• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EU vấp loạt đòn giáng ngoài biên giới

Thế giới 27/11/2017 21:11

(Tổ Quốc) - Nga gia tăng hiện diện tại Đông Âu, nhập cư – điều gia tăng làn sóng ủng hộ các chính đảng dân túy bài EU và Brexit đang thách thức sự tồn tại của EU.  

Trong 60 năm đầu tiên tồn tại, những thách thức đối với Liên minh châu Âu EU phần lớn đến từ nội bộ. Quá trình hội nhập châu Âu được thiết lập nhằm mang lại hòa bình cho một lục địa bị tàn phá bởi chiến tranh bằng cách đặt ra các quy tắc chung đối với thương mại – điều được giám sát bởi Tòa án Tư pháp châu Âu  và có thể biến đối thủ cạnh tranh thành các đối tác.

Trong thời gian này, phạm vi các quy định của EU đã được gia tăng một cách rộng rãi để tạo nên một thị trường chung đơn nhất cho hàng hoá và dịch vụ, cũng như giải quyết những thách thức chung mới trong nhiều lĩnh vực như tư pháp hình sự. Những quy định này cũng được mở rộng về mặt địa lý để kết nạp thêm 6 quốc gia – nâng tổng số thành viên của EU lên 28 nước.

Nhưng ngày nay, EU tự thấy họ đang phải vật lộn với những thách thức không quen thuộc. Những mối đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt đến từ bên ngoài và không thể được giải quyết một cách đơn giản bằng cách mở rộng quy phạm luật lệ của EU. Cuộc khủng hoảng di cư, có nguồn gốc từ sự bất ổn và đói nghèo ở Trung Đông và Châu Phi, vẫn đang là một vấn đề chưa có điểm kết đối với EU và đang gia tăng sự ủng hộ cho các chính đảng dân túy bài EU.

Tiến trình đàm phán Brexit đang là một vấn đề "đau đầu" với Anh và EU. (Nguồn: AFP)

Khối này cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng hiện diện của Nga ở Đông Âu – điều cũng dấy lên tranh cãi về phản ứng của EU trước vấn đề này, cũng như về mối quan hệ với Vương quốc Anh – một vấn đề từ nội bộ và nay đã chuyển sang vấn đề bên ngoài do Anh đang thực hiện tiến trình Brexit rời EU.

Trong lịch sử, những thỏa thuận về chính sách đối ngoại là vấn đề đối với các chính phủ quốc gia thành viên, tuy nhiên, bản chất của các thách thức ngày nay và việc gia tăng quyền lực của EU đòi hỏi phải có một phản ứng chung của EU.

Trong bối cảnh này, liệu EU có thể đưa ra các hình thức cam kết mới giúp họ bảo vệ lợi ích của mình đồng thời giữ được các giá trị châu Âu – điều khẳng định tính hợp pháp của họ? Hoặc liệu hệ thống quản trị phức tạp của EU và việc xung đột lợi ích của các thành viên có khiến khối này đưa ra các phản ứng chung yếu ớt nhất – điều làm suy yếu khả năng hành động chiến lược của EU?

Thực thi năng lực EU

EU đã chứng tỏ được một số năng lực hành động mang tính chiến lược để đối phó với các cuộc khủng hoảng bên ngoài trong thời gian gần đây. Khối này đã dừng một thỏa thuận gây tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 về việc ngăn dòng chảy của người nhập cư trên biển Aegean. Thỏa thuận này trước đó đã vướng nhiều cáo buộc rằng EU trả tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara ngăn những người tị nạn đến Hi Lạp – điều được cho là vi phạm các giá trị châu Âu và luật pháp quốc tế. Theo Wall Street Journal (WSJ), châu Âu cũng ngăn dòng người di cư qua biển Địa Trung Hải bằng cách “nhắm mắt làm ngơ” trước những giao dịch mà chính phủ Italy đã thực hiện với các nhà chức trách Libya – điều có nhiều chi tiết chưa được công bố.

EU cũng đã gây ngạc nhiên cho nhiều quốc gia thành viên khi nỗ lực duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga sau khi sát nhập Crimea và cáo buộc Moscow hỗ trợ lực lượng ly khai ở phía đông Ukraine. Trong một hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, EU cũng đã khẳng định lại chính sách của mình với các nước láng giềng phía đông, nhất trí với các sáng kiến mới cùng các chính phủ Ukraine, Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan và Belarus để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện quản trị, và nới lỏng các hạn chế đi lại. Kể từ năm 2014, EU đã ký kết các thỏa thuận thương mại tự do hội nhập sâu với Ukraine, Georgia và Moldova, cũng như đang xúc tiến một thỏa thuận hợp tác với Armenia.

Sự gia tăng hiện diện của Nga tại Đông Âu đang khiến EU lo ngại. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, 25 nước thành viên EU dự kiến vào tháng tới sẽ thiết lập Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO), bao gồm một trụ sở chung để điều phối việc mua sắm quốc phòng và tiến hành kế hoạch chung cho các hoạt động quân sự. Sáng kiến này, đã được đàm phán 10 năm qua, diễn ra để phản ứng với sức ép của Mỹ đối với EU để có thêm trách nhiệm về an ninh của riêng mình.

EU chưa vững trước thách thức bên ngoài

Mặc dù vậy, năng lực của EU trong việc đối phó với những thách thức từ bên ngoài vẫn còn yếu. Các nhà phân tích quốc phòng hoài nghi rằng hiệp ước trên, được gọi là PESCO, liệu có thể vượt qua được những khác biệt giữa các quốc gia để thực hiện hoạt động chung hay không.

Sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên cũng ngăn EU áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với Đông Âu. Một số nước châu Âu muốn EU thể hiện tầm nhìn chiến lược tương tự như khi đã mời các quốc gia Trung Âu và Đông Âu trở thành thành viên bằng cách lên kế hoạch cho tương lai về tư cách thành viên của Ukraine, Georgia và Moldova. Tuy nhiên, nhiều bên khác lại phản đối bất kỳ sự mở rộng nào nữa có thể mang lại làn sóng di cư mới.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất về năng lực hành động chung của EU có thể là Brexit: chính phủ Anh khẳng định quyết định rời EU thể hiện nước này không còn chấp nhận hệ thống EU và phủ mờ hi vọng rằng nước Anh có thể bị thuyết phục với ý tưởng duy trì phần nào vai trò thành viên.

Hiện tại, EU đang sử dụng sức nặng lớn hơn của họ để thúc đẩy quá trình đàm phán cứng rắn về nghĩa vụ tài chính của Anh trong khi vẫn trông đợi một thỏa thuận thương mại hạn chế với London. Tuy nhiên, câu hỏi về mối quan hệ của EU với Anh -nước láng giềng gần gũi và là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới không thể được giải quyết chỉ bằng tiến trình pháp lý. EU cũng cần phải cân nhắc về nguy cơ lâu dài khi nước Anh khi trở thành một lực lượng gây bất đồng bên ngoài đối với tình hình chính trị phức tạp của châu Âu.

Số phận lâu dài của EU có thể xoay quanh những thách thức bên ngoài hơn là những thách thức bên trong.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ