• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh của điểm đến

Du lịch 30/03/2019 07:20

(Tổ Quốc) - Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho ngành du lịch Việt Nam với nhóm chuyên gia kỹ thuật quốc tế nhằm giúp quảng bá du lịch đến Việt Nam thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và tăng cường cạnh tranh của điểm đến.

Ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Hội đồng Tư vấn du lịch tổ chức giới thiệu nội dung và chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) cho du lịch Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu, đề xuất của một nhóm chuyên gia quốc tế về mô hình quản lý và vận hành Quỹ phát triển du lịch và tăng khả năng cạnh tranh của các điểm đến.

EU hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh của điểm đến  - Ảnh 1.

Họp báo giới thiệu nội dung và chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) cho du lịch Việt Nam - Ảnh: Thủy Bích

Cụ thể, EU sẽ hỗ trợ cho Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) trong việc đề xuất xây dựng mô hình quản lý và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và tăng cường cạnh tranh của điểm đến.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật của EU đã bắt đầu từ tháng 2/2019 và sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng. Với việc tập trung vào cạnh tranh của điểm đến, dự án này được thực hiện vào thời điểm quan trọng nhằm giúp Việt Nam đạt được vị thế tốt hơn trên thị trường du lịch quốc tế đang thay đổi.

Làm việc với các đối tác du lịch chính, dự án sẽ phối hợp với TAB xây dựng bộ chỉ số cạnh tranh điểm đến cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

EU hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh của điểm đến  - Ảnh 2.

Đại diện phái đoàn EU và lãnh đạo Tổng cục du lịch tại họp báo - Ảnh: Thủy Bích

Dự án sẽ triển khai tham vấn với các cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp. Các hoạt động sắp tới bao gồm đối thoại công tư, hội thảo tham vấn, chương trình tập huấn và thí điểm bộ chỉ số cạnh tranh tại năm điểm đến du lịch hàng đầu là Hạ Long, Hà Nội, Huế, Hội An và TPHCM.

Các kết quả chính của dự án sẽ được trình bày tại một sự kiện cấp cao vào cuối năm nay trước khi được chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ thông qua Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Các kết quả chính bao gồm những đề xuất đối với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, mô hình chỉ số cạnh tranh của điểm đến du lịch với kế hoạch triển khai và bộ công cụ thực hiện.

Nói về dự án, ông Tom Corrie, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi hỗ trợ Hội đồng tư vấn du lịch xây dựng các phương thức cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm giúp Việt Nam cải thiện hoạt động marketing và hình ảnh của một điểm đến du lịch tuyệt vời. Chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng bộ chỉ số cạnh tranh điểm đến du lịch. Nguyên tắc là với một công cụ so sánh như vậy có thể thúc đẩy tinh thần cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tất cả các điểm đến du lịch cải thiện dịch vụ và môi trường theo thời gian".

EU hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh của điểm đến  - Ảnh 3.

Ông Tom Corrie, đại diện phái đoàn EU phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thủy Bích

"Phương thức cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm giúp Việt Nam cải thiện hoạt động marketing và hình ảnh của một điểm đến du lịch tuyệt vời. Chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng bộ chỉ số cạnh tranh điểm đến du lịch. Nguyên tắc là với một công cụ so sánh như vậy có thể thúc đẩy tinh thần cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tất cả các điểm đến du lịch cải thiện dịch vụ và môi trường theo thời gian", ông Tom Corrie chia sẻ.

Phát biểu tại họp báo , ông Trần Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng bộ chỉ số này ra đời giúp chúng tôi giám sát được quá trình phát triển du lịch ở các địa phương đồng thời cải thiện những vấn đề còn tồn tại, giúp cho chất lượng sản phẩm du lịch ở từng địa phương nói riêng cũng như của Việt Nam được nâng lên trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong khi bộ chỉ số này ra đời có thể áp dụng không chỉ ở một số địa phương được thí điểm mà còn nhân rộng ra áp dụng cho toàn quốc. Đây cũng là một điều kiện giúp cho ngành du lịch cũng như Bộ VHTTDL kiểm soát và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở năng lực cạnh tranh của từng địa phương".

EU hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh của điểm đến  - Ảnh 4.

Ông Trần Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thủy Bích

Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) được thành lập năm 2012 là kết quả hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho Tổng cục Du lịch Việt Nam và rất tích cực trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thông qua mô hình đối tác công tư. Hội đồng này hoạt động theo mô hình đối thoại đa thành phần với mục tiêu chính là thảo luận về các thách thức và cơ hội của ngành du lịch, chú trọng đến các khía cạnh bền vững của du lịch cũng như tư vấn và hỗ trợ Tổng cục Du lịch với các chức năng của một tổ chức quảng bá du lịch, đóng góp về chính sách, nguồn nhân lực và đảm bảo chất lượng trong ngành du lịch.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ sung đại diện của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) là thành viên của Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy đối thoại cấp cao và sự hợp tác giữa Chính phủ và khối doanh nghiệp du lịch nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.


Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ