• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải Trần Hữu Trang lần 10: Hoàn toàn mới

10/07/2007 10:33

Đưa giám khảo đến tận sàn diễn của thí sinh dự thi để phát hiện tài năng thực chất chứ không trao giải phong trào như cách làm cũ.

Đưa giám khảo đến tận sàn diễn của thí sinh dự thi để phát hiện tài năng thực chất chứ không trao giải phong trào như cách làm cũ.

Thí sinh Thành Tây (vai Lục Vân Tiên) và Quế Hương (vai Kiều Nguyệt Nga) trong đêm sơ tuyển tại TP Cần ThơThí sinh Thành Tây (vai Lục Vân Tiên) và Quế Hương (vai Kiều Nguyệt Nga) trong đêm sơ tuyển tại TP Cần Thơ

Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 10, dành cho diễn viên sân khấu cải lương, do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức đã khai mạc vòng sơ tuyển tại TP Cần Thơ tối 5-7 và sẽ khai mạc tại TPHCM tối nay, 9-7.

Theo ban tổ chức, bắt đầu từ mùa giải năm nay, Giải thưởng Trần Hữu Trang có hình thức tổ chức mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của xã hội, người đoạt giải phải có thực tài.

Phiên bản mới của giải Thanh Tâm

Đa số các nhà chuyên môn lãnh vực sân khấu đều nhìn nhận trong 46 diễn viên đoạt HCV triển vọng, qua 9 mùa giải Trần Hữu Trang, rất hiếm gương mặt tỏa sáng thành ngôi sao trên sân khấu cải lương sau khi nhận giải. Trong khi đó, đa số nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm, một giải thưởng dành cho nghệ sĩ sân khấu cải lương do nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập trước năm 1975, đều trở thành những nghệ sĩ ngôi sao, được công chúng yêu mến và cho đến hôm nay, họ vẫn là những viên ngọc đang tỏa sáng trên sân khấu cải lương. Điều đó chứng tỏ họ vẫn luôn giữ đạo đức và phong độ trong ca diễn để tỏa sáng trên con đường nghệ thuật sau khi đoạt giải.

Hiện nay, tuy môi trường hoạt động cải lương bị thu hẹp do có quá ít đoàn hát, nhưng phải nói rằng 2/3 trong số 46 HCV triển vọng Trần Hữu Trang đã giậm chân tại chỗ với lối ca diễn cũ, không phát huy được thế mạnh dù các nhà tổ chức, các đài truyền hình và các hãng băng đĩa đã cố gắng khai thác để họ có cơ hội tỏa sáng. Phân tích điều này, NSND - đạo diễn Huỳnh Nga nói: “Tính phong trào trong cách chấm giải đôi lúc tạo niềm vui cho nghệ sĩ trẻ dấn thân vào nghề hát, nhưng lại là con dao hai lưỡi. Vì sau khi đoạt giải, họ hoặc không chịu phát huy hoặc không có đất thể hiện tài năng, do đó nghề nghiệp của mỗi người ít được trui rèn như thế hệ nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm trước đây. Cho nên mùa giải năm nay, ban chỉ đạo giải thưởng này chủ trương gạt bỏ tính phong trào để gầy dựng nhân tố mới”.

Thật vậy, có năm, Hội Sân khấu TPHCM đã trao đến 8 HCV triển vọng, trong số đó hiện có người đã bỏ nghề, có người chỉ đi hát đại nhạc hội, có người làm bầu sô. Chưa kể đến một số HCV vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Ở những lần tổ chức sau này, Ban Tổ chức chủ trương đưa diễn viên về với sàn diễn và tổ chức chấm giải như hội đồng tuyển chọn giải Thanh Tâm, các thành viên hội đồng chấm giải đến xem trực tiếp các vở mới của diễn viên dự giải triển vọng. Cách làm này sẽ không bị động, không bó hẹp sáng tạo diễn viên trong mỗi trích đoạn.

Ngoài giải diễn viên triển vọng, giải diễn viên xuất sắc, sau 10 năm gián đoạn, đã được triển khai trong mùa giải năm nay. Đây là cơ hội để các diễn viên đoạt giải triển vọng phấn đấu giành giải xuất sắc. Mười diễn viên tranh giải xuất sắc đã phấn khởi vì họ tự tin tham dự khi điều lệ bắt buộc trích đoạn dự thi phải nằm trong một tác phẩm đã có trên 10 suất diễn hoặc được truyền hình trực tiếp. Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết: “Tôi tự tin, vì vở đã diễn trên 10 suất, có sẵn đường dây ca diễn một cách hiệu quả, không như thi trích đoạn mới toanh, quá nhiều sự may rủi”.

Hậu giải thưởng cũng mới

Điểm mới của mùa giải năm nay còn được áp dụng ở phần thi trả lời câu hỏi ứng xử ở vòng chung kết. Cách cho sẵn câu hỏi và đáp án, diễn viên học thuộc và bốc thăm rồi “trả bài” trên sân khấu, đã được dẹp bỏ và thay bằng hình thức thi ứng xử về chính vai diễn vừa thể hiện của thí sinh. Hội đồng Nghệ thuật cũng không bắt buộc phải “dò bài” và chấm

Hội đồng Giám khảo chuyên môn năm nay không có thành viên nào thuộc Ban Chấp hành hội Sân khấu TPHCM, chủ tịch Hội đồng là NSƯT Bạch Tuyết – người đoạt giải Thanh Tâm năm 1963. Quyền xét chọn được trao cho các nghệ sĩ đã có hơn 40 năm kinh nghiệm.

đúng, sai, thiếu, đủ mà bổ sung kiến thức, tranh luận, trao đổi trực tiếp với thí sinh. Nét mới năm nay còn nằm ở khâu tổ chức chiến lược duy trì hoạt động cho các HCV triển vọng và xuất sắc sau khi đoạt giải. Với việc gắn kết với Đài Phát thanh truyền hình Hậu Giang truyền hình trực tiếp các buổi thi từ sơ kết đến chung kết, mùa giải năm nay sẽ mở ra hướng đi mới khi phối hợp với các đài truyền hình ĐBSCL tổ chức các chương trình biểu diễn khai thác tài năng HCV sau mùa giải. NSƯT Kim Tử Long nói: “Đây là niềm mong ước của chúng tôi từ nhiều năm qua, vì kế hoạch thực hiện CLB HCV Trần Hữu Trang vẫn chưa thể ra mắt. Tôi nghĩ hướng đi này sẽ giúp cho các diễn viên trẻ sau khi đoạt giải yên tâm cống hiến nghề nghiệp, vì đầu ra đã được giải quyết. Cái chính là tìm được chìa khóa để các diễn viên đoạt giải vẫn tỏa sáng như thế hệ nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm trước đây. Ví dụ như năm 1963, khi 6 nghệ sĩ: Diệp Lang, Bạch Tuyết, Tấn Tài, Thanh Tú, Trương Ánh Loan, Mộng Tuyền nhận HCV triển vọng, họ đã cùng diễn vở Khói sóng Tiêu Tương của Hà Triều- Hoa Phượng, khán giả hết sức ủng hộ, nghệ sĩ đoạt giải cũng phấn khởi vì được dịp so tài bên nhau. Còn ngày nay, đoạt giải rồi, đêm báo cáo vẫn lấy trích đoạn ra diễn, cách làm này hạn chế sáng tạo và khiến diễn viên trẻ ỷ lại, hài lòng với chính mình”.

Vì sao giải Thanh Tâm thành công?

NSND Diệp Lang phân tích: Hồi đó mỗi đoàn có một, hai tài năng trẻ, hội đồng tuyển chọn giải Thanh Tâm đã phát hiện và chắt lọc rất kỹ lưỡng. Môi trường biểu diễn hồi đó cũng rất đa dạng bởi có nhiều đoàn hát và diễn viên nào đoạt giải là được các ông bà bầu biết cách khai thác tài năng, khán giả nô nức đến xem và ngưỡng mộ tài năng trẻ, giúp cho chúng tôi có động lực phấn đấu. Hơn nữa, ngoài HCV triển vọng còn có HCV xuất sắc và bằng danh dự xuất sắc dành cho diễn viên nào giữ được phong độ trong ca diễn, có những bước sáng tạo đột phá thông qua vai diễn mới. Cách chấm giải trong nguyên vở tuồng hay hơn cách chấm trích đoạn, bởi có xem hết vở diễn mới phát hiện được những nhân tố xuất sắc dù ở vị trí nào.

Mở rộng hội thi cho người Việt ở nước ngoài

NSƯT Bạch Tuyết cho biết: Ở nước ngoài có một số giải thưởng sân khấu cải lương dành cho thí sinh yêu thích ca cổ, ví dụ như giải Phụng Hoàng do soạn giả Yên Lang tổ chức. Nhiều thanh niên trẻ gặp chị bày tỏ ý định được về nước tham gia giải Trần Hữu Trang, vì họ muốn được chứng tỏ khả năng ca diễn ngay trên quê hương, đất tổ của cải lương. Ban Chỉ đạo giải Trần Hữu Trang đã đi đến thống nhất, bắt đầu từ lần thứ 11, sẽ mở rộng việc tổ chức giải HCV triển vọng Trần Hữu Trang cho thí sinh đang sống tại các nước.

Theo NLĐ

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ