(Tổ Quốc) - Từ trước tới nay, trong lòng mỗi Phật tử, chùa là nhà của Phật, là nơi cưu mang người nghèo khó, lầm lạc, nơi mỗi người con Phật đều có thể nương tựa. Thế nhưng, quan niệm ấy giờ đây dường như đã có những thay đổi...
- 21.03.2019 Trụ trì chùa Ba Vàng xác nhận có giải vong báo oán nhưng "là tự nguyện, không ép buộc hay hù dọa"
- 21.03.2019 Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện xử lý thông tin liên quan đến Chùa Ba Vàng
- 21.03.2019 Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu làm rõ vấn đề dư luận phản ánh về chùa Ba Vàng
Từ trước tới nay, trong lòng mỗi Phật tử, chùa là nhà của Phật, là nơi cưu mang người nghèo khó, lầm lạc, nơi mỗi người con Phật đều có thể nương tựa. Thế nhưng, quan niệm ấy giờ đây dường như đã có những thay đổi. Những ngôi chùa đua nhau thu tiền cúng sao giải hạn, những ngôi chùa lợi dụng lòng tin của con người để trục lợi đã không còn hiếm nữa. Câu chuyện thỉnh vong, giải nghiệp, truyền bá mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng đang gây xôn xao dư luận.
Chùa Ba Vàng chiều ngày 21.3.2019 (ảnh Hoàng Nguyên)
Có thể cái nhìn của PGS. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền là khắt khe, nhưng cũng có cái lý của nó. Ông từng nói với chúng tôi nhiều lần, từ nhiều năm trước, rằng bây giờ, nhiều ngôi chùa không còn là chùa nữa mà là cơ sở kinh doanh tôn giáo.
Điều này chẳng có lý sao, khi một Phật tử như bà Phạm Thị Yến lại có thể đăng đàn rao giảng về nghiệp, lấy ví dụ vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại là để giải oan gia trái chủ. Nhà chùa thực hiện giải nghiệp, thu của mỗi người thực hiện ít nhất 5 triệu đồng/lần. Phản cảm hơn, trang web của chùa đăng tải đầy đủ thông tin về số tài khoản để người dân ở xa có thể chuyển vào cho chùa cúng giải nghiệp. Có những người đến giải nghiệp nhưng không đủ số tiền phải khấn xin "nợ", thậm chí... có thể trả góp. Những hành động của những kẻ tự nhận là con Phật đã thực sự đã làm ô uế cửa Phật, sai lệch giáo lý nhà Phật.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ rằng rất buồn về việc gọi vong, vong báo oán, thu tiền của người dân để giải nghiệp ở chùa Ba Vàng. Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, giáo lý của Phật giáo nhấn mạnh tới thuyết luân hồi, nghiệp quả. Theo đó, con người chúng ta là cấu thành của 5 yếu tố, còn gọi là Ngũ uẩn- sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, Sắc theo quy luật của Phật giáo, khi kết thúc đời sống, phần vật chất bị hủy hoại. Thọ, Tưởng, Thành, Thức chịu sự chi phối của nghiệp lực và luân hồi. Chính vì thế, mọi thứ đều do tâm thức tạo ra. Nghiệp do chịu sự chi phối của nhân quả. Nghiệp là hành động tạo tác, có nghiệp tốt, nghiệp xấu…nhưng tất cả đều do hành động và ý của mình mà thành. Cho nên con người chúng ta là chủ chuyển hóa nghiệp của mình. Chỉ có bản thân chúng ta mới có thể giải nghiệp cho chính mình, không ai có thể giải nghiệp hộ được, kể cả Đức Phật.
Phật tử Phạm Thị Yến (áo vàng) trong một khóa giải nghiệp (ảnh laodong.com)
Thượng tọa cũng cho rằng, muốn chuyển nghiệp thì phải bằng tu nhân tích đức, làm việc thiện. "Việc chùa Ba Vàng nói về kiếp trước là không đúng. Không có ai biết được quá khứ của mình như thế nào. Tôi cũng không thể biết được quá khứ của tôi. Chính vì thế Phật giáo dậy tu hành, thiện căn tốt, duyên tốt thì sẽ chuyển hóa. Không hề có chuyện thỉnh vong hay giải oan nghiệt gì cả. Phật hoàn toàn không dạy những điều như chùa Ba Vàng đang thực hiện"- Thượng tọa Thức Đức Thiện khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của Thượng tọa, việc đem chuyện nữ sinh viên bị giết ở Điện Biên đầu năm vừa rồi để giải nghĩa cho cái gọi là oan gia trái chủ là hoàn toàn không đúng tôn chỉ giáo lý, chủ trương của Giáo hội và trái đạo đức xã hội. Thượng tọa cho rằng, đó là hành động không thể chấp nhận được của những người ở chùa Ba Vàng. "Cái chết đau xót của một con người lại được giải thích bằng mơ hồ hành động kiếp trước để kết luận là oan gia rồi ngụy biện cho hành động tàn bạo trong xã hội là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hơn nữa, nó lại diễn ra ở một ngôi chùa nổi tiếng"- Thượng tọa cho hay.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khẳng định: "Không có chuyện có thỉnh vong để hóa giải oan gia. Nghiệp của mình là tự mình phải làm việc tốt để hóa giải cho mình. Dẫn dắt con người ta đi vào con đường tà kiến, mê lầm là không đúng. Xem clip tôi thấy, người giảng pháp nói về 33 kiếp trước, 42 kiếp trước rồi dẫn dụ người dân vào tà kiến. Ngoài ra, còn nhắc đến chuyện cúng dàng rất nhiều. Lại còn chuyển khoản và trả góp nữa thì đúng là hoàn toàn không phải chủ trương của Phật giáo và Giáo hội".
Chùa Ba Vàng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (ảnh laodong.com)
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Lâm Biền thì khẳng định, nhiều người đang bị dẫn dắt vào mê lầm với cách làm của chùa Ba Vàng. "Nhiều người tin rằng, chỉ cần cắt vong, giải hạn là có thể chữa được bệnh, đây là reo rắc mê tín, dị đoan, không phải là hoạt động gắn với nhà chùa.
"Nếu ung thư, suy tim, suy thận... đều được chữa khỏi bằng làm lễ cắt vong, giải oan thì cần gì bác sĩ với bệnh viện. Làm gì có chuyện vô lý như thế được. Cần ngăn chặn những hành động sai trái với đạo đức, văn minh, không phù hợp với giáo lý nhà Phật như vậy. Nếu để việc này tràn lan, sẽ tạo nhận thức không tốt cho xã hội, nhất là những người, gia đình đang có bệnh"- PGS.TS Trần Lâm Biền nói.
"Giáo lý nhà Phật chỉ hướng con người sống tu tập, phải đạo, hướng thiện, làm việc tốt thì sẽ nhận được điều tốt đẹp. Việc phật tử tổ chức gọi "hồn" giải oan nghiệp rồi thu tiền của nhân dân tại chùa Ba Vàng là hành động trục lợi, bôi nhọ giáo lý nhà Phật. Phật tử, nhân dân đến chùa với mục đích cầu an, tu nhân tích đức chứ không phải là nộp tiền để được gọi "vong". Đây tuyệt nhiên không phải là tinh thần của Phật giáo", PGS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, những kẻ reo rắc niềm tin mù quáng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi là những kẻ không sợ Phật, không có lương tâm. Vụ việc này cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ để giúp nhân dân hiểu đúng giáo lý, tinh thần Phật giáo, tránh mê muội, đặt niềm tin mù quáng vào những hành động không đúng với Phật pháp.
Từ sự việc này, cũng mong nhân dân, Phật tử đi chùa cần hiểu mục đích của việc đến chùa. Thực hiện đúng nghi thức ở chùa mới đem lại bình an, cuộc sống tốt đẹp. Ngược lại, tin lầm những kẻ lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi thì chỉ tiền mất, tật mang./.