• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp gỡ nhà thơ đương đại Việt Nam có thơ dịch ra trên 20 thứ tiếng

Văn hoá 04/06/2018 16:29

(Tổ Quốc) - Ngoại lục tuần nhưng bút lực của nhà thơ ấy vẫn rất dồi dào, bằng chứng là chỉ trong vòng 2 tháng ông đã cho ra mắt độc giả 2 tập sách Tĩnh lặng - Silence (thơ và bình chú) và Lặng yên cho nước chảy, tập thơ mới nhất của nhà thơ Mai Văn Phấn, có thể nói đó là thành quả của một quá trình lao động chữ nghĩa nghiêm túc và vất vả của một nhà thơ Việt.

Để có được thành quả như ngày nay với khoảng 30 đầu sách đã ra mắt bạn đọc cùng nhiều tác phẩm đăng trên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, được ghi nhận là một trong những nhà thơ có đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, được bạn bè yêu mến văn chương Việt Nam dành cho những đánh giá tích cực mà gần đây nhất là giải thưởng Cikada của Thụy Điển, nhà thơ Đất cảng Hải Phòng đã phải trải qua cả một quãng đường dài lao động và sáng tác.

Trong những ngày hè đầu tháng Sáu, nhân tọa đàm Mai Văn Phấn và dòng chảy thơ do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp với Công ty Sách Nhã Nam tổ chức, nhà thơ Mai Văn Phấn dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện chân tình về hành trình lao động sáng tạo của mình.  

Những vần thơ hiện đại mang đậm căn tính Việt

* Thưa nhà thơ, tựa đề tập thơ mới nhất của ông có vẻ rất khẩn nài “Lặng yên cho nước chảy”, ông có thể chia sẻ đôi điều về ý tưởng và quá trình sáng tác tập thơ này?

- Tập thơ “Lặng yên cho nước chảy” của tôi do Công ty Sách Nhã Nam chủ động tập hợp bản thảo, ấn hành, giữ bản quyền trong vòng 5 năm. Nội dung tập thơ tuyển lựa những bài tiêu biểu các giai đoạn sáng tác, cả một số bài tôi mới viết. Về ý tưởng thiết kế nội dung và hình thức cuốn sách này, biên tập viên cuốn sách đã bầy tỏ trong bài viết “theo tiêu chí hướng nhiều đến những độc giả trẻ, yêu thơ, không nhất thiết hoạt động trong chuyên môn có liên quan, vì thế các bài thơ được chọn tương đối nhẹ nhàng, không quá cách tân và dị biệt, đồng thời thể hiện được chặng đường thơ của Mai Văn Phấn”.

* Tôi nhớ một biên tập viên từng nói, Mai Văn Phấn làm thơ dùng tự nhiên để chiêm nghiệm về bản thân và soi chiếu thế giới, điều này có đúng không và nó thể hiện trong tập thơ mới này như thế nào?

- Nội hàm tự nhiên ở đây rất rộng, từ quan niệm tôn giáo, nền tảng triết học để soi chiếu đời sống, xã hội, thiên nhiên, vũ trụ đến các thủ pháp, thi pháp, hệ hình thẩm mỹ của người sáng tạo. Cũng có những tác giả mới cầm bút đã có được tự nhiên như nhiên, âu là trời cho! Còn đa phần phải qua quá trình tu luyện, vừa tích lũy vừa biết rũ bỏ để có thể thoát được “gông cùm” của quan niệm cũ, những thói quen đã trơ lì cảm xúc.

Khái niệm tự nhiên, với tôi, đồng nghĩa với tự do, với lý tưởng sáng tạo, lý tưởng sống mà tôi luôn hướng tới. Đó là nơi con người được sống bình đẳng, được tôn trọng cá tính, phát triển hài hòa cùng thiên nhiên, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của đời sống. Với cách chọn bài trong tập thơ mới của tôi, bạn đọc sẽ nhận thấy sự hóa thân, hòa đồng giữa tự nhiên và kẻ sáng tạo, thấy những vật vô tri vô giác, hay thời tiết, mưa giông, muông thú… được cất tiếng nói bằng ngôn ngữ thơ. Thông qua tác phẩm, bạn đọc cũng nhìn thấy những biến đổi, chuyển dịch của cảnh quan, ngoại vật mà hiểu được những bí ẩn, tế vi nơi tâm hồn con người.

Nhà thơ Mai Văn Phấn qua nét vẽ chì của họa sĩ Jeong Jae Soon

* Chủ đề cuộc tọa đàm sắp tới là “Mai Văn Phấn và dòng chảy thơ”, nhà thơ có thể chia sẻ dòng chảy thơ đó là dòng chảy như thế nào? Và nó sẽ chảy về đâu?

- Cũng như tên tập thơ xuất bản lần này, dòng chảy thơ mang hàm ý một lộ trình liên tục, lịch sử một chuyển động, một hướng kiếm tìm, những đích đến… Nó định danh cho dòng thời gian sáng tạo của tôi từ khi công bố bài thơ đầu tiên tới giờ. Cội nguồn của dòng chảy ấy chính là những bài thơ tôi viết gần ba mươi năm trước mang âm hưởng và nhịp điệu của đồng dao, ca dao, dân ca… Như các tác giả cùng thế hệ, tôi đã khởi nguồn từ truyền thống kết hợp với tâm thức hiện đại lúc đó. Sau đó là liên tiếp những cuộc lên đường, tích lũy những tinh hoa của các khuynh hướng thơ, học kinh nghiệm sống và sáng tác của những tác giả uy tín để mình thêm giàu có và mạnh mẽ. Tôi khao khát tạo ra một phong cách thơ hiện đại mang đậm căn tính Việt.

* Và tập “Lặng yên cho nước chảy” ở chỗ nào trong dòng chảy thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn?

- Tập thơ đã tập hợp rõ nét những cột mốc quan trọng, những khúc cua (thời điểm chuyển đổi, cách tân) trong suốt lộ trình sáng tác của tôi. Vì dung lượng bài vở nên cũng còn một số đề tài khác chưa được thể hiện hết phong cách của tôi trong tập thơ này, như mảng thơ tình, thơ về tâm linh, tôn giáo…

* Được biết năm 2017 ông được trao Giải thưởng Cikada của Thụy Điển ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống, ông có thể nói rõ hơn những đóng góp đó là những gì?

- Đây là tiêu chí của Hội đồng Giải thưởng Cikada của Thụy Điển. Nhà văn Bão Vũ đã nêu câu hỏi "điều chính yếu nhất của thơ Ý Nhi và thơ Mai Văn Phấn đã khiến Hội đồng giám khảo Cikada đồng thuận trao giải thưởng cho họ là gì?”, Nhà thơ, TS. Lars Vargö - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã trả lời: "Họ có lối viết giản dị và là những nhà thơ xuất sắc. Khi nói như vậy, nghĩa là chúng tôi đã đủ cảm nhận về tính độc đáo trong những trang viết của họ. Chúng tôi không đi tìm những kiểu thơ đặc biệt, mà quan trọng, nó phải lột tả được sự trân trọng tính bất khả xâm phạm của đời sống một cách sâu sắc. Có nghĩa, ít nhiều phải là những nhà thơ rất nhạy bén, để có thể diễn tả được vẻ đẹp mỏng manh của số phận con người trên trái đất và trong toàn bộ cuộc sống này”.

TS. Lars Vargö trao giải thưởng Cikada của Thụy Điển cho nhà thơ Mai Văn Phấn

May mắn gặp được những người bạn nước ngoài đồng điệu

* Theo dõi quá trình sáng tác của ông có thể thấy rõ một điều là nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài, tác phẩm được dịch ra 24 thứ tiếng trên thế giới, ông có thể cho biết lý do tại sao thơ của ông lại được chọn dịch?

- Sức lan tỏa của một tác phẩm văn học, có thơ trong đó, trước hết do nội lực tự thân cũng như cách thể hiện độc đáo của nó.

Bạn đọc bên ngoài luôn đón đợi những giá trị văn học độc sáng từ bất kỳ quốc gia nào, thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc, chân dung và thân phận con người ở vùng đất ấy qua những biến thiên lịch sử, thể chế, xã hội... Ngoài ra, những thủ pháp sáng tác cũng rất quan trọng. Nó không được lạc hậu so với những nước có thể chế dân chủ, tự do. Bạn đọc ở bất kỳ đâu đều sẵn sàng tiếp nhận những giá trị nghệ thuật mà họ chưa từng biết tới.

Trong lời giới thiệu tập thơ song ngữ Việt - Anh của tôi "Những hạt giống của đêm và ngày/ Seeds of Night and Day" (Nxb. Page Addie Press, Anh quốc), nhà thơ Susan Blanshard đã viết: “Ngôn từ của Mai Văn Phấn biểu lộ giá trị văn hóa, tinh thần, những truyền thống và tập tục của dân tộc Việt. Ở đây, nhà thơ cất tiếng nói về niềm vui và nỗi buồn mà dân tộc ông trải qua. Thơ ông soi sáng và khơi lộ những nghèo đói và bệnh tật, khổ đau và lạc hậu, đồng thời, nắm bắt được con tim và linh hồn, cũng như những cách thế diễn đạt của người Việt. Ngôn ngữ thơ ông luôn hướng về tương lai, như đất nước của ông đang chuyển động về phía trước.”

Để tác phẩm dễ lan tỏa sang các ngôn ngữ khác, nhà thơ phải gặp được dịch giả thấu hiểu và tâm huyết với bài thơ của mình. Bản dịch phải chính xác và mang đầy đủ tinh thần của văn bản gốc, đồng thời nó được biểu đạt đẹp nhất, vang vọng nhất trong ngôn ngữ mới. Tôi là người may mắn đã gặp được những dịch giả tiếng Anh và tiếng Pháp uy tín nhất hiện nay. Phần lớn họ đang định cư tại Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Trước khi được dịch sang 24 ngôn ngữ, tôi đã có 6 tập thơ tiếng Anh, 1 tập thơ tiếng Pháp phát hành ở một số nước Âu - Mỹ và trên mạng phát hành sách của Amazon. Có thể nói, các bản dịch thơ tiếng Anh và tiếng Pháp của tôi đã khởi thủy cho việc lan tỏa tới các ngôn ngữ khác sau này.

* Vậy quá trình làm việc để ra được một bản dịch rồi đến tay bạn đọc nước ngoài có khó khăn không? Lần dịch và tác phẩm nào ông có nhiều kỷ niệm nhất?

- Các dịch giả dịch thơ tôi đều là những nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa. Họ dịch thơ tôi, trước hết bởi yêu thích, quý mến và không gặp khó khăn gì. Các dịch giả ấy cũng có những người bạn là nhà thơ bản xứ. Những nhà thơ bản xứ đồng thời là những biên tập viên xuất sắc, giàu kinh nghiệm đã đọc kỹ và hiệu đính tác phẩm của tôi trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Xin được nhắc tên những người bạn quý mến ấy: nhà thơ - nhà phê bình văn học Susan Blanshard và nhà văn - họa sỹ Bruce Blanshard (Anh quốc), nhà thơ - giáo sư Frederick Turner (Hoa Kỳ), nhà thơ - giáo sư Jean-Michel Maulpoix (Pháp)…

Tác phẩm dịch cho tôi nhiều kỷ niệm nhất là tập thơ “Zanore në vesë” (Những nguyên âm trong sương sớm) do nhà thơ - TS. Triết học Gjekë Marinaj (Hoa Kỳ gốc An-ba-ni) dịch từ tiếng Anh sang tiếng An-ba-ni. Giáo sư Nancy Phạm (người Mỹ gốc Việt) đã giúp Gjekë Marinaj hiệu đính và giải thích cho ông một số phong tục, văn hóa của Việt Nam xuất hiện trong cuốn sách. Tiêu đề tập thơ này do dịch giả đặt. Tập thơ đã được phát hành với số lượng lớn trên khắp đất nước An-ba-ni vào tháng 4/2014. Sau sự kiện này tôi có thêm nhiều người bạn An-ba-ni qua email, facebook… Cuối năm 2014, TS. Gjekë Marinaj đã mang 50 cuốn sách sang Việt Nam tặng cho bạn bè và tôi. Ông đã về thăm mẹ tôi tại quê nhà Kim Sơn - Ninh Bình, đến căn nhà nhỏ của tôi ở Hải Phòng và ăn trưa ở đó...

Nhà thơ Việt có nhiều tác phẩm thơ được bán trên trang amazon

* Được làm việc với người nước ngoài và hơn nữa, nhiều sáng tác của ông đã được những người bạn nước ngoài của ông hoàn thiện và phát hành ở ngoài nước. Ông có thể cho biết bạn đọc đón nhận các tác phẩm của mình như thế nào?

- Thơ tôi ở nước ngoài và trong nước, gần đây được một số nhà xuất bản, công ty sách đăng ký in ấn, phát hành và trả nhuận bút.

Ở nước ngoài, nhất là trên mạng phát hành sách của Amazon, số lượng sách bán ra được thống kê tự động. Nhà xuất bản Page Addie Press (Anh quốc) đã mở cho tôi trang kế toán (authorcentral.amazon.com) trên Amazon để tiện theo dõi số lượng sách phát hành. Thông thường cứ sau 1 giờ kể từ khi cuốn sách được bán, thì trang kế toán Amazon sẽ tự động hiển thị địa điểm người mua và 10% lợi nhuận theo giá bìa cuốn sách được tự động chuyển vào tài khoản của tôi. Xin nhắc lại một thông tin chắc nhiều người đã biết. Tháng 12/2012, tập thơ “Firmament Without Roof Cover” (bản Anh ngữ tập thơ “Bầu trời không mái che”) của tôi trở thành 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon. Tháng 6/2014, tôi có 3 tập thơ vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên Amazon, gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt - Anh (“Ra vườn chùa xem cắt cỏ / Grass Cutting in a Temple Garden”; “Những hạt giống của đêm và ngày / Seeds of Night and Day”) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp (“Bầu trời không mái che / A Ciel Ouvert”).

* Như vậy có thể khẳng định ông là một nhà thơ đầy tiềm năng sáng tạo, nhân đây ông có thể tiết lộ về dự định sáng tác trong thời gian tới?

- Câu hỏi này của chị khá tương đồng với Ngài Pereric Högberg - Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội đã hỏi tôi. Vậy xin được nhắc lại: Tôi lại vào bóng tối để sáng tạo!

* Vâng, chúc cho con đường sáng tác của nhà thơ Mai Văn Phấn trải dài mãi mãi để độc giả có những thi phẩm hay trong kho tàng văn học Việt Nam.

Khánh Vân (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ