung cấp tri thức là quan trọng nhất.

PV: Theo ông, để sự thay đổi vừa phù hợp với bối cảnh cuộc sống hiện nay vừa giữ được tính truyền thống của lễ hội thì có mâu thuẫn nhau và có thể thực thi được không?

PGS. TS Lương Hồng Quang: Câu hỏi lớn nhất và quan trọng nhất là sự thay đổi đó có làm phá vỡ cấu trúc chung không, có phá vỡ ý nghĩa của lễ hội không thì mới là quan trọng.

Vậy để làm được điều này phải có sự vào cuộc của cả những nhà nghiên cứu văn hóa. Tiếp đến, cần phải có thương thảo trong cộng đồng, ở địa phương vấn đề này cũng phức tạp, bởi thương thảo không những trong nội bộ cộng đồng mà còn thương thảo giữa cộng đồng với chính quyền.

Cùng với đó, phải tìm ra một phương án tổ chức, hay một kịch bản để tổ chức sự kiện này. Phải coi những lễ hội này như một sự kiện và đưa các kiến thức tổ chức sự kiện vào quản trị lễ hội.

Sự điều chỉnh các nghi lễ trong lễ hội cũng cần phải có thời gian. Bởi muốn thay đổi một hình thức mới cũng phải có thời gian, chứ trong văn hóa không vội hay mì ăn liền được. Trong văn hóa phải rất thận trọng.

Sự mạnh mẽ, quyết tâm của chính quyền cũng là một trong những điều kiện quan trọng để việc điều chỉnh hay thay đổi những phản cảm trong lễ hội được thực thi.

Phải có chương trình rà soát, đánh giá, đặc biệt những lễ hội để làm du lịch. Giảm bớt hành chính hóa, sự can thiệp của chính quyền, giảm bớt cường độ tổ chức (ngày xưa các cụ có hội lệ, tức là không có rước, mà hai, ba hay thậm chí năm, mười năm mới tổ chức đại đám, có rước một lần, một là tiết kiệm chi phí, hai là làm cho lễ hội thiêng hơn). Cần có đề án nâng cao năng lực quản trị lễ hội vì lễ hội ngày xưa đơn giản, giờ lễ hội có quy mô lớn hơn.

Cảm ơn ông!

Nhị Xuân (thực hiện)

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ