Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải công bố phương án tuyển sinh trước khi bắt đầu năm học mới.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải công bố phương án tuyển sinh trước khi bắt đầu năm học mới.
Giờ học của học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, ngày mai, 5/9, sẽ là ngày khai trường nhưng đến giờ Bộ vẫn chưa chốt được có đổi mới thi hay không, đổi mới như thế nào. Các phương án đổi mới đưa ra nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các nhà giáo dục. Còn giáo viên, học sinh thì sốt ruột chờ đợi vì đến thời điểm này vẫn mù mờ thông tin về hai kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách: thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.
Đổi mới thi: Càng bàn, càng rối
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ba phương án thực hiện chủ trương một kỳ thi hợp nhất ngay năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, kết quả vừa để xét tốt nghiệp, vừa có thể dùng làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.
Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên thực hiện đổi mới trong năm 2015. “Năm nay, chúng ta đã bước đầu cải tiến về thi cử và theo tôi, đến thời điểm này như thế là đủ. Chúng ta cứ thực hiện như vậy một vài năm tới. Khi nào thay đổi về chương trình, sách giáo khoa thì mới thay đổi về thi cử. Bây giờ cứ thay đổi về phương thức nhưng nội dung, chương trình, sách giáo khoa vẫn thế thì chắc chắn không có thay đổi gì thật căn bản. Tôi nghĩ không nên vội vã, cứ từng bước sẽ vững chắc hơn,” ông Thi nói.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề nghị Bộ cần có lộ trình chuyển đổi để học sinh, các trường phổ thông kịp thích nghi, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.
Về ba phương án thi mà Bộ đưa ra, nhiều nhà giáo dục như giáo sư Đào Trọng Thi, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, phó giáo sư Văn Như Cương, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm… đều cho biết họ không đồng tình với phương án nào. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng ở phương án 1 với 8 môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, hình thành hai loại giáo viên trong nhà trường là giáo viên dạy môn thi và giáo viên dạy môn không thi. “Đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò,” ông Dũng nói. Phương án 2 và 3 thì quá nặng và rối, ghép môn thi một cách cơ học là không khoa học.
Nếu phải chọn một trong các phương án Bộ đưa ra, các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo chọn phương án 1 vì đây là phương án gần nhất với kỳ thi tốt nghiệp hiện hành, còn các trường đại học lại chọn phương án 2 vì thuận lợi cho tuyển sinh.
Các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với mục đích hai trong một vẫn còn rất rối thì nhiều trường đại học đã lên tiếng sẽ không chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi này để làm cơ sở xét tuyển đại học mà sẽ phải có kỳ thi bổ sung. Lý do các trường đưa ra là kết quả kỳ thi tốt nghiệp nhiều năm qua không phản ánh đúng chất lượng học sinh, nhiều gian lận trong thi cử. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga thừa nhận, nếu các trường phải tổ chức thi riêng thì mục tiêu đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp đã không đạt được như mong đợi là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng việc đổi mới giáo dục theo hướng đổi mới thi là sai lầm vì như vậy, giáo dục Việt Nam vẫn quẩn quanh với việc học để thi chứ không phải học vì để trang bị tri thức cho công dân. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thí sinh “nín thở” chờ
Trong khi các chuyên gia giáo dục vẫn còn đang tranh luận, nhà quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang phân vân chưa quyết còn các trường đại học vừa nghe ngóng vừa tìm phương án tuyển sinh thích ứng thì người chịu nhiều thiệt thòi nhất là các em học sinh.
Châu Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Gia Lai (Gia Lai) cho biết, suốt từ mấy tháng qua, em cũng như các bạn trong trường như “ngồi trên đống lửa.”
“Đầu năm 2014, Bộ công bố sẽ tổ chức kỳ thi ‘ba chung’ đến hết năm 2016, nhưng chỉ vài tháng sau lại chủ trương bỏ 'ba chung'. Liệu như thế có công bằng với chúng em?” Châu Anh bức xúc nói.
Đây cũng là nỗi niềm của tất cả các học sinh trung học phổ thông, nhất là học sinh khối 12 trên cả nước.
Em Trần Hương Ly, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu được chọn, chúng em không chọn phương án nào. Bộ nên đề ra lộ trình thay đổi trước một vài năm để học sinh chuẩn bị.”
Cũng theo Ly, với sự thay đổi trong tuyển sinh, có thể năm nay các trường đại học sẽ không còn tuyển theo khối thi như những năm trước mà theo môn thi, và rất có thể, các môn thi đó không trùng với các môn trong khối thi ổn định lâu nay của trường. “Chúng em rất bối rối. Thường học sinh sẽ xác định khối thi từ khi bắt đầu vào lớp 10 và học tập trung vào các môn đó, lơ là các môn còn lại. Nếu trường đại học thay đổi cách xét tuyển mà lại chỉ công bố trước 6 tháng như quy định của Bộ thì học sinh không thể chuyển hướng kịp vì học phải là cả một quá trình. Chính vì thế, việc lựa chọn một trong ba phương án trên đều là khó cho chúng em.”
Ly cũng cho biết, tình trạng học lệch là phổ biến ở tất cả các học sinh trung học phổ thông hiện nay. Cũng vì học lệch nên thời điểm này, nhiều học sinh đã phải học “cầm chừng” các môn để nghe ngóng thêm tình hình.
Em Nguyễn Mạnh Hưng, học sinh lớp 12A2 trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) nói: “Em theo khối A, nhưng hiện em đã giảm thời lượng học thêm môn lý để ở nhà ôn tập, học toàn diện hơn các môn học khác. Cậu bạn cùng trường với Hưng, em Hoàng Hưng Thịnh lại đi học thêm tiếng Anh và môn lý.
“Nghe nói Bộ sẽ công bố trước khi bắt đầu năm học mới. Chúng em đang ‘nín thở’ chờ để còn có kế hoạch học tập thích nghi với một kỳ thi mới,” Thịnh chia sẻ./.
Phạm Mai
(Nguồn: Vietnam+)