• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn: Chữ nghĩa Truyện Kiều cần nhiều người tranh luận!

23/01/2006 15:38

Từ tít tắp trời Tây, đầu tháng 1.2006 ông về Hà Nội, hôm sau cụ ”đồ Nghệ” Nguyễn Tài Cẩn một mình lên tàu về làng Thượng Thọ (nay là xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương) để làm bổn phận một hậu duệ dòng họ Nguyễn Tài. Một sáng đẹp trời, tôi theo ông sang Tiên Điền (Hà Tĩnh) dâng hương khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Chưa được đọc những phát hiện mới nhất về Truyện Kiều của nhà ngôn ngữ học lừng danh, nhưng được một ngày tháp tùng người thầy khả kính, tôi cảm nhận sâu sắc chữ Hiếu, chữ Tâm trong ông.

Từ tít tắp trời Tây, đầu tháng 1.2006 ông về Hà Nội, hôm sau cụ ”đồ Nghệ” Nguyễn Tài Cẩn một mình lên tàu về làng Thượng Thọ (nay là xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương) để làm bổn phận một hậu duệ dòng họ Nguyễn Tài. Một sáng đẹp trời, tôi theo ông sang Tiên Điền (Hà Tĩnh) dâng hương khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Chưa được đọc những phát hiện mới nhất về Truyện Kiều của nhà ngôn ngữ học lừng danh, nhưng được một ngày tháp tùng người thầy khả kính, tôi cảm nhận sâu sắc chữ Hiếu, chữ Tâm trong ông.

>> Thưa thầy, nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn Tổng hợp Hà Nội sau nhiều năm ra trường vẫn nhớ lời thầy chỉ dạy: Lên rừng ăn măng xuống biển ăn cá! Đang nghiên cứu ngôn ngữ học, những năm gần đây, thầy chuyển sang nghiên cứu Truyện Kiều qua các bản Kiều cổ, phải chăng thầy đã ”đổi món”, lên rừng ăn cá xuống biển ăn măng?

- Hai cuốn sách nghiên cứu Truyện Kiều vừa ra, và 500 trường hợp về chữ nghĩa Truyện Kiều tôi sắp công bố không phải là ”đổi món”, nên xem nó như công việc tay trái sau khi tôi nghỉ hưu vậy! Chuyện là, đầu thập niên 80 tôi với nhà tôi (TS Ngữ học Nona Stankevich - G.H ) được cử sang dạy tại ĐH Pari VII thời gian 3 tháng. Sang Pháp hôm trước, hôm sau chúng tôi đến thăm cụ Hoàng Xuân Hãn, tôi đặt vấn đề : ”Thưa bác, sang Pháp, cái gì có thể làm được mà ở Hà Nội không làm được?”.
Cụ Hãn bảo: ”Có hai việc, một, vào cơ quan truyền giáo nước ngoài vì đạo công giáo của mình có từ TK 16-17 đến nay. Hai, thu thập các bản văn cổ, ví dụ như Kiều, mà ở nhà không có”. Thế là vừa lên rừng đã được ăn măng chứ đâu ăn cá! Nhà nước cho đi 3 tháng, tôi dành 2 tháng ”mắc võng” tại cơ quan truyền giáo nước ngoài, bám riết cụ Snayde người Pháp và cụ Hãn để thu thập Truyện Kiều. Hai cụ đánh giá mấy ý kiến rất cơ bản: Ở bên nhà từ đầu TK 20 đến nay chỉ dựa vào bản Kiều Oánh Mậu in năm 1902, thoảng có nhắc bản Liễu Vân Đường 1871 nhưng không có trong tay, vậy ta phải dựa vào những bản TK 19, càng xưa càng tốt, càng nhiều càng tốt, và tôi đã nghiên cứu 8 bản đời Tự Đức có tại nhà cụ Hãn.

Rất không may, năm 1996 cụ Hãn mất khi chưa kịp ra sách, nhưng cụ vẫn phát biểu được một bài với nhà báo, đăng ở bên Mỹ và đăng trên tạp chí văn học. Sau khi đăng bài cụ Hãn phát biểu, ở bên nhà liền nổ ra cuộc tranh cãi giữa một số ông nghiên cứu.

>> Thu thập được 9 bản Kiều cổ để nghiên cứu, trong đó thầy rất coi trọng bản Duy Minh Thị. Và giữa các bản có khoảng 1700 câu khác nhau; nay đã thống nhất được khoảng 1300 câu. Điều đó thật vô cùng quý, nhưng vẫn còn hàng trăm câu khác nhau và trong số này lại có khoảng 200 câu dễ giải quyết vì thợ khắc sai nên ai cũng thấy được. Không ngôn ngữ nào dễ bị bút sa nhà cháy như tiếng Việt, cùng ”con giun” ấy nhưng khi dựng lên hoặc nằm ngang dùng làm thanh điệu đã trời vực rồi. Dấu hỏi (?) hay dấu ngã (~), nghỉ hay nghĩ trong Gia tư (...) cũng thường thường bậc trung hoặc chữ ngày ngày hay là Ngay ngày chơi mả Đạm Tiên, thưa thầy?

- Các cụ đồ Nghệ chép Nguyễn Du hay bản thân Nguyễn Du đi nữa, chữ ”ngay” cũng là ”ngày”. Người Nghệ nói ”đi ba ngay chưa về” thì ngay là ngày; dân Bắc, dân Nam, dân Huế không hiểu chữ ngay là ngày. Người sau đọc Ngày ngày chơi mả Đạm Tiên cảm thấy vô lý bèn đổi thành Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên. Với người Việt để biểu thị ngày và đêm chỉ nói ban thôi : ban ngày ban đêm; Buổi cũng biểu thị thời lượng nhưng ngắn hơn ban: buổi sáng / buổi trưa / buổi chiều / buổi tối; Nói buổi ngày là không đúng, trừ trường hợp nói tắt: bộ phim này chiếu hai buổi, buổi ngày lúc 9h sáng, buổi đêm lúc 23h. Người chép sau không hiểu bản chép trước của người Nghệ nên chỉnh sửa thành Ngày ngày chơi mả Đạm Tiên.

Nếu như đúng mẹ Cụ Nguyễn Du chết ở đất Tiên Điền, Cụ ở đây cư tang đến năm 1781 thì tiếng Nghệ trong Cụ cũng đậm đặc lắm! Còn nghĩ ở đây đồng nghĩa với chữ vốn. Trong Truyền kỳ mạn lục mỗi lần có chữ bạt (là vốn) đều dịch là nghĩ, vậy cứ viết dấu ngã mới đúng! Còn ”mắc” về chữ thì nhiều lắm. Bản của Kiều Oánh Mậu 1888 đời Thành Thái vì kỵ huý đã ghi Gió hiu hiu thổi một vài bông lau, nhưng các bản Kiều cổ đều ghi Gió hiu hiu thổi một vài ngọn lau. Ngọn lau nghe không đẹp bằng bông lau nhưng mà đúng vì sinh vật học cho biết hoa lau chỉ nở vào mùa thu, tiết Thanh minh lau chưa nở hoa, mà chưa đến mùa hoa nở thì chỉ có ngọn lau thôi!

Nguyễn Trung Ngạn viết: Lô kỳ sắc ngạc tân phong (Cờ lau phất trắng đất trời sang thu), mấy trăm năm trước nhà thơ người Việt đã viết vậy, người chép sau cứ nghĩ bông đẹp hơn ngọn nên chép là bông. Hay như một bản Kiều ghi ”Mà lòng trưởng nghĩa khinh tài xiết bao” thì trong một chuyến điều tra điền dã, cụ Hoàng Xuân Hãn bất thình lình hỏi cụ tiến sĩ Nghè Mai (1876-1954, hậu duệ của cụ Nguyễn Du - GH ), suy nghĩ một lúc cụ Nghè Mai đáp: Trong dòng họ nhà tôi nói trưởng nghĩa để kỵ huý tên ông chú là Nguyễn Trọng! Có kỵ huý của triều đình và cũng có kỵ huý của dòng họ. Hậu duệ Cụ Nguyễn Du nói thế không tin sao được. Gần đây anh Ngô Đức Thọ chuyên về kỵ huý đã nghiên cứu chữ trọng viết thừa nét.

Tất cả các bản Kiều đều nói: Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm, chỉ duy nhất bản Duy Minh Thị in 1872 chép là thư hoạ, và đây là bản đúng. Vì thi hoạ với ca ngâm là lặp, trái lại pha nghề thư hoạ tức là pha nghề thư pháp, hoạ pháp để nói Kiều cũng giỏi món này. Chứng cứ là, Hoạn Thư ghen tuông ghê gớm cũng phải thốt lên: Khen rằng bút pháp đã tinh... Cũng vì cách nói của người Nghệ, viết thư còn gọi là biên thơ, mà từ thư đến thơ rồi từ thơ đến thi chỉ cách nhau gang tấc!

>> Thưa thầy, không riêng gì lớp thanh thiếu niên, đến như thế hệ U.50 cũng nhiều người chẳng biết khi đang yêu Kim Trọng, cô Thuý Kiều bao nhiêu tuổi?

- Ta thường đọc tới tuần cập kê hoặc đến tuần cập kê. Tuần cập kê là 15 tuổi, nếu cô Kiều 15 tuổi thì cô Vân 14 và cậu em 13, Kim Trọng tuổi 20. Mà trong sách Tàu, Kim Trọng gọi cậu em Vương Quan là tôn huynh, ông 20 tuổi lại là bạn học với ông 13 tuổi (?), lại gọi ông 13 tuổi là tôn huynh (?), nghe có được không? Riêng bản Duy Minh Thị viết lên tuần cập kê, nghĩa là cao hơn tuần cập kê, cao hơn tuổi 15. Phải công nhận người Pháp tìm hiểu rất sâu văn hoá nước mình.

Từ năm 1881 đã có bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của Anbenobesen rồi, ông Tây này sống cùng thời với Duy Minh Thị nên ông ta dựa theo bản Duy Minh Thị và bản Trương Vĩnh Ký. Anbenobesen hỏi Duy Minh Thị: Chữ lên này, thăng trên thì dưới phải chữ liên. Ông Duy Minh Thị bảo: Thợ Trung Quốc khắc sai, trên là chữ thượng thì dưới mới là chữ liên. Cho nên ”trên tuần cập kê”, có thể cô Kiều tuổi 19, cô Vân tuổi 18, Vương Quan tuổi 16 - 17. Mà anh 16 - 17 tuổi có thể chơi thân bạn bè với với anh 20 tuổi còn nghe được.

>> Trong một câu khi Kim - Kiều tái hợp, Kiều bảo: ”Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng/ Hoa thơm phong nhuỵ trăng vòng tròn gương”. Thì trong ”đạo” hay trong ”sự” đúng, thưa thầy?

- Câu này đại ý là ”tôi không còn trinh tiết nữa”, tôi đã ”hoa đời” rồi không còn ”nụ đời” nữa, xin làm bạn với chàng thôi! Cũng như đạo vua tôi, cha con, quân thần, anh em; nghiên cứu cho kỹ khi nói đạo vợ chồng là nói về đạo nghĩa. Ví như đối với chồng thì lễ phép, khi đưa chén trà thì tay nâng ngang mày, khi chồng đang theo học thì đêm đêm quay tơ để nuôi chồng v.v.. Đó là đạo vợ chồng. Đạo không nói ”chuyện ấy” của vợ chồng cho dù cuộc sống có ”chuyện ấy” mới nảy nở sinh sôi giống nòi nhưng Nho giáo không đưa ”chuyện ấy” lên thành đạo, cho nên Cụ Nguyễn Du viết trong bản Duy Minh Thị: Nghĩ rằng trong sự vợ chồng. Nhiều người đánh giá chữ sự cao hơn chữ đạo, mặc dầu thoạt nghe có vẻ kém hơn.

Lại nữa, Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương. Đã sẵn lại còn phải kiếm nghe có xuôi không? Xuân Diệu nói: Sẵn đây ta thắp một vài nén hương, nghe thì đúng, nhưng về mặt chữ Nôm thì ”kiếm” và ”thắp” khác xa nhau. Cụ Hãn đề xuất: Sẵn đây ta cắm một vài nén hương. Chữ ”kiếm” mà qua chữ ”cắm” là gần nhau, đó là một ý kiến đáng suy nghĩ. Cá nhân Cụ Hoàng Xuân Hãn đánh giá như vậy, cá nhân Nguyễn Tài Cẩn cũng đánh giá như vậy, liệu anh em đồng nghiệp đã đồng ý chưa? Thế nên phải tung ra để cùng nhau thảo luận thì mới thống nhất được. Khoa học phải đoàn kết. Để thấy rằng việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều là rất khó. 

Trầm tư trước cuốn sổ lưu niệm, ”đồ Nghệ” Nguyễn Tài Cẩn lần đọc hết những lưu bút của những người đến trước: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ VHTT Phạm Quang Nghị...., cụ đề xuất với Ban quản lý Khu Di tích Nguyễn Du cho phép được trừ lại mấy trang giấy trắng để mời những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn trong và ngoài nước ghi trước đã, rồi mới đến trang viết của mình, vì ”tôi chỉ là người nghiên cứu ngôn ngữ học” - cụ viết.

(Theo Lao động)

NỔI BẬT TRANG CHỦ