Với quyết tâm chính trị cao nhất, Quảng Ninh sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển dịch vụ và du lịch.
Du khách nước ngoài tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.
Khẳng định điều này tại hội thảo Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm di sản, diễn ra vào hồi trung tuần tháng 4 vừa qua tại TP Hạ Long, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ tinh thần cầu thị của tỉnh với mong muốn được tham vấn những giải pháp, cách làm hay để thúc đẩy phát triển du lịch từ các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý của trung ương và địa phương...
Đột phá về cơ sở hạ tầng du lịch
Phát triển hạ tầng và du lịch Quảng Ninh thời gian qua có vai trò quyết định của tư nhân, cùng với sự đồng hành của chính quyền, giống như bàn tay thuận trong đôi bàn tay con người để tạo nên tiếng vỗ tay thật to và thành công. Điều đó được nhiều diễn giả đồng thuận, tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng, các tập đoàn lớn phải là trụ cột, giúp định hình chân dung phát triển du lịch của mỗi địa phương.
Ở Quảng Ninh, Tập đoàn FLC hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, kể từ năm 2016 khi bắt đầu đầu tư vào Quảng Ninh, đến giờ FLC có gần 30 dự án lớn nhỏ đã, đang và dự kiến sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh. Nói về vai trò của tỉnh, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, chia sẻ: Khi đầu tư vào địa phương nào, chúng tôi quan tâm nhất là lãnh đạo địa phương đó có thực sự mong muốn doanh nghiệp đầu tư không, có tâm huyết thật, nói thật, làm thật không hay là "trên rải thảm, dưới rải đinh"? Lãnh đạo Quảng Ninh có tâm đó, đã mời doanh nghiệp FLC vào đầu tư, các sở, ban, ngành tạo điều kiện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh. Đó là cơ sở để có FLC tại Quảng Ninh như hôm nay, biến bãi rác, bãi than thổ phỉ, bãi tha ma thành khu du lịch tầm cỡ với thời gian rất nhanh...
Với sự thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup, Sun Group..., Quảng Ninh đã trở thành hình mẫu đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, khác với nhiều địa phương giờ vẫn xin tiền nhà nước xây trụ sở, công trình, đường sá, Quảng Ninh xây hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng giúp du lịch Quảng Ninh phát triển, với nhiều chỉ tiêu đạt cao so với cả nước.
Khẳng định điều này, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Năm 2014, Quảng Ninh đã xin Thủ tướng Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến năm 2019, đa phần các chỉ tiêu đã ổn định, cơ bản tịnh tiến và hoàn thành đến năm 2020 rồi. Vì vậy, Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh bổ sung các tiêu chí này. Sau khi rà soát lại Nghị quyết 07 về phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch theo xu hướng phát triển bền vững, Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp chiến lược, điều chỉnh Quy hoạch này để sau năm 2020, ngành kinh tế đóng góp cho GRDP của tỉnh sẽ đến chủ yếu từ dịch vụ, trong đó có du lịch; và kết thúc năm 2020, dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng từ 48-49% tổng GRDP của tỉnh. Do đó, các chỉ tiêu của du lịch sẽ thay đổi, từ số lượng khách đến Quảng Ninh, thị trường khách nước ngoài, tổng thu từ du lịch, số ngày lưu trú của khách, các sản phẩm, tour tuyến cũng sẽ được mở rộng, kết nối các không gian di sản ở Quảng Ninh với các tỉnh, thành trong cả nước, tam giác di sản trong khu vực và các nước châu Á.
Mở rộng không gian du lịch
Quảng Ninh đã có những bước đột phá rất lớn về hạ tầng giao thông, sản phẩm, các dịch vụ du lịch, từ đó có những bứt phá lớn về khách du lịch, mức chi tiêu của khách. Tuy nhiên, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy cũng thừa nhận rằng, việc phát triển các tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch thực sự, mang lại lợi ích cho người dân địa phương thì còn chưa nhiều, chủ yếu vẫn ở các địa phương có lợi thế truyền thống phát triển du lịch, như Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí. Vì vậy, việc mở rộng không gian du lịch ra các địa bàn phụ cận là thiết yếu, bắt buộc. Một trong những giải pháp để mở rộng không gian du lịch là tỉnh tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư chiến lược, để hiện thực hóa các dự án đang và sẽ triển khai. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch bền vững bằng cách phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn.
Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu được doanh nghiệp đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2015.
Nhân lực là yếu tố quan trọng cho du lịch đẳng cấp cao. Nói về tính cấp thiết của yếu tố nhân lực, ông Trịnh Văn Quyết thẳng thắn: Tư nhân có vai trò quyết định, vậy phải có cơ chế, chính sách nào để tư nhân phát huy tối đa tiềm lực, khả năng của mình. Quảng Ninh nguồn thu rất lớn, có cơ sở vật chất rồi đề nghị tái đầu tư cho con người, vì nhân lực rất thiếu và yếu. Một năm, chúng tôi có thể xây được khách sạn 1 đến 2 nghìn phòng nhưng cần 3 nghìn lao động thì lấy ở đâu? Hạ tầng đạt chuẩn 4-5 sao nhưng con người thì chỉ đạt chuẩn 3 sao đổ lại thôi. Vì vậy, Quảng Ninh cần mở các lớp, đầu tư cho các khoa, kêu gọi đội ngũ chuyên gia về du lịch của thế giới hay Việt Nam đào tạo để nguồn nhân lực đạt chuẩn 5 sao thì mới thu tiền 5 sao được.
Du lịch xanh cũng là vấn đề được TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, lưu tâm: Mở rộng không gian du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng tạo đột phá cho Quảng Ninh phát triển. Nhưng cần ưu tiên hạ tầng xanh, không gian xanh, du lịch xanh, bớt việc bê tông hóa, thúc đẩy cho du lịch Quảng Ninh lên một tầm vóc mới, tạo đẳng cấp mới.
Giải quyết vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, cho rằng: Quảng Ninh rất cần quan tâm đến vấn đề đó. Du lịch tác động đến môi trường ở mức vừa phải thôi nhưng phải bảo vệ môi trường thì mới phát triển được du lịch. Vì vậy, trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh phải giảm dần công nghiệp ô nhiễm, tăng cường hoạt động kinh tế ít ô nhiễm. Đứng trên quan điểm môi trường là phải nghiên cứu kỹ, vì Quảng Ninh chọn du lịch như một ngành mũi nhọn. Cách tiếp cận như thế nào là phải dựa trên nguồn tài nguyên du lịch của mình. Riêng với Quảng Ninh là phải hướng đến khác biệt và đẳng cấp, trong đó đẳng cấp là tiêu chí đầu tiên.
Nối tiếp mạch tư duy này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), phân tích: Quảng Ninh cần chọn phân khúc thị trường để tập trung khách du lịch vào đây, gắn kết doanh nghiệp lớn và nhỏ, tạo nên một hệ sinh thái cho du lịch đẳng cấp. Tuy nhiên, du lịch đẳng cấp không có nghĩa là không gắn với cộng đồng, người dân, với homestay nhưng phải thật sự đẳng cấp, để hạn chế phần nào dòng du lịch chất lượng thấp, số lượng lớn vào Quảng Ninh./.