• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gian nan xuất khẩu sách “made in Việt Nam''

26/06/2017 09:18

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong vài năm trở lại đây lượng xuất bản phẩm xuất và nhập khẩu có sự lệch rất lớn. Trong đó tỷ lệ nhập nhiều hơn xuất rất nhiều.

Điều này cho thấy con đường “xuất khẩu văn hóa” nói chung, xuất khẩu xuất bản phẩm nói riêng vẫn còn đó một hành trình đầy gian nan.

Bỏ ngỏ thị trường xuất khẩu 

Trong năm 2016 nếu như xuất khẩu chỉ có 400 nghìn bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí thì nhập khẩu lên tới trên 41 triệu bản sách; trên 17 bản băng đĩa, 8,6 triệu tờ báo, tạp chí…

Tổng kim ngạch xuất khẩu 19,36 triệu USD nhưng xuất khẩu chỉ 3,9 triệu USD. Tuy nhiên, những con số trên cũng không làm nhiều nhà quản lý ngành xuất bản bất ngờ.

Bởi thực tế, các nhà xuất bản (NXB) ở Việt Nam hoạt động rất cầm chừng, chỉ có một số NXB báo cáo có lãi gồm NXB Trẻ, NXB Chính trị - Quốc gia - Sự thật, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam, còn lại chỉ là thông báo quen thuộc là hòa vốn thậm chí phải bù lỗ cả tỷ đồng.

Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN, bà Nova Rasdiana đã từng chia sẻ: “Trước khi qua Việt Nam, tôi đã lục tung các thư viện tại Indonesia để tìm các cuốn sách viết về đất nước các bạn. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm được 5 cuốn do tác giả nước ngoài viết mà không có sách của tác giả Việt. Nội dung sách phản ánh chủ yếu chiến tranh ở Việt Nam. Không có một cuốn sách nào phản ánh về tình hình kinh tế - văn hóa - đời sống Việt Nam hiện tại”.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành thì hiện nay xuất bản phẩm Việt Nam được khẩu xuất chủ yếu sang Mỹ, các nước châu Âu (Anh, Pháp, Canada, Úc) một số nước châu Á.

Thị trường các nước châu Phi, châu Mỹ và châu Á hầu như chưa có các xuất bản phẩm của Việt Nam do nhu cầu chưa nhiều, giá cước vận chuyển cao, các thủ tục xuất khẩu còn nhiều mới lạ, khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm Việt Nam.

Đối tượng mua và tiếp nhận các xuất bản phẩm xuất khẩu Việt Nam là các thư viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, các nhà sách, các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở các nước trên thế giới. Sách xuất khẩu gồm các thể loại: sách văn học, văn hóa nghệ thuật, sách về chiến tranh…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng tới nhập khẩu, chứ ít quan tâm đến xuất khẩu xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài vì hiệu quả kinh tế thấp thậm chí không có lãi do đó chưa thực sự đầu tư, nghiên cứu và tìm các biện pháp, phương thức để mở rộng thị trường ra các nước.

Một minh chứng rõ nét số lượng sách của các đơn vị trong nước xuất bản được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh còn rất ít. 

Đánh mất cơ hội quảng bá văn hóa

Sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu xuất bản phẩm khiến các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản lo ngại. Xu hướng đọc hiện nay của bạn bè thế giới muốn tìm kiếm sách về văn hóa, sách giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam có gì độc đáo, hấp dẫn, muốn tìm hiểu ẩm thực Việt nhưng hầu như họ không thể tìm kiếm sách ở thị trường nước ngoài.

Theo Ths Nguyễn Thúy Linh - Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội): Chúng ta hầu như cũng chưa có tác giả, các dịch giả đủ trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với hầu hết các đơn vị xuất bản trong nước, việc bán bản quyền sách vẫn là câu chuyện quá xa vời. Cũng theo bà Linh để có thể xuất khẩu, cuốn sách phải được dịch ra tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông khác.

Điều này cần sự đầu tư lớn, rất tốn kém. Nhưng ai sẽ đứng ra làm? Nhà nước, tác giả, hay công ty sách, nhà xuất bản? Nhiều nhà xuất bản mua sách thường chú ý tới những cuốn sách phát hành với số lượng lớn từ hàng chục ngàn cho tới cả triệu bản.

Trong khi đó, các đầu sách trong nước được phát hành với số lượng chỉ ở mức 5.000, 2.000, 1.000 hoặc 500 bản. Vì những lý do đó nên sách Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài rất thiếu. 

Hiện cả nước hơn 10 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, song chỉ có Công ty Xunhasaba được nhập khẩu và kinh doanh báo ngày; Công ty cổ phần sách Hà Nội được kinh doanh nhập khẩu báo và tạp chí trừ báo ngày.

Các doanh nghiệp còn lại chỉ được phép kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu. Và trong số này cũng có đơn vị kinh doanh còn yếu kém và hiện hầu như không triển khai nhập khẩu xuất bản phẩm.

Thậm chí, ngay cả thế mạnh là nhập khẩu xuất bản phẩm thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế. Một số đơn vị chưa chấp hành tốt, còn sai sót trong viêc thực hiện đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu.

Việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến một số xuất bản phẩm được nhập khẩu không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, bị thu hồi và buộc tiêu hủy.

Nhiều sách nhập khẩu đặc biệt là sách học ngoại ngữ bị làm giả và bán tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. 

Việc nhiều nhà xuất bản hoạt động èo uột, văn hóa phẩm nhập khẩu quá nhiều, xuất khẩu lại ít như hiện nay khiến cho giấc mơ xuất khẩu văn hóa Việt thông qua sách “made in Việt Nam” vẫn quá xa vời; khiến cơ hội quảng bá văn hóa Việt ra thế giới còn nhiều hạn chế.     

Minh Quân

(Nguồn: Đại đoàn kết)

NỔI BẬT TRANG CHỦ