• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giật mình số người chết vì bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam

Sức khỏe 09/05/2017 10:46

(Tổ Quốc) - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 400.000 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, các bệnh lý tâm thần, ung thư…

400.000 người chết mỗi năm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, dù trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát nhưng tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang rất báo động.

Các bác sĩ BV đại học y dược TP.HCM đang cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân của bệnh này được xác định có liên quan đến các yếu tố như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động…

Ông Long nhận định rằng bệnh không lây nhiễm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế, hệ thống phòng chống đã được thiết lập từ tuyến trung ương đến địa phương, tuy nhiên, công tác triển khai chưa thực sự quyết liệt, trong khi nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phòng ngừa bệnh.

Tại Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại vẫn còn 49% nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu trong đó có 11% uống tới mức nguy hại, tỷ lệ người sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

40% bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp kông biết mình mắc bệnh, trong khi để kiểm tra mình có mắc bệnh hay không hết sức đơn giản bằng cách đo huyết áp - Thứ trưởng Bộ y tế nói và nhấn mạnh, bệnh không truyền nhiễm làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng quá tải bệnh viện và giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người dân.

Thiệt hại nặng về kinh tế

Tiến sỹ Lokky Wai, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, bệnh không lây nhiễm gây ra gánh nặng lớn về kinh tế. Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do hút thuốc lá.

Lối sống lành mạnh sẽ giúp người dân phòng tránh nhiều bệnh tật

Cũng theo ông Wai, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD vì mất năng suất lao động do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sớm rất tốt thì tại Việt Nam, tỷ lệ tim mạch và đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Ông Wai khẳng định, nhiều bệnh có thể phòng chống được nếu phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt sẽ giảm chi phí điều trị, giảm tải bệnh viện, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Muốn làm được điều này cần có những thay đổi về cách quản lý bệnh không lây nhiễm, các chính sách, cách thực hiện từ tuyến trung ương đến y tế cơ sở - Tiến sỹ Lokky Wai nhấn mạnh.

Bộ Y tế cho biết đã đề ra chiến lược đến năm 2025 chỉ còn 20% số người tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm; trong đó giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu ngành y tế các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông phòng chống, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng.

Đồng thời, kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm từ Trung ương đến tận mạng lưới y tế tuyến xã, thôn, bản…

Ngành y tế cũng kêu gọi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng chế độ ăn uống, vận động khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chủ động khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Mỹ Hòa - Thế Công

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ