• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Dự luật Thanh niên (sửa đổi) thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy đòi hỏi Tổ quốc phải cho mình nhiều quá"

Thời sự 10/09/2019 13:41

(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định như vậy về Dự luật Thanh niên (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo, trình xin ý kiến Ủy banThường vụ Quốc hội sáng nay (10/9).

Sáng nay, trình bày tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, một số quy định của luật hiện hành khó áp dụng, bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập và thiếu đồng bộ với các chính sách khác. Luật chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chưa cụ thể...

Luật hiện hành cũng thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách...

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận ... 

le-vinh-tan-1568086140789

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, một số quy định của luật hiện hành khó áp dụng, bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm có 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở các chính sách quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi cần được hưởng các chính sách, biện pháp bảo vệ và sự phát triển toàn diện; nhóm thanh niên yếu thế gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, thanh niên làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để tạo cơ hội bình đẳng.

Cùng với đó các các chính sách quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên.

Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, qua thẩm tra sơ bộ đa sốý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên. Khẳng định việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc. 

phung-quoc-hien-1-1568086231371

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc họp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.

Nhận định về Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: "Nói về dự án luật này, tôi có cảm giác là kỳ vọng đặt vào lớn nhưng đọc xong nội dung thì thấy chưa thoả mãn. 

Nói về thanh niên, có một câu hát cứ vang vọng mãi là "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay", nhưng đối chiếu với dự luật thì sự thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy những đòi hỏi tổ quốc phải cho mình nhiều quá. Tôi thấy luật này thay từ "thanh niên" thành "công nhân" hay "công dân" đều đúng vì đều có nghĩa vụ như vậy. Dự thảo luật này khẩu hiệu nhiều lắm, thiếu tính cụ thể".

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự luật "cần thiết kế luật để thanh niên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện thì họ được quyền lợi gì, thiết kế luật cần tránh sự lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ của thanh niên. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đất nước đã thống nhất 44 năm và đổi mới rất nhiề nhưng một số tổ chức, bộ máy thì cơ cấu, hoạt động vẫn không khác mấy so với thời chiến tranh. Hiện nay Trung ương Đoàn cũng có trụ sở, nhà cửa, tài sản như một bộ, nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không chế tài được ai.

Vì thế, để làm được điều này cần chủ trương lớn, nhưng tổ chức Đoàn cũng cần suy nghĩ, đề xuất về mô hình, phương pháp tổ chức phù hợp với tình hình mới.

Theo Quochoi.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ