• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Festival Nghề truyền thống Huế 2017: Khẳng định vị thế của thành phố Festival của Việt Nam

29/04/2017 10:27

(Cinet) Nhìn lại chặng đường đã qua với 6 kỳ Festival và tiếp tục trong năm 2017, Festival nghề truyền thống Huế đã từng bước khẳng định vị thế của Cố đô Huế, thành phố Văn hóa, thành phố Di sản, thành phố Festival của Việt Nam tới đồng bào cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

Bài liên quan:

>> Festival nghề truyền thống Huế 2017: Hội tụ trí tuệ và tài năng nghệ nhân Việt

>> Khẳng định thương hiệu Festival nghề truyền thống quy mô và hấp dẫn nhất Việt Nam
 



(Cinet) - Tối 28/4, Lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã diễn ra trang trọng tại sân khấu bia Quốc học Huế.



Tham dự chương trình nghệ thuật “Tinh hoa nghề Việt” có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; đại diện một số bộ, ngành, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; các thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và các thành phố trong Hiệp hội các đô thị Việt Nam và đặc biệt là hàng ngàn người dân địa phương.



Festival nghề quy mô nhất từ trước đến nay



Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra liên tục từ 28/4-2/5/2017. Với sự tham gia của hơn 320 nghệ nhân với hầu hết là các nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp tỉnh và những người thợ tài hoa, bàn tay vàng đến từ 59 làng nghề truyền thống, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế; các nhà thiết kế đến từ 8 quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Phillipines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar…, Festival nghề truyền thống Huế 2017 được đánh giá là festival có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật Khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2017



Festival nghề truyền thống Huế 2017 có sự đầu tư quy mô các chương trình nghệ thuật, việc bố trí thời gian, địa điểm các không gian diễn ra Festival trên địa bàn gắn liền với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch dịch vụ trong toàn tỉnh và ngoài tỉnh. 



Các chương trình nghệ thuật được tổ chức có quy mô lớn, đặc biệt là chương trình Lễ hội Áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và Áo dài” tại cầu Trường Tiền với ý tưởng gắn liền các tác phẩm nghệ thuật hội họa của 20 họa sĩ tên tuổi của Huế trên nền áo dài truyền thống qua sự thể hiện của 14 nhà thiết kế của Việt Nam; chương trình biểu diễn thời trang “Hội tụ bản sắc châu Á” giới thiệu các bộ sưu tập thời trang của 5 nhà thiết kế nước ngoài và các nhà thiết kế Việt Nam trên chất liệu vải truyền thống của Việt Nam; chương trình giới thiệu phim Hàn Quốc và ca nhạc do các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn.

Festival Nghề truyền thống Huế 2017 quy tụ hơn 320 nghệ nhân từ 59 làng nghề trên cả nước. 

Ảnh: toquoc.vn

Bên cạnh đó là chuỗi các chương trình cộng đồng và hưởng ứng Festival Nghề truyền thống Huế 2017 như: Liên hoan Diều nghệ thuật “Những cánh bay Việt Nam”; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ”; Âm nhạc đường phố; Triển lãm ảnh nghệ thuật giao lưu “Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh”; Trưng bày cổ vật với chủ đề “Gấm vóc vàng son thời Nguyễn”; Triễn lãm “Trúc chỉ - km số 0”; Chương trình “Mở cửa đại nội về đêm”…



Ngoài sự tham gia của các nghệ nhân, đơn vị trong nước, năm nay Festival nghề truyền thống Huế còn có 34 nghệ nhân và thợ đến từ các thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka và công ty thêu Shuei (Nhật Bản); Quận Dongnea, thành phố Busan (Hàn Quốc); công ty Lục Thuận Đại Tử Sa, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).



Cố đô Huế: Thành phố Văn hóa, thành phố Di sản, thành phố Festival của Việt Nam



Ông Nguyễn Văn Thành, tỉnh ủy viên, Phó Bí thư thành Ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 khẳng định: Năm 2017 đánh dấu 10 năm thành phố Huế triển khai thực hiện Quyết định 143/QĐ-CP ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival. Năm nay, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 7 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra sẽ là sự kiện văn hóa, du lịch, kinh tế và chính trị lớn có ý nghĩa quan trọng, nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của cố đô Huế, thành phố Văn hóa, thành phố Di sản, thành phố Festival của Việt Nam.



Đồng thời tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản của các nghệ nhân, nghệ sĩ và nâng cao hơn nữa hiệu  quả sản xuất kinh doanh các ngành, nghề truyền thống; Tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Festival nghề truyền thống Huế là dịp cho các nghệ nhân, làng nghề truyền thống của nhiều tỉnh thành, địa

phương có cơ hội để khẳng định thương hiệu làng nghề. Nguồn: 
Nguồn: huefestival



Năm 2005, Festival nghề truyền thống Huế đầu tiên được tổ chức đã giúp nhiều làng nghề trên cả nước được quảng bá và tôn vinh. Với chủ đề “320 năm Phú Xuân - Huế: Nghề truyền thống bản sắc và phát triển”, Festival nghề truyền thống năm 2007 đã quy tụ hơn 200 nghệ nhân, bàn tay vàng của 3 nghề truyền thống đúc đồng, chạm khắc, và kim hoàn từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Festival nghề truyền thống năm 2007 đã mang đến công chúng những ngón nghề tuyệt kỹ của 03 nghề truyền thống giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.



“Nghề truyền thống bản sắc và phát triển” là chủ đề Festival nghề truyền thống năm 2009, cuộc trưng bày gốm sứ, sơn mài và pháp lam lớn nhất  từ trước đến nay. Năm 2011 với chủ đề “Đất Việt trong vườn Huế”, Festival nghề truyền thống Huế được kéo dài trong 5 ngày với  nhiều hoạt động đặc sắc nhằm tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực và cây cảnh của đất nước và con người Việt Nam với sự hôi tụ của gần 200 đầu bếp 3 miền Bắc, Trung, Nam.



Festival nghề truyền thống Huế năm 2013 tiếp tục là cuộc biểu dương sinh động những bàn tay vàng của các làng nghề thủ công truyền thống trên cả nước từ gốm sứ, dệt lụa, mây tre, sơn mài, pháp lam, nón lá, mỹ nghệ gỗ, kim hoàn, mỹ nghệ đồng, hoa giấy, tranh mộc bản, ẩm thực…



Nhìn lại chặng đường đã qua với 6 kỳ Festival và tiếp tục trong năm 2017, Festival nghề truyền thống Huế là dịp cho các nghệ nhân, làng nghề truyền thống của nhiều tỉnh thành, địa phương có cơ hội để khẳng định thương hiệu làng nghề; từng bước khẳng định vị thế của Cố đô Huế, thành phố Văn hóa, thành phố Di sản, thành phố Festival của Việt Nam tới đồng bào cả nước cũng như bạn bè quốc tế.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ