• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đừng để sự trung thực trở thành “xa xỉ” trong trường học

Giáo dục 21/02/2017 20:16

(Tổ Quốc) -Vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) kéo dài suốt những ngày qua và tốn nhiều giấy mực cũng như sự quan tâm của dư luận. Theo dõi câu chuyện, đã khiến không ít người hồ nghi, thậm chí thất vọng về đạo đức của người đứng trên bục giảng.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.

Có một câu chuyện ngụ ngôn rằng, khi mình làm điều gì khuất tất, người trong cuộc đã thách thức và cho rằng nếu mình không nói ra thì không ai biết, cùng lắm chỉ trời biết, đất biết. Mà trời, đất thì xa vời vợi. Nhớ lại câu chuyện này và câu chuyện vừa xảy ra ở trường tiểu học thấy thật đau xót và chua chát. Người ta không ngờ cái cách hành xử của một người được gọi là nhà giáo, một nghề cao quý được trân trọng lại như vậy. Họ vô cảm trước nối đau thể xác của một học sinh, họ thờ ơ, phủi sạch trách nhiệm bản thân. Và từ sai lầm mình gây lại đổ lỗi do chính học sinh tự gây ra.

Vết thương ở chân theo thời gian sẽ lành, còn vết thương về niềm tin bao giờ mới lành?. Ảnh: vietnamnet.vn

Lẽ ra chỉ cần sự trung thực lên tiếng thì câu chuyện đã đi theo hướng khác. Nhưng đằng này, họ tin rằng quyền lực nắm trong tay, họ có thể đổi trắng thay đen, có thể che giấu được tận cùng sự thật của câu chuyện với mong muốn nó sẽ chìm nghỉm trong cuộc sống còn đang ngập tràn thông tin khác. Sự dối lừa được khoác trên mình chiếc áo quyền lực đã thách thức “sự thật”, cản trở sự thật.

Lẽ ra ngay từ đầu các cô giáo thành thật thì câu chuyện đã trở nên đơn giản, đó chỉ là một vụ tai nạn vô tình xảy ra trong trường học . Chính vì che giấu và nói sai nên sự việc khả năng chuyển qua hành vi hình sự. Nếu lái xe bị khởi tố vì đâm người gây tai nạn thì hai cô giáo cũng bị khởi tố vì hành vi che dấu tội phạm.

"Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất” – đúng như những gì mà danh ngôn cha ông đã đúc kết.

Trong quyết định cách chức hiệu trưởng và hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên ngoài các lý do vi phạm còn có “không trung thành trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường tiểu học Nam Trung Yên”, vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp giáo viên; tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh giáo viên Thủ đô nói riêng và ngành giáo dục nói chung…

Mỗi chúng ta, từ khi đi nhà trẻ cho đến khi cắp sách đến trường đã làm quen, tiếp xúc và gắn bó với hình ảnh thầy cô giáo từ rất sớm nếu không nói là đầu tiên khi rời cha mẹ, gia đình. Và nghề giáo cũng là nghề nghiệp đầu tiên trẻ em được tiếp xúc. Chả thế mà trong nhiều bài văn đầu tiên ở cấp tiểu học đã có không ít học sinh tả về cô giáo, mơ ước trở thành cô giáo… Có những điều cha mẹ ở nhà dạy dỗ con khó khăn thì với các thầy cô giáo việc dạy dỗ đó dễ dàng và hiệu quả hơn. Đã có không ít người trưởng thành từng chia sẻ thành thật rằng khi còn bé họ nghĩ thầy cô giáo chả kém gì thần tượng và là người rất hoàn hảo, luôn có vị trí quan trọng trong suy nghĩ trẻ thơ.

Bài học về lòng trung thực là một trong những bài học giản dị mà ai cũng được học từ rất sớm. Bởi “lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh”. Trung thực để cuộc sống thanh thản, không rối ren.  Trung thực để được sống với chính con người thật của mình. Trung thực, không phải là vạch áo cho người xem lưng, mà là sự dũng cảm, dám nhìn thẳng cái sai, đối diện với cái sai để sửa mình, hoàn thiện mình…Lẽ nào bài học về sự trung thực được chính những thầy cô trao truyền lại cho học sinh lại trở nên xa xỉ trong trường học. Lẽ nào thầy cô lại “phản bội” bài học đạo đức từ những trang giáo án do chính tay mình soạn ra.

Sự việc của cháu Trần Chí Kiên dù muốn dù không đã xảy ra, và thật sự đáng tiếc bởi vết thương “không hề nhẹ” mà một học sinh lớp 2 phải gánh chịu. Theo thời gian, vết thương sẽ lành da, em sẽ lại được đi lại tung tăng, vui đùa trên đôi chân của mình, nhưng vết thương lòng và câu chuyện kéo theo đằng sau thì chưa biết khi nào mới lành. Và việc cách chức hiệu trưởng, hiệu phó là kết quả tất yếu của chính những gì mà họ đã gây ra. Ít nhiều nó để cho mọi người thấy sự thật được cứu vớt, tôn trọng chứ không phải hả hê, vui mừng. Mong rằng đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” để niềm tin trong mỗi chúng ta vẫn có cơ hội nảy lộc và đâm chồi, rằng những người đứng trên bục giảng xứng đáng làm thầy vẫn còn rất nhiều trong xã hội này.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ