• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nhân và hoạt động văn hóa

07/01/2011 10:03

Năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010. Từ đó đến nay, việc thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng, đã thu được một số thành tựu đáng khích lệ.

Năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010. Từ đó đến nay, việc thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng, đã thu được một số thành tựu đáng khích lệ.

Do vậy, xem xét trên diện rộng và từ bề nổi của các hoạt động văn hóa, rất dễ nhận ra vai trò của doanh nhân. Họ trực tiếp tham gia, trực tiếp góp phần tạo ra nguồn kinh phí đầu tư để tổ chức lễ hội và hoạt động nghệ thuật, xuất bản sách và lập giải thưởng, xây dựng một số công trình văn hóa và tôn giáo,... với kết quả đã được xã hội ghi nhận.

Trên thế giới, sự tham gia của giới doanh nhân vào các hoạt động văn hóa vốn không phải là hiện tượng mới mẻ. Nhiều người không chỉ nổi tiếng vì kinh doanh giỏi mà còn nổi tiếng từ vai trò 'mạnh thường quân' trong hoạt động văn hóa với tinh thần không vụ lợi.

Ở Việt Nam, thực tế các năm gần đây cho thấy, bên cạnh các doanh nhân có đóng góp tích cực với quá trình phát triển văn hóa của xã hội, dường như đã có một số doanh nhân coi hoạt động văn hóa như phương tiện quảng bá sản xuất và kinh doanh, khuyếch trương tên tuổi,...  Ðó là khi có người tham gia đấu giá từ thiện với giá cao ngất ngưởng rồi 'quên', hoặc viện lý do này, lý do khác để từ chối. Chưa kể, tại một số lễ hội và chương trình nghệ thuật, lô-gô của đơn vị tài trợ 'bành trướng' đến mức lấn át lô-gô chủ đề lễ hội, hay chương trình. Ðôi khi còn có doanh nhân lên diễn đàn dài dòng kể thành tích... Vì thế, dư luận xã hội đã tỏ rõ sự không đồng tình với những hiện tượng này.

Xưa nay, các giá trị và ý nghĩa nhân văn thanh sạch của văn hóa không có chỗ cho tinh thần vụ lợi. Khi tinh thần vụ lợi trở thành động cơ chi phối việc tham gia hoạt động văn hóa, rất dễ đẩy tới sự ra đời của loại hiện tượng làm méo mó văn hóa. Ðơn giản bởi, văn hóa có được bản chất vô tư và trong sáng, vì văn hóa luôn hướng tới con người, vì con người, vì sự phát triển của con người và xã hội. Tham gia các hoạt động văn hóa, dù là doanh nhân hay không, vẫn cần nhận chân bản chất ấy, để từ đó không chỉ xác lập mục đích cho hành động, mà còn hành động vì uy tín của cá nhân trước cộng đồng. Tất nhiên, để có các nhận thức như thế, trước hết mỗi người cần là con người văn hóa, có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, đặc biệt là có thể phối hợp cùng mọi người hướng hành động tới các giá trị chân - thiện - mỹ và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để từ đó tham gia hoạt động văn hóa một cách tự giác và lành mạnh. Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng phát triển, trong đó doanh nhân giữ vai trò rất quan trọng. Nhưng xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển văn hóa lại là những phương diện mà ở đó, tiền không thể làm nên tất cả. Thiết nghĩ, trong sự nghiệp xã hội hóa văn hóa cần quan tâm vấn đề này, và khi tham gia hoạt động văn hóa, các doanh nhân cũng không nên xem nhẹ.

 

Theo Nhân Dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ