• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp gỡ Trung – Mỹ: Bia hay trà sẽ giúp hai nhà lãnh đạo tìm được tiếng nói chung?

Thế giới 31/03/2017 15:29

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Trung Quốc cần nghiên cứu những thói quen nào của Tổng thống Trump?  

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ người đồng cấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới, thay vì bia, trà có thể sẽ là thứ đồ uống thích hợp giúp hai nhà lãnh đạo tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Năm 2015, ông Tập đã bỏ qua những khác biệt về văn hóa, để cùng nhấm nháp một li bia với với Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông David Cameron. Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, “chiến thuật” này có thể sẽ không gây ấn tượng với Tổng thống Trump – một người kiêng bia rượu kể từ khi anh trai ông qua đời năm 1981, do nguyên nhân có liên quan đến đồ uống có cồn.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng David Cameron cùng uống bia (Ảnh: scmp)

Leow Chee Seng, Giáo sư chuyên ngành giao thiệp không thông qua lời nói và cử chỉ tại Học viện Hành vi con người của Malaysia cho rằng, các tiếp xúc xã hội với những người không thuộc cùng nền văn hóa, có thể đem lại những rắc rối ngoại giao cho các nhà lãnh đạo.

Giáo sư Leow gợi ý, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể chọn trà làm quà tặng cho Tổng thống Trump, và hai nguyên thủ nên giảm thiểu nguy cơ sai sót bằng việc hạn chế các hoạt động xã hội.

Nguyên nhân là, những tương tác giữa ông Tập và ông Trump sẽ được theo dõi và mổ xẻ “kỹ tận chân răng”, bởi một đội ngũ các nhà quan sát và phân tích trên khắp thế giới.

“Việc quan sát phản ứng giữa ông Tập và ông Trump trong các cuộc gặp gỡ còn thú vị hơn nhiều so với những thỏa thuận chính trị được thống nhất,” Qiao Mu, Giáo sư truyền thông tại Đại học Đối ngoại Bắc Kinh nhận xét.

Chủ tịch Tập Cận Bình nổi tiếng là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ về cả tính cách lẫn ảnh hưởng quyền lực. Tương tự, Tổng thống Trump cũng đang “sở hữu” hình ảnh một nguyên thủ cứng rắn thông qua những cuộc gặp gỡ còn khá ít ỏi của ông với các nhà lãnh đạo thế giới.

Ông từng tỏ ra khá “nồng ấm” khi bắt tay chặt chẽ với Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ hồi đầu năm. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel cách đây không lâu, dường như ông chủ Nhà Trắng lại “khá hững hờ” và có vẻ "lờ đi" khi bà Merkel muốn bắt tay.

Ông Trump cố tình "lờ đi" lời đề nghị bắt tay của bà Merkel? (ảnh: politico)

Leow cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình nên quan sát ông Trump “cẩn thận” để tránh vấp phải những khoảnh khắc khó xử như trên. Có lẽ tốt nhất là hai nhà lãnh đạo nên cúi đầu chào nhau, giáo sư người Malaysia nhận định. Ngoài ra, để tỏ rõ quyền lực, sau các cuộc thảo luận, ông Tập nên cười với những người tham dự, ngoại trừ ông Trump; đồng thời giữ một khảng cách nhỏ đối với người đồng cấp nước Mỹ, Leow “tư vấn” thêm. “Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, đừng để Trump di chuyển trước, bởi vì người nào đi về phía trước đầu tiên sẽ là người nắm quyền kiểm soát,” Leow nói.

Trong khi tỏ ra rất nghiêm túc và đạo mạo ở trong nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường có xu thế “thả lỏng” một chút tại các chuyến công du nước ngoài. Chủ tịch Đặng Tiểu Bình từng đội một chiếc mũ cao bồi trắng tại Texas trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên vào năm 1979.

Giáo sư Qiao tiết lộ, Chủ tịch Giang Trạch Dân có lẽ là nhà lãnh đạo Trung Quốc “tùy hứng” nhất mỗi khi tiếp xúc với phần còn lại của thế giới. Trong chuyến thăm tới Mỹ, ông Giang từng thể hiện vốn kiến thức sâu sắc của mình về văn hóa và chính trị Mỹ khi trích dẫn bài diễn văn nổi tiếng Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln trước Tổng thống Mỹ bấy giờ, ông Bill Clinton. Khi đến Nhà Trắng, ông Giang còn đọc cả thơ của nhà thơ người Mỹ Longfello và một số đại thi hào của Trung Quốc.

Khi thăm Hawaii năm 1997, Chủ tịch Giang Trạch Dân không ngần ngại quàng vòng hoa quanh cổ, cầm guitar và xem trẻ em địa phương nhảy múa.

Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Bill Clinton (ảnh: scmp)
Chủ tịch Giang Trạch Dân trong chuyến thăm Hawaii (ảnh: ny times)

Trong rất nhiều trường hợp, ngay cả những kế hoạch ngoại giao tỷ mỉ và tinh tế nhất cũng có thể trở thành “công cốc”. Hai năm trước, một đoạn video quay trộm cho thấy Nữ hoàng Elizabeth nói với một cảnh sát rằng các quan chức Trung Quốc “rất bất lịch sự”, ngay sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình đến nước Anh.

(Theo South China Morning Post)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ