Còn hơn chục ngày nữa mới đến Hội Đền Hùng, Thảo, con gái tôi nũng nịu:
- Mẹ ơi! Năm nay nhân tiện mẹ con mình cùng ở Việt Trì, ngày mai chủ nhật, mẹ đưa con đi thăm Đền Hùng nhé! Con chưa biết Đền Hùng thế nào cả.
- Ừ! Mai mẹ cũng được nghỉ, mẹ sẽ đưa con đi.
- Ôi! Thế thì vui quá! Nó reo lên và rúc đầu vào nách tôi.
Thảo là con gái đầu của tôi. Cháu đang học lớp 10 văn tại trường chuyên Hùng Vương của tỉnh. Đợt này, tôi đang tập huấn nghiệp vụ ở Việt Trì. Hai mẹ con tôi có điều kiện bên nhau. Những ngày đầu xa Thảo tôi nhớ nó lắm. Nhiều đêm trở mình thấy vắng con tôi thương nó đến phát khóc. Ngần ấy tuổi đầu đã phải xa mẹ, xa nhà, sống tự lập. Tôi lo hoài không biết nó có chịu được không? Thế rồi mãi cũng thành quen. Đợt này đi công tác, gặp cháu, tôi thấy nó chững chạc hẳn ra.
Nhận lời con gái xong, tôi nằm thao thức mãi. Đền Hùng, nơi ấy là kỷ niệm của mối tình đầu của tôi. Nhắc đến Đền Hùng là tim tôi lại nhói lên những kỷ niệm da diết ngọt ngào. Cứ mỗi lần đi công tác, qua ngã ba Đền Hùng, tôi không thể nào quên được nơi gặp gỡ, hẹn hò với một người con trai có tên là Tuấn. Mặc dù quê tôi mãi ở Đoan Hùng nhưng tình yêu đầu đời của tôi lại ở Thậm Thình. dưới chân núi Nghĩa Lĩnh.
Ngày đó, cách đây dễ đến hơn hai mươi năm, tôi là một cô gái khá xinh của khối lớp 10, lớp cuối cấp 3 của trường huyện.Tôi cảm nhận được điều này là do thấy khá nhiều chàng trai theo đưổi, tán tỉnh tôi, trong số đó có Tuấn. Tuấn cao ráo, đẹp trai lại học giỏi. Phải mỗi tội là Tuấn ít nói lắm. Trông Tuấn hiền khô. Cặp mắt Tuấn ẩn chứa bao điều muốn nói. Cứ cách ngày, trong hộp bàn học của tôi lại có một lá thư của Tuấn. Những vần thơ tuổi học trò trong trắng mộng mơ. Hồi ấy, tôi vô tư lắm. Vô tư đến dửng dưng vậy. Chẳng bao giờ tôi thư lại cho Tuấn cả. Đã thế, Tuấn càng theo sát tôi hơn. Thư Tuấn viết cho tôi càng nồng nàn hơn. Thi tốt nghiệp xong, Tuấn nhập ngũ. Hôm chia tay Tuấn, tôi mới giật mình, thương Tuấn quá. Phải chăng tình cảm con người chính những lúc xa nhau mới càng bộc lộ rõ, kể cả lòng mình? Tôi vội vã tìm Tuấn, tặng Tuấn một cuốn sổ tay. Tôi cũng chưa nói lời yêu với Tuấn. Tuấn xiết chặt tay tôi, lặng lẽ lên đường. Đôi mắt Tuấn ngoái lại nhìn mãi tôi trong giờ ly biệt.
Tôi thi trượt đại học. Bố tôi quyết định cho tôi đi học trường nghiệp vụ ngân hàng tỉnh. Trường này đóng ở xã Kim Đức, gần Đền Hùng. Tôi tiếp tục con đường học hành. Những ngày xa quê tôi mới có dịp nhìn lại mình, nhớ tới bè bạn. Những lá thư của Tuấn tôi còn giữ đủ cả. Bây giờ chính đó lại là nguồn động viên chủ yếu của tôi. Thế rồi chúng tôi gặp nhau. Đơn vị của Tuấn đóng quân ngay dưới chân núi Hùng. Đó là trung đoàn Phong Châu của tỉnh. Chủ nhật nào cũng thế, Tuân đến trường tìm tôi. Vừa là đồng hương, bạn học cũ, vừa sẵn ngọn lửa tình từ thuở cấp 3, chúng tôi quấn quít bên nhau. Con đường dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, cánh rừng thông, đồi bạch đàn nơi ấy đã chứng kiến bao buổi hẹn hò của chúng tôi. Những ngày chủ nhật, cả tôi và Tuấn đều được tự do. Tuấn dắt tay tôi leo núi. Càng lên cao, tôi càng choáng ngợp bởi phong cảnh hữu tình nên thơ của quê hương Đất Tổ. Tôi thả rộng tầm mắt ngắm nhìn sông, núi, trời, mây... Xa tít về phía đông nam kia là dãy Tam Đảo. Chếch về phía tây là đỉnh Ba Vì. Hai dãy núi như hai cánh cửa giữ cho núi Hùng gối sơn đạp thuỷ. Xung quanh chỗ chúng tôi đứng còn có bao nhiêu là ngọn đồi nhấp nhô trùng điệp. Tất cả đều quay hướng về đây. Các cụ bảo rằng có 99 ngọn đồi như thế. Đó là 99 con voi quay chầu mộ Tổ. Và kia, sông Hồng, sông Lô như hai dải lụa bao bọc uốn quanh, gặp nhau ở Việt Trì để làm nên một thành phố ngã ba sông đầy mơ mộng. ống khói ngày đêm vươn cao toả khói. Gần hơn nữa là những đồi cọ. Dưới nắng thu, những tàu cọ vươn cao lấp loáng, gặp gió chúng rung rinh như ngàn bàn tay vẫy khách. Chúng tôi cứ thế thả hồn say sưa nhìn ngắm. Lần nào cũng thế, sau khi dắt nhau đi thăm hết các đền, leo rừng ngắm cảnh, hai đứa tôi lại về nghỉ dưới bóng cây thiên tuế nơi Đền Thượng. Tại đây, chúng tôi đã kể cho nhau nghe bao điều hằng ấp ủ. Chính gốc cây thiên tuế ấy đã chứng kiến những lời yêu thương thắm thiết của tôi và Tuấn. Chiếc nhẫn bằng nhôm khắc hai chữ TX mà Tuấn trao tôi, giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi nhớ như in câuTuấn nói với tôi hôm trao chiếc nhẫn đó: “Anh yêu em Xuân ơi! Nhất định chúng mình sẽ sống bên nhau trọn đời em nhé!”. Tôi hồi hộp sung sướng, lặng nhìn Tuấn, khẽ gật đầu. Và chính cây thiên tuế ấy đã chứng kiến nụ hôn đầu đời của chúng tôi. Vâng Sơn Tinh và Mỵ Nương đã hiện về như thế đó.
Thế rồi Tuấn có lệnh đi chiến đấu. Dạo đó chiến tranh biên giới phía tây nam ác liệt lắm. Tuấn không kịp chia tay với tôi chỉ để lại cho tôi một lá thư và một bài thơ đau đáu hẹn về. Từ đó tôi bặt tin Tuấn. Gần một năm sau, tôi về quê thì nhận được tin Tuấn đã hy sinh tại chiến trường đất bạn. Tôi như quỵ xuống. Đôi mắt tôi vô hồn gọi mãi tên anh. Mấy ngày ở quê, tôi không rời mẹ Tuấn nửa bước. Lưng mẹ đã còng giờ lại càng còng hơn. Mẹ cũng linh cảm được mối tình của tôi và Tuấn. Mẹ như câm lặng trước bàn thờ đứa con trai yêu quý của mình. Lòng tôi xót xa. Anh Tuấn ơi! Sao anh nỡ vội bỏ mẹ và bỏ em mà đi thế! Tôi như kẻ mất hồn, chẳng thiết gì nữa cả. Bố mẹ tôi khuyên bảo mãi tôi mới trở lại trường. Trời ơi! Mối tình đầu của tôi! Và rồi thời gian cũng khoả lấp, nguôi ngoai vết thương lòng đau đớn ấy. Tôi đã cố gắng vượt lên, Tốt nghiệp ra trường tôi được phân về huyện nhà công tác. Đã có bao người mối lái dạm hỏi tôi, tôi đều từ chối. Hình ảnh Tuấn vẫn in đậm mãi trong tôi. Đến năm 25 tuổi, bố mẹ tôi thúc ép quá, hơn nữa gặp được người tâm đầu ý hợp, tôi đã đi lấy chồng. Chồng tôi cũng công tác tại huyện. Một năm sau đó bé Thảo của tôi ra đời. Chúng tôi chuyển nhà ra phố huyện ở. Cuộc sống của gia đình tôi khá hạnh phúc. Không ai hay biết gì về mối tình đầu của tôi và Tuấn. Chỉ có tim tôi đôi lúc lại nhớ về người mà tôi hằng yêu dấu.
Một thời gian sau, Tuấn đột ngột trở về. Mặt Tuấn đầy sẹo nhằng nhịt. Một chân Tuấn bị cụt đến tận háng, phải chống tó để đi. Cả làng tôi xôn xao khi được tin đó. Tôi bàng hoàng không dám nghĩ đó là sự thật. Tôi tức tốc về quê. Nhà Tuấn vui như mở hội. Tôi len mọi người để vào gặp Tuấn. Ngực tôi rung lên. Tôi cố giữ bình tĩnh. Đến nơi, tôi không nhận ra Tuấn nữa. Chỉ có đôi mắt của anh, vâng, chỉ có đôi mắt của anh là vẫn nguyên của tôi ngày đó. Tôi sững lại giây lát rồi giữa bao người như thế, tôi lao đến bến anh: Anh Tuấn! Và tôi oà khóc. Mẹ Tuấn đỡ tôi dậy. Tôi càng khóc to hơn. Tuấn vỗ về: Xuân ơi! Chuyện dài lắm! Rồi anh sẽ kể em nghe! Tôi không chịu được nữa. Hình như nỗi tủi thân, trách cứ và thương Tuấn được dịp trào ra. Tôi gào lên: Anh Tuấn!
- Kìa mẹ! Mẹ làm sao thế?
Có người lay gọi tôi. Tôi choàng tỉnh. Một lúc sau tôi mới nhớ lại hoàn cảnh hiện tại của mình. Tôi quay lại ôm chặt lấy Thảo:
- Không. Mẹ không làm sao cả. Mẹ mơ ấy mà.
- Thế mà mẹ làm con hết cả hồn. Gọi mãi mẹ mới tỉnh. Thôi, mẹ con mình lại ngủ tiếp đi, lấy sức mai đi thăm Đền Hùng.
Nói xong, Thảo ngủ ngon lành vô tư như không có chuyện gì xảy ra vậy. Còn tôi hai mắt thức chong chong chờ trờ sáng.
Sau cái hôm Tuấn về, chúng tôi có một buổi dành riêng cho nhau. Tuấn kể cho tôi nghe về việc Tuấn bị “hy sinh” ở Căm pu chia. Đó là vào năm 1977, đơn vị Tuấn được lệnh đánh vào sào huyệt của bọn Pôn Pốt giáp biên giới Thái Lan. Chiến sự ác liệt. Tuấn bị lạc đơn vị và lĩnh trọn một trái pháo. Khi tỉnh lại thì đã thấy mình ở trong một ngôi chùa cổ kính, thấp thoáng bóng các nhà sư đi lại. Họ đang tập trung cứu chữa cho Tuấn. Rồi chẳng biết họ chuyển Tuấn đi đâu nữa cả. Mãi đến năm 1979, giải phóng Phnômpênh xong, Tuấn được một đơn vị của ta tiếp nhận và chuyển Tuấn đi an dưỡng. Tuấn ra bắc về trại điều dưỡng thương binh nặng ở Nam Hà. Được ít ngày thì hay tin Xuân đã lấy chồng và có bé Thảo. Tuấn vừa buồn lại vừa mừng. Đắn đo mãi, anh mới quyết định về quê. Định bụng sẽ ở hẳn trại không về nhà nữa, sau rồi nghĩ tới mẹ già nua ngày đêm ở nhà khói hương cho Tuấn, Tuấn không cầm lòng được.
Tôi nghe Tuấn kể mà lệ cứ rưng rưng: Em có lỗi với anh. Tha lỗi cho em anh Tuấn nhé! Tuấn cầm tay tôi, thấy ngón tay của tôi vẫn đeo chiếc nhẫn mà Tuấn tặng tôi ngày nào, Tuấn khẽ nói: “Em không có lỗi gì cả. Anh mừng cho em và chúc em hạnh phúc.” Tuấn ở nhà chơi ít ngày, sau đó lại trở về trại điều dưỡng.
Ngày mai tôi sẽ đưa Thảo đi thăm Đền Hùng, tôi sẽ tìm lại kỷ niệm xưa vơí Tuấn ở bên gốc cây thiên tuế đầy thương nhớ ấy.
Sáng dậy, hai mẹ con tôi háo hức lên đường. Tám giờ sáng, chúng tôi đã đến cổng Đền. Cuối tháng Hai, chuẩn bị cho Hội đã thấy nhiều hàng quán dựng lên đầy hai ven đường. Mấy đứa trẻ bán hương nhao nhao gặp tôi mời mua hương. Tôi gọi một đứa bé nhất trong bọn mua chục thẻ hương và hỏi nó:
- Từ sáng đến giờ có ai lên Đền chưa cháu?
Nó nhanh nhẩu đáp:
- Dạ. Có rồi ạ. Một chú thương binh cụt chân chống tó lên được một lúc lâu rồi ạ. Chú ấy đi có vẻ khó nhọc lắm. Mấy bạn lớp cháu phải dìu chú ấy đấy.
Tôi giật mình thoáng nghĩ: Hay là Tuấn? Có phải anh không đấy? Sao anh lại đi một mình? Đứa bé còn nói thêm là năm ngoái, năm kia năm nào cũng thế chú ấy đều đi Đền sớm nhất. Chú ấy bảo: đi sớm cho khỏi phải chen người, chứ nếu đi chính Hội thì chú có một chân làm sao mà chen nổi.
Tôi đưa Thảo vào thắp hương từng Đền một. Con bé ngơ ngẩn trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ và uy nghi huyền bí nơi dây. Do buổi sớm và chưa phải là ngày chính Hội nên khách thăm chỉ rải rác ít người. Chúng tôi có điều kiện thong thả ngắm cảnh. Thắp hương Đền Thượng xong, như một thói quen định sẵn, tôi dắt Thảo tìm đến cây thiên tuế. Khi cách gốc cây thiên tuế chừng mươi mét, tôi thấy một đám trẻ bán hương đang xúm xít quanh một người nghe kể chuyện. Tôi ra hiệu cho Thảo im lặng lại gần. Trước mắt tôi đúng là Tuấn. Mắt tôi nhoà đi. Chân tôi như chết cứng tại chỗ. Không ngờ lại gặp anh ở đây. Tôi lặng yên nghe Tuấn đang kể chuyện cho lũ trẻ. Tuấn say sưa kể lại những kỷ niệm của mình dưới gốc cây thiên tuế này và những trận đánh quân xâm lấn bảo vệ biên cương phía tây nam của Tổ quốc. Gương mặt Tuấn rạng rỡ. Có lẽ Tuấn rất vui khi nhớ về những năm tháng oanh liệt đó. Mấy đứa trẻ tròn xoe mắt ngồi nghe quên cả việc bán hương.
Dáng chừng đợi mẹ lâu quá, Thảo lắc mạnh tay tôi:
- Mẹ! Chúng mình xuống thăm Đền Giếng chứ?
Tôi choàng tỉnh. Cả mấy chú cháu phía Tuấn cũng đột ngột quay lại. Tuấn nhận ra tôi. Không kìm được lòng mình nữa, tôi lao về phía Tuấn và ôm chầm lấy anh. Lũ trẻ ngơ ngác. Một cơn gió bất ngờ thổi đến. Tán lá trên ngọn cây thiên tuế rì rào. Mãi sau, Tuấn mới lúng túng gỡ tay tôi. Sau khi chúng tôi giới thiệu nhau cho bọn trẻ, tất cả cùng cười vui. Thì ra năm nào cũng vậy, Tuấn đều trốn trại điều dưỡng để về với Hội. Bọn trẻ ở đây đã quen anh. Với anh, cây thiên tuế này là kỷ niệm vô cùng thiêng liêng của cuộc đời. Anh đến để vui với lũ trẻ, để nghe cây rì rào hát về một mối tình thơ mộng của mình. Còn anh, chiến tranh đã tước mất quyền làm cha, đã khai tử anh một lần, anh bằng lòng với cuộc sống hiện tại ở Trại điều dưỡng. Mỗi năm đến ngày Giỗ Tổ, anh lại không quên về với cây thiên tuế để thả hồn tìm lại những tháng năm xưa. Nhất định sau chuyến đi này tôi sẽ kể cho Thảo nghe về bác Tuấn, về cây thiên tuế này để con tôi có những trang văn, trang đời đầy sinh động, yêu thương.
Tất cả chúng tôi quây quần dưới bóng cây thiên tuế nghe Tuấn kể chuyện. Dưới kia đã thấy bao người đang trẩy Hội. Lòng tôi lâng lâng...