• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa âm nhạc Việt vươn tầm thế giới

09/09/2018 18:06

Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ 4 - năm 2018, diễn ra từ ngày 8 đến 15-9 đang trong những ngày tranh tài hấp dẫn. Con số 82 thí sinh từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự đã chứng minh cuộc thi dần có thương hiệu trong giới âm nhạc cổ điển thế giới. 

Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ 4 - năm 2018, diễn ra từ ngày 8 đến 15-9 đang trong những ngày tranh tài hấp dẫn. Con số 82 thí sinh từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự đã chứng minh cuộc thi dần có thương hiệu trong giới âm nhạc cổ điển thế giới. 

Những nỗ lực của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cùng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Chopin Hà Nội nhằm duy trì và mở rộng cuộc thi đang góp phần đưa âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới.

Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội được các nhà chuyên môn đánh giá có chất lượng cao.

Cuộc thi uy tín

Bắt đầu từ năm 2010, với ý tưởng của GS.NSND Đặng Thái Sơn, Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội nay đã vào mùa thứ tư. Lần đầu tổ chức, cuộc thi thu hút 63 thí sinh thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, lần thứ 2 là 52 thí sinh, lần thứ 3 là 55 thí sinh của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ. 



Vì vậy, con số 82 thí sinh thuộc 9 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia, Israel) tranh tài tại 3 bảng: A (10-13 tuổi), B (14-17 tuổi), C (18-25 tuổi), cho thấy sức hút của cuộc thi ngày càng lớn. Việt Nam có 48 thí sinh tham gia, chủ yếu ở bảng A và B; thí sinh quốc tế có 34 người, trong đó có 10 đại diện thi đấu ở bảng C - bảng có trình độ và giải thưởng cao nhất.



Hội đồng giám khảo gồm 9 thành viên là những nhà sư phạm, nghệ sĩ biểu diễn piano nổi tiếng thế giới: GS.TS.NGND Trần Thu Hà (Chủ tịch Hội Chopin Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng giám khảo; Giáo sư Jean Sauniel (Đại học Montréal, Canada); Giáo sư Wu Ying (Nhạc viện trung ương Trung Quốc); Giáo sư Frank Reich (Chủ tịch Liên minh châu Âu các cuộc thi âm nhạc tuổi trẻ Đức); Giáo sư Jania Aubakirova (Giám đốc Nhạc viện quốc gia Kurmangazy, Kazakhstan); GS Hae Won Chang (Chủ tịch Hội Piano Hàn Quốc); Giáo sư Snezana Panovska (Chủ tịch Hiệp hội Chopin Malaysia); Giáo sư Fumiko Eguchi (Chủ tịch Học viện Nghệ thuật piano Nhật Bản); Giáo sư Edward Auer (Đại học Indiana, Mỹ).



GS.NSND Đặng Thái Sơn vẫn giữ vai trò Chủ tịch danh dự và Giám đốc nghệ thuật của cuộc thi. Theo GS.TS Trần Thu Hà, NSND Đặng Thái Sơn là người quyết định chương trình thi dựa trên tiêu chí phù hợp với nền âm nhạc nước nhà và tiệm cận trình độ thế giới. 



Tính hấp dẫn, chuyên nghiệp và đẳng cấp của cuộc thi này còn thể hiện ở việc ngoài 2 vòng thi cá nhân, thí sinh bảng B và C còn biểu diễn concerto với dàn nhạc giao hưởng ở vòng chung kết - điều mà nhiều cuộc thi quốc tế trong khu vực chưa thực hiện được hoặc chỉ tổ chức được cho thí sinh bảng C. Năm nay, các thí sinh biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) dưới sự chỉ huy của hai nhạc trưởng dày dạn kinh nghiệm Đồng Quang Vinh (Việt Nam) và David Gomez (Tây Ban Nha).



PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi khẳng định: “Chỉ mới tổ chức đến lần thứ tư nhưng Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội đã có một vị trí quan trọng trong hệ thống các cuộc thi piano ở Đông Nam Á, được giới truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những cuộc thi đạt chất lượng cao, bài bản, chuẩn mực quốc tế về nghệ thuật cũng như công tác tổ chức”.



Nâng vị thế âm nhạc Việt



Không dễ để tổ chức và duy trì một cuộc thi âm nhạc cổ điển tầm quốc tế. Chúng ta từng tổ chức Concours Mùa thu dành cho nhạc cổ điển ở tầm quốc gia được 3 kỳ (năm 1990, 1993 và 2007), nhưng hơn 10 năm nay chưa thấy trở lại. Vì vậy, Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội tuy chỉ dành cho một bộ môn nhưng được tổ chức tới lần thứ tư với quy mô quốc tế, tính chuyên nghiệp cao, đó là nỗ lực không nhỏ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và đặc biệt là NSND Đặng Thái Sơn. 



PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định: “Biểu diễn nhạc cổ điển bằng nhạc cụ piano là tiêu chí để đánh giá trình độ âm nhạc quốc tế. Vì vậy, muốn xây dựng nền âm nhạc tiên tiến thì phải coi Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội là một mũi nhọn để hoàn chỉnh, cân đối nền âm nhạc, từ đó đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới”.



Tài năng piano Lưu Đức Anh đã từng tham gia Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội ở lần tổ chức đầu tiên. Anh chia sẻ rằng, cuộc thi theo tiêu chuẩn quốc tế được tổ chức tại Việt Nam đã góp phần động viên, tạo không khí luyện tập, nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên theo học piano. 



Lưu Đức Anh trưởng thành hơn nhờ cuộc thi này và có đà để tiếp tục tu nghiệp đại học, cao học tại Nhạc viện Hoàng gia Liège - Bỉ. Hiện nay, Lưu Đức Anh trở về làm giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, bên cạnh việc thường xuyên lưu diễn quốc tế và tham gia các cuộc thi lớn để duy trì, nâng cao trình độ biểu diễn. 



“Các cuộc thi với cường độ cao giúp nghệ sĩ tiến bộ nhanh. Vì vậy, việc tổ chức hoạt động âm nhạc sôi nổi với trình độ cao ở trong nước góp phần giúp các tài năng piano nói riêng và tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung phát triển”, Lưu Đức Anh nói.



Cùng với Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội, hiện nay, Việt Nam đã tổ chức khá nhiều sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế mang tính định kỳ như Liên hoan âm nhạc mới Á - Âu, Vietnam connection music festival, Festival piano quốc tế Hà Nội... Song, chúng ta vẫn cần tạo thêm cơ hội để đưa âm nhạc Việt Nam vươn tầm quốc tế, có thể bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi quốc tế về nhạc cụ khác như violon, cello, sáo, kèn, gõ… bên cạnh piano.

Theo Hanoimoi

NỔI BẬT TRANG CHỦ