• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đòn đánh” mạnh vào Thổ: Mỹ giáp mặt loạt “cú đấm sau lưng?

Thế giới 15/08/2018 14:17

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia đưa ra nhận định về thách thức Mỹ sẽ phải đối mặt khi liên tục trừng phạt vào Thổ  Nhĩ Kỳ.  

Ngưng trệ cuộc chiến chống khủng bố

Các quan chức tình báo và chống khủng bố của Mỹ và châu Âu ngày 14/8 cho biết, các căng thẳng leo thang giữa Tổng thống Trump và Tổng thống  Recep Tayyip Erdogan đã hạn chế các chia sẻ chung trong nỗ lực hợp tác chống khủng bố IS của hai nước tại Syria.

Căng thẳng Mỹ-Thổ vẫn tiếp tục leo thang. Ảnh: The ny times

Các chỉ huy quân sự cho biết, kế hoạch tác chiến vẫn đang được tiến hành giữa quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiến hành cuộc tuần tra chung gần Manbij – khu vực tập trung của một nhà nước Hồi giáo cũ ở phía bắc đã được giải phóng bởi lực lượng người Kurds.

“Điều đó sẽ bắt đầu rất sớm”, tướng  Felix Gedney, phó chỉ huy người Anh thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria nói với báo chí tại Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, các quan chức tình báo thừa nhận, các căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xung quanh vụ việc bắt giữ mục sư Andrew Brunson đang ngăn chặn nỗ lực cuộc chiến chống khủng bố IS.

Một quan chức cấp cao tình báo Mỹ và một quan chức cấp cao chống khủng bố châu Âu đã bày tỏ lo lắng rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ kín các thông tin về lực lượng Hồi giáo đồng thời nghi ngại các hoạt động tình báo vẫn có thể tìm ra các phiến quân tại Syria.

Thêm vào đó, hai quan chức này cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể “che mắt”  nhiệm vụ lực lượng an ninh của họ đang hành động ngăn chặn các máy bay chiến đấu nước ngoài xâm nhập vào Syria. Cả hai quan chức nói trong điều kiện giấu tên bởi họ không được phép công khai các vấn đề này.

Lo ngại “cú đấm sau lưng” nhằm vào Washington?

Người Mỹ có nhiều lý do để lo lắng về độ tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ giống như một đối tác mặt trận trong bối cảnh hiện tại.

Ông Seth G. Jones, người đứng đầu dự án mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington cho biết, Thổ  Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho Hay’at Tahrir al-Sham, các phần tử thánh chiến nổi lên từ lực lượng Jabhat al-Nusra và al Qaeda ở phía Bắc Syria.

Ông Jones cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng phiến quân thánh chiến Hay’at Tahrir al-Sham nhằm chống lại lực lượng người Kurd tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lực lượng này quanh Idlib – một trong  những thành trì cuối cùng chính phủ Syria đang muốn chiếm lại.

Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc luôn nỗ lực tìm cách tấn công nhằm cân bằng giữa đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd bởi Ankara cho rằng lực lượng người Kurd là lực lượng đáng tin cậy đối phó với khủng bố IS tại Syria.

Thổ  Nhĩ Kỳ tin tưởng rằng các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tại Syria có liên quan đến lực lượng Đảng công nhân người Kurd (PKK). Ankara cho rằng PKK là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Erdogan thậm chí còn tuyên bố ngày 14/8 rằng, không có sự khác biệt gì giữa khủng bố IS và lực lượng PKK.

Trong khi binh lính Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thắt chặt an ninh với Manbij thì tướng Gedney cho biết, lực lượng dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công cuối cùng truy quét khủng bố IS tại Hajin.

Các chuyên gia khác cho biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố thực thi tại biên giới và nỗ lực truy tìm khủng bố.

“Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem khủng bố IS là động thái khiêu khích trong nhiều năm qua”, ông Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Atlantic cho biết.

Theo một quan chức cấp cao nói trong điều kiện giấu tên, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc hàng loạt các trừng phạt đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc hạn chế đối với hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết rằng, nếu mục sư Brunson không được thả ra vào ngày 14/8 thì các trừng phạt sẽ tiếp tục.

“Chắc chắn rằng, Tổng thống Trump sẽ rất thất vọng về việc mục sư Brunson vẫn chưa được trả tự do. Và chúng tôi dự định tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ làm điều đúng đắn xung quanh vụ việc này”, Thư ký Nhà trắng – bà Sarah Huckabee Sanders nói với báo chí ngày 14/8.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay, Mỹ cảnh báo sẽ gây thêm nhiều sức ép về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara từ chối thả mục sư Brunson.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton có cuộc gặp riêng với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Serdar Kilic về vụ mục sư Andrew Brunson.

Theo quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên, ông Bolton cảnh báo Mỹ sẽ không nhượng bộ khi Ankara vẫn tiếp tục giữ ông Brunson.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10/8 đã nói trên tờ the New York Times, trừ khi Mỹ có thể đảo ngược tình thế đơn phương và thiếu tôn trọng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu cho quá trình tìm bạn mới và đồng minh mới”.

Cảnh báo đưa ra sau khi Tổng thống Erdogan có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận về các vấn đề thương mại và kinh tế cũng như khủng hoảng Syria.

Mối quan hệ giữa Ankara và Moscow được dự đoán đang có nhiều tín hiệu cải thiện thông qua các thương vụ vũ khí giữa hai nước. Cuộc điện đàm của ông Putin và ông Erdogan hé lộ sẽ còn nhiều động thái tương tác tiếp theo của Nga và Thổ  Nhĩ Kỳ trong thời gian tới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ