• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa nghệ thuật bản địa Việt Nam ra đối thoại bình đẳng với thế giới

Văn hoá 18/07/2023 20:41

(Tổ Quốc) - Với mong muốn đem đến những góc nhìn mới về nghệ thuật đương đại, dự án Thanh Cảnh đã thúc đẩy việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới bằng cách kết hợp các chất liệu như: đàn tranh, sáo cây, khèn, kèn trumpet, beatbox… trong đó lấy chất liệu bản địa của dân tộc H’Mông làm trung tâm, từ đó đã tạo ra cuộc gặp gỡ, hội nhập, giao lưu văn hóa giữa hai nền âm nhạc Đông Tây.

Sáng tạo trên chất liệu truyền thống

Sáng kiến nghệ thuật Thanh Cảnh 2023 được khởi xướng và tổ chức bởi nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn, đồng tổ chức Counterflows (UK) dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh. Dự án có sự tham gia của sáu nghệ sĩ trong nước và quốc tế đó là, Trần Hoài Anh (đàn tranh), Lương Ngọc Minh (kèn trumpet), Nguyễn Bảo Trung (beatbox), Ly Mí Cường (khèn Mông) và hai nghệ sĩ Inge Thomson, Sholto Dobie đến từ Scotland (UK). Họ đã gặp gỡ, làm việc chung, cùng tìm tòi, thử nghiệm âm nhạc của nhau, tạo nên những yếu tố mới mẻ trong sự giao lưu, hội nhập âm thanh.

Mang âm nhạc dân tộc ra đối thoại bình đẳng với thế giới - Ảnh 1.

Ly Mí Cường, một nghệ sĩ không chuyên người H’Mông đóng vai trò kết nối các nghệ sĩ với người và cảnh vật chung quanh.

Giám đốc nghệ thuật Lên Ngàn Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: Trong bối cảnh di sản truyền thống đang mất dần, các loại hình nghệ thuật truyền thống không còn thu hút khán giả, giá trị của di sản không phát triển được, nếu không tìm được hướng đi mới mà cứ loay hoay phát triển theo lối mòn thì di sản sẽ như thế nào trong tương lai, di sản thuộc về ai, thế hệ đi sau đang được thôi thúc hãy coi di sản là chất liệu để sáng tác và bảo tồn nét tinh túy độc đáo trong âm nhạc cổ truyền, là cách thức mới trong biểu đạt. Qua các tác phẩm âm nhạc đương đại, có thể nhìn lại và soi chiếu câu chuyện từ quá khứ, thấy mình trong hiện tại để hình dung tương lai của thế hệ trẻ.

Bên cạnh các nghệ sĩ nước ngoài với trái tim nồng nhiệt, sẵn sàng đón nhận nét đẹp văn hóa Việt Nam nói chung, điều đặc biệt trong sáng kiến âm nhạc này là sự tham gia của Ly Mí Cường, một nghệ sĩ không chuyên người H’Mông đóng vai trò kết nối các nghệ sĩ với người và cảnh vật chung quanh.

Ly Mí Cường chia sẻ: “Với những người trẻ như tôi, họ đều đang ở độ tuổi thích những âm nhạc hiện đại nên có rất ít bạn yêu và theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Tôi cũng như các bạn trẻ khác, cũng yêu thích những dòng âm nhạc mới nhưng đó chỉ là để nghe, còn để chơi và phát triển, tạo ra một giá trị nào đó, tôi lại muốn tìm về các giá trị xưa từ nghệ thuật truyền thống. Tôi theo đuổi dòng nhạc này không chỉ vì yêu nghệ thuật truyền thống mà đó còn là trách nhiệm bảo tồn giữ gìn những giá trị văn hóa đơn giản, mộc mạc nhất của dân tộc mình. Nên khi tham gia dự án tôi được phát triển bản thân, có thêm nhiều kiến thức về âm nhạc thể nghiệm cũng như mở rộng kiến thức văn hóa dân tộc Việt Nam và được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác từ những người nghệ sĩ trong dự án”.

Mang âm nhạc dân tộc ra đối thoại bình đẳng với thế giới - Ảnh 2.

Trong dự án Thanh Cảnh, Ly Mí Cường đưa những giai điệu dân tộc của quê hương mình như: Sáo Mông, đàn môi, điệu múa khèn… vào âm nhạc thể nghiệm

Hơn nữa, là một người con của dân tộc H’Mông, âm nhạc nơi đây đã xoay quanh cuộc sống của Ly Mí Cường nên đứng trong khung cảnh của quê hương mình, được chơi nhạc bản năng và đúng chất của một người H’Mông làm anh vô cùng tự hào. Chính vì thế, khi cơ hội tiếp xúc với âm nhạc thể nghiệm càng khiến Ly Mí Cường muốn khai thác nhiều hơn nữa chất liệu dân gian bản địa và đưa giai điệu truyền thống vào âm nhạc hiện đại.

“Trong dự án Thanh Cảnh, tôi đưa những giai điệu dân tộc của quê hương mình vào để cùng phối hợp với mọi người như: Sáo Mông, đàn môi, điệu múa khèn… Tuy nhiên, nếu chỉ biểu diễn nguyên bản gốc của dân tộc thì sẽ không có sự sáng tạo, gây nhàm chán cho khán giả nên khi nhảy điệu múa khèn tôi kết hợp với một chút hiphop, tạo ra những động tác mới thu hút người xem hơn. Hay như cây sáo của người Mông, tôi thổi bằng những cảm xúc riêng của mình, không theo một nguyên tắc nào, cùng với tôi kết hợp với những nhịp điệu beatbox của nghệ sĩ Trung Bảo đã tạo nên được những âm thanh như thể hiện sự mạnh bạo của núi rừng, những cơn gió ở trên vùng cao.

Và khi thể hiện những bản nhạc đó tôi luôn nghĩ về quê hương của mình, tôi cảm thấy Hà Giang đã cho tôi những cảm xúc, chất liệu dân tộc để khi tôi cầm nó trên tay, tôi có thể chơi và tạo nên những chất riêng của vùng quê mình nhưng vẫn có sự hiện đại trong đó. Tôi tin rằng, những chất liệu âm nhạc của dân tộc Việt Nam là một vốn quý trong nghệ thuật, chúng ta có thể phát triển và đặt ngang với âm nhạc của thế giới” – Ly Mí Cường cho biết thêm

Cộng hưởng với âm nhạc hiện đại

Đặc biệt, trong những màn trình diễn, cùng hòa âm đa sắc là tiếng beatbox của Nguyễn Bảo Trung, nghệ sĩ trình diễn, nghệ sĩ thị giác đến từ Hà Nội. Sử dụng âm vực, cơ trong khoang miệng để tạo âm thanh, Bảo Trung nghiên cứu về nhạc thể nghiệm với giọng nói, âm thanh cũng như tập trung thể hiện tiếng nói của bản thân.

Đưa nghệ thuật bản địa Việt Nam ra đối thoại bình đẳng với thế giới - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Trung Bảo trong chuyến đi trải nghiệm văn hoá tại tỉnh Hà Giang

Với nghệ sĩ Trung Bảo, hành trình đi tìm lại giá trị xưa, những nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam giống như hành trình đi tìm sợi chỉ kết nối giữa con người và xã hội xung quanh, giúp chúng ta tiến gần hơn đến với sự đồng cảm, gần hơn với chính bản thân mình.

Nghệ sĩ Trung Bảo chia sẻ: “Vai trò của tôi trong dự án là nghệ sĩ thể nghiệm giọng nói (beatboxer), tôi sử dụng da thịt và hơi thở của mình để tạo ra những âm thanh giao tiếp với mọi người xung quanh. Mỗi người trong dự án đều có phong cách văn hóa khác nhau, những câu chuyện của họ rất thú vị, chúng tôi không chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ nói mà còn có ngôn ngữ của âm nhạc và khi chơi nhạc với nhau tôi cảm nhận được sự đồng cảm rất mạnh mẽ giữa 6 nghệ sĩ. Chúng tôi ngồi cùng nhau hòa vào âm nhạc, ở đó chỉ có con người, âm thành của nhạc cụ, của thiên nhiên. Đây là một cảm giác không phải ai cũng có thể cảm nhận được”.

Dựa vào chất liệu truyền thống để làm bệ đỡ cho tương lai, đồng thời mang tác phẩm âm nhạc dân tộc ra đối thoại bình đẳng với thế giới. “Để đưa được nghệ thuật truyền thống vào âm nhạc thể nghiệm trước hết người nghệ sĩ phải hiểu được của nghệ thuật truyền thống đó là gì. Đây là một hành trình không đơn giản vì nghệ thuật không chỉ có hình ảnh, có âm thanh mà nó bao hàm những câu chuyện tinh thần xoay quanh nghệ thuật đó. Hơn nữa, nghệ thuật luôn kết nối trực tiếp với những người nghệ sĩ nên để có thể kết hợp được các chất liệu truyền thống vào âm nhạc đương đại đòi hỏi chúng ta phải trải nghiệm, phải có những cuộc đối thoại để tìm ra những giá trị, góc nhìn của những nghệ thuật truyền thống đó.

Mang âm nhạc dân tộc ra đối thoại bình đẳng với thế giới - Ảnh 4.

Sự kết nối, sáng tạo của các nghệ sĩ trong dự án đã góp phần làm phong phú, mới mẻ các chất liệu âm nhạc truyền thống quen thuộc.

Với tôi, âm nhạc đương đại khi kết hợp với nghệ thuật truyền thống sẽ là một phương tiện tốt để tôn lên những hình ảnh, âm thanh hay những yếu tố vô hình, thầm lặng mà tôi muốn kể những câu chuyện sau nghệ thuật truyền thống. Từ đó, tôi vừa gìn giữ được truyền thống vừa đưa nó trở thành bệ đỡ hướng đến tương lai để đưa tác phẩm mang những nét văn hóa bản địa ra đối thoại với bình đẳng thế giới.

Dự án của chúng tôi sắp bước vào giai đoạn thứ 2, trong tháng 9 chúng tôi sẽ lựa chọn những tác phẩm tiềm năng nhất để giới thiệu tại Counterflows Festival (Vương quốc Anh) vào năm 2024, nhằm bắc những cây cầu để đưa nghệ thuật bản địa Việt Nam ra quốc tế. Qua đó, tôi muốn chứng minh rằng, âm nhạc truyền thống của Việt Nam không hề thua kém các nước khác mà nó còn có giá trị sâu sắc, vẻ đẹp riêng biệt chỉ đất nước chúng ta mới có” – nghệ sĩ Trung Bảo chia sẻ thêm.

Cùng với sự phát triển các không gian âm nhạc thể nghiệm, sự kết nối, sáng tạo của sáu nghệ sĩ đã góp phần làm phong phú, mới mẻ các chất liệu âm nhạc truyền thống quen thuộc. Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng và mang sắc thái riêng biệt. Trong quá trình suy nghĩ, cộng hưởng, thử nghiệm, nghệ sĩ đã chắt chiu góp nhặt, chia sẻ với công chúng thành quả âm nhạc đáp ứng được nhu cầu biểu hiện của cá nhân và mong muốn thụ hưởng của khán giả trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam đang tương tác, cộng hưởng mạnh mẽ với âm nhạc quốc tế./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ