• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp khó mùa dịch, các đền thờ Ấn Độ bán vàng được cúng tiến, quyên góp cầm cự

Thời sự 18/09/2020 16:24

(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 buộc các đền thờ ở Ấn Độ phải dùng đến vàng cất trữ để thành toán tiền điện nước, phí dịch vụ.

Ấn Độ là quốc gia tích trữ vàng cá nhân nhiều nhất trên thế giới và do bối cảnh tôn giáo, phần lớn chúng được quyên góp cho các đền thờ. Trong nhiều thế kỷ, phong tục này vẫn diễn ra và khiến khoảng 3 triệu đền thờ tại Ấn Độ trở thành nơi cất trữ vàng nhiều nhất thế giới.

Thế nhưng do dịch Covid-19, việc bị cách ly và mất những nguồn quyên góp đã buộc các đền thờ ở Ấn Độ phải dùng đến vàng cất trữ để thành toán tiền điện nước, phí dịch vụ.

Số liệu của Hội đồng vàng quốc tế (WGC) cho thấy những đền thờ đạo Hindu tại Ấn Độ nắm giữ khoảng 4.000 tấn vàng, tương đương với số vàng cất giữ tại hầm Fort Knox của Mỹ. Những khoản vàng này được ủy thác cho các quỹ đầu tư điều hành và được công nhận bằng luật pháp.

Tuy nhiên mới đây, Hội đồng Travancore Devaswom Board miền Nam bang Kerala đã phải quyết định gửi một phần số vàng cất trữ cho ngân hàng để lấy tiền lãi tiết kiệm thanh toán chi phí lương cho nhân viên.

Gặp khó mùa dịch, các đền thờ Ấn Độ bán vàng được cúng tiến, quyên góp cầm cự - Ảnh 1.

Phấn lớn vàng tại Án Độ được người dân cất giữ cá nhân

Giới truyền thông địa phương cho biết quỹ ủy thác Travancore Trust tiêu tốn khoảng 500 triệu Rupee, tương đương 6,8 triệu USD mỗi tháng để thanh toán tiền lương cho nhân viên cùng các chi phí khác.

"Mặc dù có một số ý kiến phản đối việc dùng vàng cúng tế thần linh để dùng cho việc trả lương nhưng chúng tôi vẫn đi đến quyết định khó khăn này bởi vì đây là thời điểm khó khăn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt", Chủ tịch N.Vasu của Travancore thừa nhận.

Quỹ Travancore Trust quản lý vàng cho khoảng 1.248 đền thờ đã có ý định gửi 1 tấn vàng vào ngân hàng để thu 100 triệu Rupee tiền lãi mỗi tháng. Tuy nhiên quyết định chính thức cuối cùng vẫn phải chờ ý kiến đóng góp của những người quyên góp và phía ngân hàng.

Dẫu vậy, Travancore nhấn mạnh họ sẽ không đụng đến những khoản vàng dùng cho các nghi lễ cúng tế hàng ngày hay những đồ trang trí bằng vàng trong đền thờ. Quỹ cũng đã đề nghị Tòa án địa phương cho phép được gửi vàng vào ngân hàng để có tiền trang trải qua mùa dịch khó khăn.

Chính phủ ủng hộ

Theo Chủ tịch N Anantha Padmanaban của Hội đồng đá quý và trang sức Ấn Độ (AIGJDC), vàng là một kênh đầu tư hấp dẫn với người Ấn Độ và việc các đền thờ giải phóng kho cất giữ vàng sẽ tác động đến thị trường. Nhiều vàng hơn được đổ ra thị trường sẽ giúp chính phủ hạn chế nhập khẩu vàng, tiết kiệm được ngoại hối cũng như giữ giá được cho đồng nội tệ.

Năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu tới 647 tấn vàng và hầu như ngày nào cũng có chuyến tàu chở vàng cập bến quốc gia này, Khoảng 60% số vàng trong đó được dùng để chế tác trang sức và dùng cho các nghi lễ hay đám cưới.

Gặp khó mùa dịch, các đền thờ Ấn Độ bán vàng được cúng tiến, quyên góp cầm cự - Ảnh 2.

Ấn Độ có nhu cầu vàng lớn thứ 2 thế giới

Hãng UBS Group đã dự báo nhu cầu vàng sẽ giảm hơn 1/3 trong năm 2020 do hàng triệu lao động bị mất việc vì đại dịch nhưng chính phủ Ấn Độ vẫn đang khuyến khích người dân bán vàng để chuyển tài sản sang những kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế hơn.

Trong nhiều thập niên, chính phủ Ấn Độ đã cố gắng cổ vũ người dân bán bớt vàng ra thị trường thay vì cất trữ nhằm hạn chế việc nhập khẩu nhưng chẳng mấy ăn thua vì văn hóa tín ngưỡng và sự mê vàng của các hộ gia đình. Cố gắng cuối cùng là vào năm 2015 khi Thủ tướng Narendra Modi triển khai chương trình gửi vàng ngân hàng lấy lãi. Người dân có thể chọn lấy tiền lãi bằng Rupee hoặc vàng tùy ý.

Vấn đề duy nhất là tất cả số vàng gửi vào ngân hàng sẽ bị nung nóng chảy để kiểm tra chất lượng và đo đếm trước khi giao dịch, đồng nghĩa với việc người gửi vàng sẽ chẳng thể lấy lại đúng thỏi vàng mà mình đã từng gửi. Đây là một khó khăn cho những người sở hữu các trang sức vàng có giá trị tâm linh, truyền thống hay ý nghĩa trọng đại.

Số liệu chính thức cho thấy chương trình trên chỉ thu được khoảng 20,5 tấn vàng từ các đền thờ hay quỹ đầu tư trong khoảng tháng 11/2015-1/2020, một con số quá nhỏ so với 700-900 triệu tấn vàng nhập khẩu bình quân mỗi năm của Ấn Độ.

Tương tự như Travancore, một trong những quỹ ủy thác quản lý vàng lớn nhất cho các đền thờ tại Ấn Độ là Tirumala Tirupati Devasthanams cũng đang tìm cách dùng lượng vàng cất giữ để gia tăng thu nhập hàng tháng.

Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đang đàm phán với những hãng giao thương và kinh doanh trang sức lớn trên toàn quốc để tìm cách phổ biến chương trình gửi vàng nhiều hơn nữa.

Dẫu vậy, không phải tất cả mọi người đều tin tưởng về chương trình trên. Chuyên gia phân tích Tanvee Gupta Jain của UBS nhấn mạnh người Ấn Độ có mối quan hệ tâm linh rất lớn với vàng và cần sự đả thông tư tưởng từ chính phủ mới có thể thực hiện việc giải phóng kho vàng tích trữ trong dân chúng.

"Điều này sẽ mất vài thế hệ mới có thể cho ra kết quả", Chuyên gia Tanvee nhận định.

AB

NỔI BẬT TRANG CHỦ