• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự chi Lễ kỷ niệm 104 tỷ: Xin đừng là ngọn cờ đầu cho phong trào bắc thang xin tiền… trên trời!

Thời sự 01/07/2018 08:09

(Tổ Quốc) -Mặc dù kinh phí dành cho Lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hoá, chỉ mới là dự tính, hơn 104 tỷ đồng, nhưng vì sao dư luận lại sôi sục quan tâm và bày tỏ nhiều ý kiến không đồng tình?

Việc kỷ niệm một sự kiện nào đó là chuyện không phải hiếm thấy ở nhiều nơi, nhiều nước, nhất là những năm kỷ niệm chẵn. Thông qua lễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống tốt đẹp, hào hùng, bày tỏ lòng biết ơn, hay tri ân những thế trước, khơi dậy niềm tự hào cho thế hệ sau là phải lẽ.

990 năm cho danh xưng một vùng đất cũng là dấu mốc đáng nhớ, đáng tự hào của Thanh Hóa và đáng để kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm như thế nào để vừa hài hòa, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh vừa khơi dậy những giá trị, ý nghĩa của truyền thống hào hùng lịch sử… là điều cần cân nhắc.

Bởi nếu một tỉnh giàu có, thu nhập bình quân đầu người nhất, nhì nước, số kinh phí làm lễ kỷ niệm được các mạnh thường quân của tỉnh đứng ra lo liệu, hoặc huy động  phần lớn từ xã hội hóa thì câu chuyện về lễ kỷ niệm không quá để dư luận bận tâm như ở Thanh Hóa vừa qua. Còn Thanh Hóa thì sao? Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo, vẫn chưa tự chủ được ngân sách, hàng năm phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người nghèo. Nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa còn vô cùng khó khăn (như Mường Lát, Bá Thước, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh… ): không có điện, không đường, không trạm y tế, phải sử dụng nguồn gạo cứu đói. Đấy là chưa kể mỗi năm người dân của tỉnh còn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, đe dọa, càn quét của cải, tính mạng con người.

Chia sẻ khó khăn với người dân Thanh Hóa. Ảnh: Trần Ngọc

Về nguồn thu ngân sách, Thanh Hóa vẫn là tỉnh thu không đủ bù chi. Năm 2017, địa phương này thu ngân sách được khoảng 13.000 tỷ đồng, nhưng chi lên tới gần gấp đôi với hơn 23.000 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm trở lại đây năm nào Thanh Hóa cũng có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán. Năm 2014 tỉnh này xin hơn 500 tấn gạo, năm 2015 xin hỗ trợ 934,155 tấn gạo, năm 2017 xin hỗ trợ 650,250 tấn, và dịp Tết Nguyên đán 2018 xin hỗ trợ gần 700 tấn.

Rõ ràng nhìn vào những thông tin và con số này khó lòng có thể cho rằng Thanh Hóa là tỉnh giàu mạnh. Vì vậy, khi thông tin tỉnh này đưa ra dự chi con số hơn 104 tỷ đồng cho Lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa khiến cho nhiều người quan tâm chú ý, không đồng tình và thậm chí …sốc!. Và dư luận đặt câu hỏi tại sao tỉnh không huy động số tiền đó, không tính số tiền tương đương vậy để giúp người nghèo, để tỉnh thoát nghèo?.

Chỉ là dự chi, nghĩa là con số chưa chắc chắn, còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng ở cấp cao hơn, nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ và đặt ra những dấu hỏi về cái cách dự chi có phần “bạo tay” của cấp lãnh đạo một tỉnh nghèo. Là người sinh sống, làm việc ở tỉnh, lại giữ trọng trách đứng đầu một sở, hơn ai hết phải hiểu “nội tình” của tỉnh mình để cân nhắc, đắn đo để đưa ra “dự chi” cho hoạt động lễ lạt. Không thể có tư tưởng rằng đã mất công xin thì cứ xin cho thỏa, còn cho được đến đâu thì “lo liệu” đến đấy. Bởi nếu dự chi và thực chi là con số không sát nhau thì vừa tốn kém, lãng phí thời gian bàn bạc,  lên kế hoạch, công sức … ảnh hưởng đến công việc khác, kế hoạch khác của công chức, viên chức, người lao động mà còn gây sự chú ý thiếu thiện cảm từ dư luận.

 Vậy nên, dù có đưa ra con số dự chi cho lễ kỷ niệm, chưa phải là con số thực tế, chưa được ấn định cuối cùng, và dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ở cấp cao hơn có cho rằng không phải cứ xin bao nhiêu và được duyệt bấy nhiêu… thì vẫn không ngăn được sự quan tâm của dư luận. Dư luận quan tâm ở đây là cái cách “dự chi”, cái cách “xin” cho hoạt động lễ lạt – một hoạt động cần nhưng không quá cấp bách, không quá phải đổ nhiều tiền của bằng một con số “trên trời” như thế.

Ảnh minh họa/ phapluatplus.vn

Nhìn rộng hơn, đây mới chỉ là dự chi cho Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, nghĩa là chỉ 10 năm nữa là tròn 1.000 năm. Và liệu cứ với cách dự chi này thì dịp kỷ niệm 1.000 năm Thanh Hóa sẽ còn dự chi bao nhiêu?, bao nhiêu sẽ là từ ngân sách nhà nước? Và nếu dư luận không lên tiếng, bất bình thì biết đâu đây sẽ là ngọn cờ đầu cho phong trào bắc thang xin tiền trên trời. Người xin trót leo cao mà không nhìn thấu nỗi khốn khổ của người dân vẫn cứ ngày ngày phải cúi mặt sát đất để vật lộn với miếng cơm manh áo.

Ngay cả người nghèo thì cũng không ai cấm họ có quyền “mơ” đến một cuộc sống tốt đẹp, giàu sang và hoàn hảo hơn. Nhưng “mơ ước” là một chuyện, thực tế là một chuyện. Không thể tự hào hãnh diện, ngẩng cao mặt khi người nghèo chơi sang từ những đồng tiền vay mượn, hỗ trợ của người khác. Cha ông ta có câu “Liệu cơm gắp mắm” để chỉ sự lo liệu phù hợp với hoàn cảnh xem ra trong trường hợp này không phải là thừa và vô cùng thấm thía.

 

Nhật Quang

NỔI BẬT TRANG CHỦ