• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

EVN lí giải việc tăng giá điện

Kinh tế 07/03/2015 06:48

(Toquoc)-Chiều 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo về việc tăng giá điện từ ngày 16/3.

(Toquoc)-Chiều 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo về việc tăng giá điện từ ngày 16/3.

Theo Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri, hiện cơ quan chức năng chưa ban hành biểu giá bán lẻ chi tiết. Tuy vậy, quy định sẽ được xây dựng theo hướng có nhiều đối tượng chịu mức tăng trên 7,5%, song cũng có hộ được mua điện rẻ hơn tốc độ tăng bình quân.

Theo Cục trưởng Điều tiết điện lược Nguyễn Anh Tuấn, biểu giá điện tới đây sẽ đơn giản hơn trước và giảm dần bù chéo. “Hướng là giá điện cho khối kinh doanh dịch vụ được thu hẹp so với khối sản xuất. Còn hộ nghèo sẽ tiếp tục được hỗ trợ 30kw đầu tiên”, ông Tuấn nói.

Theo đó, hộ tiêu thụ dưới 100kWh mỗi tháng (mức tăng chỉ khoảng 5.000 đồng) và điện cho kinh doanh dịch vụ sẽ có mức tăng giá dưới 7,5%. Trong khi đó, các ngành sản xuất đang hưởng giá bán điện thấp hơn bình quân thì mức tăng sẽ cao hơn.

Hiện giá bán điện cho sản xuất giờ bình thường chỉ bằng 84% giá bán lẻ bình quân (điện áp từ 110kV trở lên). Trong khi giá bán lẻ cho kinh doanh (giờ bình thường) bằng 133%.

Mức giá điện sinh hoạt từ 0-50kW đầu tiên hiện nay bằng 92% giá bình quân. Từ 50kW tiếp theo giá ăng thêm 3% và từ 101-200kW sẽ cao hơn giá bình quân 10%.

 Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc, với mức tăng giá điện 7,5% sẽ giúp EVN tăng doanh thu thêm 13.000 tỉ đồng trong năm 2015 và EVN có thể đạt lợi nhuận khoảng 1.500 tỉ đồng trong năm nay, tương đương khoảng 1% vốn chủ sở hữu.

“Con số này là quá thấp. Mức lợi nhuận bình thường cũng phải khoảng 3%. Để đạt được mức này thì giá điện có thể phải tăng 12,8%", ông Tri nói.

Mặc dù giá dầu giảm, nhưng các chi phí đầu vào khác như than, giá khí, thuế tài nguyên,... đã làm tăng chi phí sản xuất điện gần 10.500 tỉ đồng. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ giúp phân bổ được các khoản chi phí tăng thêm vào giá điện từ năm 2015 trở đi, đại diện của EVN cho biết.


 

Cụ thể, theo EVN, vào thời điểm xây dựng phương án giá điện mới, tính từ ngày tăng giá điện gần nhất là 1/8/2013 đến ngày 31/1/2015, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện là 1.658 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nhờ yếu tố giá dầu giảm. Ở vế ngược lại, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện lên đến 10.491 tỉ đồng, gồm giá than tăng (làm tăng chi phí phát điện thêm 4.485 tỉ đồng), do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (làm tăng chi phí thêm 3.532 tỉ đồng), tỷ giá bình quân tăng (105,6 tỉ đồng), thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% (tăng thêm 1.590 tỉ), chi phí môi trường rừng…

Như vậy, tổng các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện trong khoảng thời gian tính từ lần tăng giá điện gần nhất đến ngày 31/1/2015 là 8.833 tỉ đồng.

Cũng theo đại diện của EVN, với việc tỷ giá ổn định như Ngân hàng đã công bố, giá than thế giới có chiều hướng đi xuống và giá khí tăng không đáng kể thì năm 2015, sẽ không có lần tăng giá điện thứ 2.

Tuy thừa nhận EVN không phải doanh nghiệp mục tiêu lợi nhuận mà phục vụ xã hội là chính nhưng ông Tri cũng cho rằng, mức giá hiện nay vẫn chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong khi với doanh nghiệp trong nước thì có thể chấp nhận được, song họ lại không huy động được nhiều vốn, nên chỉ có thể làm nhà máy vừa và nhỏ. Như vậy, khi nhu cầu tăng sử dụng điện sẽ khó đáp ứng được.

Ngoài ra, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá tính đến ngày 31/12/2013 là 8.811 tỉ đồng. Theo phương án tính giá điện mới thì khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào năm 2015 là 926 tỉ đồng, số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào giá điện các năm từ 2016 trở đi.

Trước đó, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc nâng giá bán lẻ điện bình quân thêm 7,5% và thời gian áp dụng sẽ bắt đầu từ ngày 16/3.

Việc điều chỉnh giá điện lần này nhằm đảm bảo cho EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng hơn 8.800 tỉ đồng). Việc tăng giá điện cũng phải đảm bảo cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%, thông cáo phát đi của Văn phòng Chính phủ nêu rõ./.

L.Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ