• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Em không đợi quà ngày 8-3

Kinh tế 08/03/2019 15:24

(Tổ Quốc) - Phụ nữ cần được đặc biệt tôn vinh vì những nỗ lực tuyệt vời của họ. Nhưng sự vươn lên của họ cần sự đồng hành của những người đàn ông xung quanh. Ngày 8-3, chúng ta cùng khuyến khích những điều tốt đẹp nhất từ hai giới.

Năm 2012, ở tuổi 27, Diền chủ động xin ly hôn, tiếp tục nuôi hai con gái. Chồng Diền từ lúc vợ có bầu đã phó mặc chuyện nhà và con cho vợ. Mỗi lần Diền bàn với chồng cách làm ăn để tăng thu nhập, chồng đáp: "Nhà này cô là chồng hay tôi là chồng?".

Hai vợ chồng Diền là người Mường, vốn là bạn học, cùng nhau lớn lên ở xã Đông Xuân, phía tây nam của huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Điệp khúc "ai là chồng" của T. - chồng Diền - lặp lại khoảng mươi lần như thế, cô quyết định chia tay chồng để tập trung nuôi con tốt hơn. Lúc đó, cô đang kiếm sống bằng cái máy may nhỏ tại nhà. Sau khi ly dị, cô vay ngân hàng cất một căn nhà nhỏ trên mảnh đất bên ngoại cho.

Em không đợi quà ngày 8-3 - Ảnh 1.

Bùi Thị Diền tại xưởng may tại làng Đồng Bèn, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội

Lúc tôi gặp Diền thì cô không còn là một cô gái buồn khổ vì chuyện tình cảm nữa. Ba năm trước, một người bạn Đức của gia đình tôi thường xuyên sang Việt Nam làm từ thiện, gặp Diền và chúng tôi trở nên thân quen. Ông khuyên Diền mở rộng hoạt động kinh doanh, nhưng cô lo nhất là không có nơi đặt xưởng may. "Không làm ruộng nữa thì đâu cần sân rộng, xây xưởng ngay sân nhà mình đây này", ông chỉ ra hiên nhà.

Từ sự khuyến khích đó, Diền vay ngân hàng mấy chục triệu, cộng với vay thêm chị em bạn bè, đủ 100 triệu đồng để mở một xưởng may công nghiệp. Sau ba năm, giờ xưởng may là nơi tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nữ và hàng chục chị em khác gia công phụ. Hàng của Diền không chỉ bán trong nước mà còn xuất đi cả Campuchia, Thái Lan.

Cái xưởng may 50m2 là niềm tự hào lớn lao của Diền. Nó giúp cô đứng vững sau khi ly hôn dù đối mặt với bao khó khăn: một nách hai con, không nhà, thái độ ngấm ngầm dành cho phụ nữ "không biết đẻ con trai". Sự kiên cường này cô thừa hưởng từ mẹ, người đã không quản khó nhọc nuôi năm con khôn lớn khi bố Diền sớm qua đời. Con gái lớn của Diền học giỏi nên được tuyển thẳng vào Trường Dân tộc Nội trú Ba Vì. Cháu đang học lớp 6 và mỗi cuối tuần đều về thăm mẹ. Con gái nhỏ đang học lớp 4 trường làng.

Vào năm 1999, tỉ lệ dân số đô thị của Việt Nam chỉ là 27% nhưng dự kiến tới năm 2025, gần 45% dân số sẽ sống ở các vùng đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hay sự "bành trướng đô thị" ở các nước đang phát triển thường được cho là mang tới các tin tức không tốt lành đối với phụ nữ vùng ven đô. Do mục đích sử dụng đất bị chuyển đổi, từ đất nông nghiệp sang đất khu công nghiệp, khu dân cư, khu vui chơi giải trí, phụ nữ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bị hạn chế cơ hội tìm kiếm các hoạt động sinh nhai thay thế việc làm nông truyền thống. Trong khi đó, nam giới, với gánh nặng việc nhà nhẹ hơn được cho là có điều kiện dễ dàng tham gia vào các hoạt động đô thị.

Nhưng ở làng Diền, phụ nữ không trở thành những nạn nhân. Hà Nội mở rộng năm 2008. Năm 2009, toàn bộ xã Đông Xuân trước vốn thuộc tỉnh Hòa Bình được chuyển vào huyện Quốc Oai và trở thành một phần của thủ đô. Các chị em phụ nữ bắt đầu vào làm trong các công ty, doanh nghiệp mọc lên nhanh chóng quanh xã hoặc tham gia tích cực vào các ngành dịch vụ, buôn bán nhỏ. Trong vài trăm hộ dân làng Đồng Bèn nơi Diền ở, phụ nữ chiếm 70% lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, đàn ông chỉ chiếm 30%. Nếu không có điều kiện đi làm, chị em phụ nữ sẽ tìm đến những doanh nghiệp hộ gia đình siêu nhỏ như của Diền, không ai "cam chịu cảnh ăn không ngồi rồi".

"Trai quê đã mất điểm nhiều trong mắt các chị em", Diền bảo. Họ, như bao năm qua, phần lớn vẫn chỉ suốt ngày giết thời gian ở các quán nước hoặc lê la rượu chè. Đa phần thanh niên trai tráng không trụ nổi khi đi làm ở các doanh nghiệp với kỷ luật lao động nghiêm ngặt và cường độ cao. Họ chỉ có thể thi thoảng làm thợ xây hoặc bốc vác theo thời vụ. Và thế là dần dần ở cái làng của Diền, đàn ông mất đi cái quyền được xét nét, yêu sách phụ nữ, dù văn hóa "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn còn khá nặng nề.

Lần cuối cùng Diền được bạn trai tặng quà ngày 8-3 là 14 năm trước, khi 20 tuổi. Hồi nhỏ ở trường làng, các bạn nam mỗi người góp năm ba nghìn, chung nhau mua tặng các bạn nữ một bó hoa và cô giáo một bó hoa. Sau đó, Diền không bao giờ nhận quà ngày 8-3 từ người đàn ông nào nữa.

Nhưng Diền thực sự chưa bao giờ đợi quà. "Em cứ tiến về phía trước thôi, với niềm tin là những điều tốt đẹp rồi sẽ đến với mình. Ở làng em, em thấy các bạn nữ khi chủ động được công việc và thu nhập của mình thì tự nhiên dám lên nói những suy nghĩ của mình và dám đấu tranh lại những điều chưa đúng. Có phải vì người đàn ông mà mình thay đổi đâu", Diền chia sẻ.

Làng Đồng Bèn của Diền và ở bao ngôi làng Việt Nam khác nữa đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ. Họ từng bước cải thiện cuộc sống của mình, vươn lên làm chủ cuộc sống mà không phải trông chờ vào sự may rủi về một tấm chồng tốt nữa. Trong khi nhiều thanh niên trai tráng ở nông thôn lại trở thành những người đứng bên lề đô thị hóa. Thiếu kỹ năng làm việc, thiếu tinh thần cầu tiến, họ hoặc quanh quẩn ở nhà; thậm chí tệ hơn, biến mình thành nạn nhân của những vụ ẩu đả và tệ nạn. Họ đã không được chuẩn bị và giáo dục để nắm bắt tốt cơ hội, bất đắc dĩ trở thành "phái yếu".

Em không đợi quà ngày 8-3 - Ảnh 2.

Xưởng may của Diền tại làng Đồng Bèn, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội

Nhưng ruốt cuộc, việc lực lượng lao động nữ chiếm đa phần ở trong các khu công nghiệp là điều đáng mừng hay đáng lo? Việc chị em phụ nữ gánh vác cả trụ cột kinh tế lẫn gia đình thể hiện sự mạnh mẽ của phụ nữ hay gánh nặng của người phụ nữ?

Rời khỏi làng Diền, người bạn Đức và tôi có cùng suy nghĩ. Phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ luôn tích cực bước tới như Diền xứng đáng được tôn vinh vì những nỗ lực tuyệt vời của họ. Nhưng không phải vì họ không bao giờ đợi quà mà họ không xứng đáng có quà. Sự vươn lên của họ cần lắm sự đồng hành của những người đàn ông xung quanh. Và thực tế là nhiều thanh niên, nhiều người đàn ông nhất là ở vùng quê cũng đang chới với trong các vấn đề của riêng mình. Họ cũng có nhiều điểm "yếu đuối" cần được quan tâm giải quyết và cần sự cổ vũ để hoàn thiện mình.

Ngày 8-3, chúng ta cùng khuyến khích những điều tốt đẹp nhất từ hai giới.


Cẩm Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ