• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dừng triển khai lá chắn tên lửa tối tân: Báo hiệu gì về sức mạnh Mỹ - Nhật?

Thế giới 16/06/2020 17:01

(Tổ Quốc) - Quyết định của Tokyo dừng việc triển khai các hệ thống phòng không Aegis Ashore do Mỹ sản xuất dường như không ảnh hưởng đến liên minh song phương.

Điều này cũng sẽ khó bị Tokyo coi là một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về khoản chi cho các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, động thái trên nằm trong chính sách của nước này nhằm hướng tới sự tự chủ hơn từ Washington, trang Sputnik dẫn lời nhiều chuyên gia nói.

Vào tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê duyệt kế hoạch lắp đặt hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, mỗi hệ thống trị giá khoảng 900 triệu USD để phòng ngừa các vụ thử tên lửa đạn đạo do Triều Tiên thực hiện.

Tín hiệu chiến lược quan hệ dài hạn

Tuy nhiên, vào thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono tuyên bố rằng Tokyo có ý định ngừng triển khai các hệ thống Aegis Ashore do chi phí cao và lịch trình triển khai. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, một trong những lý do là khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho thiết bị này và việc thiết kế lại phần cứng sẽ tốn thêm thời gian và chi phí.

Dừng triển khai lá chắn tên lửa tối tân: Báo hiệu gì về sức mạnh Mỹ - Nhật? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tối tân Aegis Ashore được triển khai ở Hawaii. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ra Mason, một giảng viên về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Nhật Bản tại Đại học East Anglia, nói với Sputnik rằng động thái của Tokyo phù hợp với lợi ích chiến lược lâu dài của nước này là dự định giảm sự phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ.

"Về mặt chính trị, chính quyền LDP [Đảng Dân chủ Tự do] của Nhật Bản muốn dần dần biến đổi môi trường an ninh khu vực của mình … để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào Mỹ. Theo nghĩa đó, động thái này phù hợp với các mục tiêu chiến lược dài hạn của Nhật Bản", chuyên gia Mason nói, khi được hỏi liệu có thể có lý do chính trị đằng sau quyết định dừng triển khai Aegis Ashore, ngoại trừ các vấn đề chi phí và kỹ thuật hay không.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Rajaram Panda, một nhà nghiên cứu tại Quốc hội Ấn Độ và là thành viên của Hội đồng quan hệ thế giới của Ấn Độ, yếu tố chi phí cho hệ thống phòng thủ do Mỹ sản xuất có thể có trọng lượng đáng kể trong việc thúc đẩy Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy, trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 ở nước này.

"Chia sẻ gánh nặng an ninh, cả với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác liên minh của Mỹ ở Đông Á, là một vấn đề được nhấn mạnh đáng kể, từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Mặc dù khái niệm "hỗ trợ miễn phí" đã có từ khá lâu thì quan điểm trong nội bộ Nhật Bản về vấn đề này cũng đang bị chia rẽ mạnh mẽ. Mặc dù tôi không thấy bất kỳ lý do chính trị nào về phía Thủ tướng Abe, cái giá về kinh tế tại thời điểm xử lý đại dịch này là điều phải cân nhắc trong quá trình ra quyết định. Như vậy đã có sự trì hoãn triển khai như hiện tại", Panda nói với Sputnik.

Không liên quan đến đàm phán chia sẻ chi phí

Việc tạm dừng triển khai Aegis Ashore ở Nhật Bản, hiện đang là nơi trú đóng của khoảng 50.000 lính và nhân viên Mỹ, dường như không thể trở thành đòn bẩy trong các cuộc đàm phán giữa nước này với Washington về các khoản thanh toán cho các căn cứ quân sự trên, mặc dù nhằm mục đích thể hiện việc Tokyo sẵn sàng thực hiện chính sách an ninh độc lập hơn, Ra Mason nhận định.

"Một chiến thuật công khai như vậy sẽ khó xảy ra, đặc biệt là với mức độ hợp tác chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực này, nhưng chắc chắn sẽ gửi đi một thông điệp tới chính quyền Trump rằng Nhật Bản có thể và sẽ thực thi chính sách độc lập trong lĩnh vực an ninh - bao gồm cả trong các thương vụ của họ với Hoa Kỳ, "Mason nói.

Rajaram Panda cũng không tin là có mối liên hệ tiềm tàng nào giữa các cuộc đàm phán về chi phí hỗ trợ các căn cứ quân sự và quyết định gần đây của Nhật Bản về dừng triển khai các hệ thống phòng thủ, với lý do "mối đe dọa thường trực từ Triều Tiên và căng thẳng với Trung Quốc" là một vấn đề đáng kể cần xem trọng.

Đồng thời, chuyên gia này cho rằng việc dừng triển khai Aegis Ashore sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến liên minh Mỹ - Nhật, mặc dù không thể loại trừ sức ép tiềm tàng từ Washington đối với Tokyo.

"Với tình hình nội bộ mà ông Trump đang đối mặt hiện tại - căng thẳng về đại dịch và vấn đề sắc tộc, và các chính sách hướng nội, tôi không nghĩ rằng việc xét lại quan hệ liên minh là ưu tiên hàng đầu của cả hai bên. Tôi thấy là không có mối đe dọa này, cả ngắn hạn và dài hạn, đối với liên minh này chừng nào mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc còn hiện hữu. Điều này không có nghĩa là ông Trump sẽ từ bỏ việc gây sức ép với Nhật Bản nếu điều đó có lợi cho Mỹ. Nhật Bản không thể đáp ứng mọi yêu cầu của ông Trump", chuyên gia Panda kết luận.

Theo Ra Mason, chiến lược hiện tại của giới lãnh đạo Nhật Bản trong quan hệ với Hoa Kỳ, bao gồm cả về vấn đề Mỹ yêu cầu khoản tiền hỗ trợ cao hơn cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại nước này, có thể báo hiệu rằng họ đang "chuẩn bị" cho việc chuyển đổi mối quan hệ song phương sau cuộc bỏ phiếu của tổng thống Mỹ.

"Quyết định này, về bản thân nó dường như không có tác động lớn đến liên minh Mỹ - Nhật, nhưng những yêu cầu gần đây của Tổng thống Trump về việc nước chủ nhà trả nhiều tiền hơn cho sự hỗ trợ của quân đội Mỹ chắc chắn không giúp làm dịu mối quan hệ giữa các đồng minh, và phản ứng phần nào thờ ơ của Nhật Bản cho thấy chính phủ LDP có thể đang 'tinh tế' chuẩn bị nền tảng cho sự chuyển đổi tiềm tàng mối quan hệ mới với một tổng thống Mỹ mới từ cuối năm nay", chuyên gia Mason nói với Sputnik.

Trong khi đó, chuyên gia này lưu ý rằng sẽ không dễ để Washington gây áp lực với Nhật Bản trong việc triển khai các hệ thống Aegis Ashore nếu họ quyết định làm như vậy, đặc biệt là sau thông báo công khai của Tokyo về việc dừng triển khai 2 hệ thống này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ