• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Du lịch có dư địa phát triển rất tốt, đóng góp cho tăng trưởng rất cao”

Kinh tế 15/06/2017 11:31

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy tại buổi chất vấn tiếp theo của ông sáng 15/6.

Tại buổi chất vấn, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rằng, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn – là định hướng chiến lược phát triển kinh tế đất nước, tạo động lực phát triển cho các ngành khác.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng: "Nếu không có cơ chế đặc thù, chính sách đột phá, đầu tư thích đáng cùng với sự đồng hành của các bộ ngành liên quan thì ngành du lịch khó đạt được mục tiêu đề ra". (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP và tạo ra 4 triệu việc làm. Chính phủ cũng đặt mục tiêu cả năm 2017 tăng trưởng trên 30% khách quốc tế.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, đây là mục tiêu cao,  thách thức lớn đối với ngành du lịch. Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù, chính sách đột phá, không có đầu tư thích đáng cùng với sự đồng hành của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thì ngành du lịch khó đạt được mục tiêu trên.

Trước mục tiêu trên, ĐB Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết giải pháp để hỗ trợ phát triển cho ngành du lịch?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Du lịch là lĩnh vực chúng ta đã xác định là kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có dư địa phát triển rất tốt, đóng góp cho tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có khả năng thu hút đầu tư từ xã hội hoá thuận lợi hơn so với các lĩnh vực khác nên quan điểm chung của Chính phủ là cần tạo lập các cơ chế chính sách, môi trường, các cơ hội, dự án tốt để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng tham gia đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đầu tư hạ tầng”.

Theo Bộ trưởng, thực tế vừa qua, các công trình du lịch, các hạ tầng lớn về du lịch đều có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Ví như tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Khánh Hoà, Hạ Long...các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào các khu du lịch, nghỉ dưỡng mà còn tham gia đầu tư vào hạ tầng rất tốt.

Bộ trưởng cho rằng, dựa vào lợi thế của ngành du lịch, tuỳ tình hình cụ thể, các địa phương cần vận dụng các cơ chế, chính sách của mình để tiếp tục thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

“Nguồn lực của ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, trong khi du lịch là lĩnh vực có khả năng thu hút đầu tư lớn thì nên tạo lập cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực khác tham gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội.

Tại buổi chất vấn, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cũng đã tiếp tục đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về sự cần thiết cũng như việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ