• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều người xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp

Khám phá 11/03/2020 20:21

(Tổ Quốc) - Có những thời điểm, cần rẽ sang một hướng khác để chinh phục những đỉnh cao mới mà nếu cứ loay hoay trên con đường cũ, chúng ta chẳng bao giờ có cơ hội.

Chỉ cần nhập cụm từ “đừng bao giờ từ bỏ” lên thanh tìm kiếm của Google, sau chưa đầy một giây đã có hơn 88,5 triệu kết quả xuất hiện. Qua đó mới thấy, “đừng bao giờ từ bỏ” là lời khuyên và là tôn chỉ đối với không ít người.

Bên cạnh đó, cũng có không ít đầu sách viết về chủ đề này đã được xuất bản và nhận được sự đón nhận nhiệt thành từ phía độc giả. Dần dà, câu chuyện “đừng bao giờ từ bỏ” dường như trở thành một chân lý bất di, bất dịch và rằng những ai đang có ý định từ bỏ thì ngay lập tức bị gán cho cái danh thua cuộc.

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều dân công sở xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp - Ảnh 1.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng mà nói, nếu “tiếp tục” là một lựa chọn thì tương tự, “từ bỏ” cũng là một giải pháp cho rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Những lúc chùn bước với cuộc sống, mệt mỏi vì áp lực công việc, hay loay hoay không biết con đường mình chọn có thực sự phù hợp hay không, chúng ta thường ê sợ sự từ bỏ để tiếp tục đi trên con đường chông gai ấy.

Một khảo sát được VietnamWorks thực hiện với 900 người lao động vào đầu năm 2019 đã chỉ ra 30% trong số đó muốn nhảy việc vì không tìm ra cơ hội thăng tiến, 24% vì lương bổng không tương xứng và 10% vì áp lực công việc.

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều dân công sở xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp - Ảnh 2.

Vậy khi mục tiêu và định hướng đã không còn phù hợp, cớ sao chúng ta lại cứ giữ khư khư những lý tưởng dường như đã cũ và không còn phù hợp. Việc từ bỏ là hợp lý ở thời điểm này. Và sau khi đã làm rõ được những câu hỏi bên dưới, việc từ bỏ dường như là điều mà chúng ta nên làm ngay:

Từ bỏ khi đã rõ lý do

Diễn giả Seth Godin chia sẻ rằng, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng trải qua 3 thời kỳ cơ bản: tìm hiểu, đối diện điểm thử thách, sau đó hoặc là thăng hoa, hoặc sẽ buông bỏ. Khi chúng ta đang cân nhắc giữa việc tiến hay lùi, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đứng ở “điểm thử thách”.

Khi mới tiếp xúc với một công việc, đa phần chúng ta giữ tâm trạng hào hứng và hân hoan. Sau đó, chúng ta bắt đầu đối mặt với những khó khăn, thử thách rồi sau đó đứng trước quyết định nên tiếp tục hay từ bỏ. Đây là giai đoạn kiểm tra để chúng ta tiên lượng kỹ năng nghề nghiệp lẫn mức độ phát triển trong công việc để quyết định bản thân mình có nên tiếp tục gắn bó hay tìm một nơi chốn nào đó mới.

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều dân công sở xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp - Ảnh 3.

Từ bỏ đúng thời điểm

Nếu đã trót gắn bó với một công việc trong nhiều năm, sẽ rất khó để chúng ta có thể quyết định từ bỏ. Hoặc khi đứng trước những cột mốc quan trọng của đời người, như tuổi 30 hoặc 40 và có thể là 50; những tác động từ cuộc sống cũng khiến con người ta gặp khó khăn nếu muốn dừng lại.

Do đó, nếu muốn nhảy việc ở thời điểm này, hãy dành thời gian để tìm hiểu thật kỹ về công việc mới, trong khi đó vẫn hoàn thành thật tốt trách nhiệm đối với công việc cũ. Cuối cùng, chỉ nên thật sự nhảy việc khi đã hiểu rõ mức độ tương thích giữa công việc với sở trường, năng lực và mức độ say mê của bản thân. Tránh trường hợp khi đã chuyển sang môi trường mới rồi nhưng vẫn chênh vênh, thậm chí hối hận.

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều dân công sở xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp - Ảnh 4.

Từ bỏ khi đã xác định được khả năng

Chuyển sang một công việc mới đồng nghĩa với việc chúng ta bắt đầu một hành trình từ điểm xuất phát. Công việc nào cũng cần thời gian để trau dồi cũng như chứng minh năng lực cá nhân. Cho nên, khi nghĩ đến quỹ thời gian phải bỏ ra để xây dựng mọi thứ lại từ đầu, không ít người muốn từ bỏ.

Vì lẽ đó, khi bắt đầu hành trình mới, chúng ta cần xác định rõ những khó khăn cũng như thử thách mà bản thân sẽ phải đối mặt. Hãy liệt kê ra những giá trị bản thân sẽ thu hoạch được lẫn loạt rủi ro gặp phải khi chuyển việc. Sẽ không có một quyết định đúng hay sai, chỉ có quyết định đó dẫn ta đi đến đâu.

Đôi khi chúng ta cần từ bỏ để rẽ sang một con đường khác. Chưa ai biết được điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta không thể cứ mãi làm đi làm lại một thứ và mong nhận được một kết quả khác biệt được.

“Đừng bao giờ từ bỏ”: Tôn chỉ nhiều dân công sở xem là chân lý nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp - Ảnh 5.

 

Louis - Nhịp Sống Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ