Thay vì tìm kiếm niềm đam mê thực sự duy nhất, những sinh viên khôn ngoan hiểu rằng sở thích, chuyên môn và thậm chí niềm đam mê có thể được tu luyện thông qua trải nghiệm, kiên trì và làm việc chăm chỉ.
"Tôi là một giáo sư đại học và tôi đã tư vấn cho rất nhiều thế hệ sinh viên, bao gồm cả nam và nữ khi họ đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời như tìm kiếm chương trình học đại học, quyết định lĩnh vực chuyên ngành hay tìm ra định hướng cho cuộc sống. Giống như phần lớn sinh viên ở mọi nơi, những học trò của tôi đang rất nỗ lực tìm kiếm một điều mà họ thực sự cảm thấy thú vị và có ý nghĩa. Rất nhiều người háo hức muốn tìm kiếm được "đam mê" thực sự của bản thân là gì" Cindy May, Giáo sư Tâm lý học tại Mỹ cho biết.
Về mặt lý thuyết, việc tìm kiếm mục tiêu và đam mê là điều rất đáng khen ngợi. Thay vì tạo cho mình một địa vị hay quyền lực nhất định, họ dồn động lực vào việc khám phá niềm yêu thích cá nhân cũng như tìm ra một con đường sẽ thúc đẩy họ mạnh mẽ nhất trong tương lai. Họ muốn được bùng cháy với ngọn lửa đam mê của bản thân và sống theo một lý tưởng: "Làm những gì bạn thực sự yêu thích và bạn sẽ chẳng cần làm việc bất cứ một ngày nào trong đời".
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của các nhà điều tra tại Đại học Yale và Đại học Stanford cho thấy quan niệm này có thể là một sai lầm. Thay vì dồn hết sức lực tìm kiếm một công việc hoặc con đường sự nghiệp làm bùng lên đam mê, chúng ta nên đầu tư có chọn lọc và tính toán vào các sở thích khác nhau và làm việc để nuôi dưỡng niềm đam mê trong nhiều lĩnh vực. Theo quan điểm này, những giá trị quan trọng nhất trong cuộc đời bạn sẽ được nuôi dưỡng theo thời gian chứ không phải được phát hiện ra sau một đêm.
Điều mấu chốt ở đây chính là tư duy. Một số người áp dụng một cách tiếp cận "tư duy cố định" và tìm kiếm một hành trình duy nhất cho cuộc sống của họ. Những sinh viên ấy mong đợi hành trình này sẽ bền bỉ, đầy phấn khích và luôn có thể hoàn thành mục tiêu. Những ai có lối tư duy này thường sẵn sàng đối mặt đến cùng khi gặp khó khăn bởi họ cho rằng mỗi người mang một sứ mệnh riêng trong cuộc sống.
Thế nhưng tư duy cố định về sở thích và đam mê có thể tạo ra những giới hạn cản trở tiềm năng của bạn. Thứ nhất, khi chúng ta tìm thấy một điều thực sự gây tò mò và có khả năng mang lại thành công, chúng ta có thể tự kiềm chế hoặc thậm chí từ bỏ việc khám phá những tiềm năng khác của chính mình. Thứ hai, chúng ta đều hi vọng việc theo đuổi đam mê sẽ đơn giản nên khi gặp khó khăn, thách thức, chúng ta bị thiếu mất kinh nghiệm để có thể xử lý những vấn đề một cách đơn giản và nhanh gọn nhất.
Ngược lại, những cá nhân có "tư tưởng phát triển" tin rằng sở thích hoặc đam mê có thể được phát triển hoặc tôi luyện thông qua kinh nghiệm, đầu tư và nỗ lực. Không có một con đường "đúng" duy nhất nào dành cho bất kỳ ai; thay vào đó, chúng ta có thể khám phá nhiều vấn đề khác nhau và tìm thấy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí đồng thời xảy ra cùng một lúc. Với tư duy phát triển, thành công trong một hành trình không hạn chế hay ngăn cản bạn khám phá những điều mới mẻ khác và khi gặp khó khăn bạn cũng thấy sẽ dễ vượt qua hơn vì bản thân đã tích lũy được kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Bằng chứng từ thí nghiệm cho thấy rằng tâm lý và tư duy ảnh hưởng rất lớn đến những gì chúng ta mong đợi và cách chúng ta đối diện với những khó khăn. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học xác định xem những người tham gia có một tư duy cố định hoặc tư duy phát triển bằng cách sử dụng một bảng câu hỏi đơn giản. Cuộc khảo sát này đã đánh giá mức độ mà cá nhân nhận thức được sở thích của bản thân là vĩnh viễn, kiên định (tư duy cố định), hoặc dễ hiểu, linh hoạt và năng động (tư duy phát triển). Sau đó, những người tham gia đã đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi mở liên quan đến kỳ vọng của họ về kết quả khi theo đuổi một đam mê cháy bỏng.
Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng suy nghĩ ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi. Trong một kiểm chứng, người tham gia đọc hai bài báo khác nhau, một bài viết nói về lĩnh vực họ đang quan tâm và một bài thì không. Với bài viết đúng lĩnh vực họ đang quan tâm, cả hai nhóm thuộc lối tư duy cố định hay phát triển đều bày tỏ sự hứng thú. Khi nội dung bài viết không liên quan tới điều mà người tham gia khảo sát quan tâm, những người có tư duy cố định thể hiện sự lơ là nhiều hơn so với những người có tư duy phát triển. Nói cách khác, một tư duy cố định làm giảm sự tò mò về các chủ đề không liên quan trực tiếp đến những thứ họ đang theo đuổi.
Lối tư duy và suy nghĩ cũng ảnh hưởng đến cách phản ứng khi một người đối mặt với khó khăn. Trong một nghiên cứu cuối cùng, những người tham gia đầu tiên đã xem một bộ phim khoa học nổi tiếng về các lỗ đen và đánh giá sự quan tâm của họ đối với clip. Phần lớn người xem đều nói rằng nó khá thú vị. Sau đó họ tiếp tục được đưa một tài liệu khoa học khó đọc về các lỗ đen. Những người có tư duy phát triển thì đưa ra các đánh giá về độ khó của tài liệu trong khi những người có tư duy cố định thì lờ những báo cáo khó đọc đó đi.
Một tư duy cố định về lợi ích của riêng nó. Nó có thể nuôi dưỡng một ý thức duy nhất làm giảm sự phân tâm và thúc đẩy việc hoàn thành một nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tư duy cố định có thể là một mối nguy hiểm, khi thế giới ngày càng tiến bộ hơn và yêu cầu con người có thể tích hợp được nhiều lĩnh vực kiến thức để giải quyết vấn đề.
Vì những lý do này, một sinh viên khôn ngoan là người ghi danh vào một loạt các khóa học và tìm kiếm một loạt các cơ hội học tập dựa trên kinh nghiệm, bao gồm cả những cơ hội bên ngoài vùng an toàn của họ. Thay vì tìm kiếm niềm đam mê thực sự duy nhất, họ hiểu rằng sở thích, chuyên môn và thậm chí niềm đam mê có thể được tu luyện thông qua trải nghiệm, kiên trì và làm việc chăm chỉ.
(Theo Scientific American)