• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa tâm bão trừng phạt Mỹ: Nga, Trung, Ấn ở đâu trong thế trận Iran

Thế giới 16/11/2018 15:45

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh chịu sức ép trừng phạt, Iran đang tập trung xây dựng một khuôn khổ hợp tác an ninh đa phương với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Với việc Iran triệu tập thượng đỉnh "Đối thoại an ninh khu vực" đầu tiên vào cuối tháng 9 vừa qua, có sự tham gia của các Phó cố vấn an ninh quốc gia từ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, Tehran đã thực hiện một bước đi quan trọng trong việc tạo ra một khuôn khổ hợp tác an ninh Á - Âu đa phương.

Con đường Iran vượt trừng phạt

Khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu, các nỗ lực của Tehran để phát triển hợp tác an ninh đa phương cung cấp một khuôn khổ để các đại gia châu Á có thể hợp tác với Iran. Mặc dù tập trung nhiều vào khả năng chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan, các nội dung trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh cũng cho thấy một chương trình ổn định rộng lớn bao quát từ Syria tới khu vực Trung Á. Những người tham gia đã đồng ý chính thức hóa khuôn khổ này và tăng cường hợp tác đa phương bằng cách triệu tập một hội nghị thượng đỉnh các cố vấn an ninh quốc gia hàng năm.

Giữa tâm bão trừng phạt Mỹ: Nga, Trung, Ấn ở đâu trong thế trận Iran - Ảnh 1.

Đối thoại an ninh khu vực 4 bên do Iran triệu tập. (Nguồn: Al- Monitor/AFP)

Nhờ vị trí địa lý và lịch sử của mình, Iran không cần "xoay trục" sang châu Á. Đế chế Ba Tư, theo các hình thức tồn tại khác nhau từ thời cổ đại tới thời Trung cổ, đã tập trung được sức mạnh của cả Á và Âu. Chính sách "Hướng Đông" của Iran dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013) đã tìm cách hướng tới phương Đông trong bối cảnh họ bị tê liệt từ trừng phạt phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với cả Nga và Trung Quốc, Tehran đã gặp nhiều khó khăn để đưa Moscow và Bắc Kinh vào vị thế liên kết với họ để chống lại Mỹ.

Dự kiến được việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố chính sách "ưu tiên phương Đông hơn phương Tây" vào tháng 2/2018. Và cách tiếp cận mới của Tehran trong việc tạo ra một khuôn khổ đa phương về hợp tác an ninh tập thể liên quan đến Nga, Trung Quốc và Ấn Độ dường như cho thấy sự thành công hơn nhiều so với những nỗ lực trước đó.

Đối với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước tương ứng đều phải đối mặt với các mối đe dọa xung đột cường độ thấp từ các nhóm cực đoan cực đoan địa phương và xuyên quốc gia. Và người Hồi giáo Shiite Iran cũng được xem như một đối tác tự nhiên trong việc chống khủng bố. Tuy nhiên, một nội dung trong tuyên bố của Đối thoại an ninh khu vực trên cho thấy sự cạnh tranh về cấu trúc mới nổi trong kết nối thương mại Á - Âu là động lực bao quát cho sự hợp tác an ninh đa phương. Điểm chín trong tuyên bố trên định nghĩa, "một trong những mục tiêu" của sự hợp tác này là "phát triển kinh tế và thương mại" liên quan đến "thiết lập các tuyến vận chuyển an toàn trên cơ sở hạ tầng hiện có cũng như tạo cơ sở hạ tầng mới".

Cơ hội của Trung Quốc

Đối với tuyến đường thương mại Á – Âu lớn của Bắc Kinh, Sáng kiến Vành đai và Đường bộ (BRI), Iran cung cấp một mắt xích quan trọng cho tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu không đi qua lãnh thổ Nga. Tuyến đường được Trung Quốc lên kế hoạch này đang tính là sẽ sử dụng tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars (kết nối Azerbaijan, Georgia and Thổ Nhĩ Kỳ) và sẽ cần tới con đường phà vận chuyển hàng hóa từ Trung Á qua Biển Caspian đến Azerbaijan. Tuy nhiên, một hệ thống đường sắt của Iran sẽ mang lại sự kết nối liên tục và tiết kiệm chi phí hơn. Với việc sử dụng các tuyến đường sắt Bắc-Nam của Iran, đây sẽ là một trục liên kết nối Hành lang Đông-Tây của Trung Quốc với Trung Đông và Biển Ả Rập.

Bắc Kinh đã tạo ra một trục dọc bắc-nam tương tự với dự án 46 tỷ USD Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - sẽ kết nối cảng biển sâu được Trung Quốc xây dựng ở Gwadar, Pakistan tới Kashgar ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.

Ngược lại với CPEC, Hành lang Trung Quốc-Iran mang lại lợi ích bổ sung trong việc kết nối trực tiếp trên đất liền với Trung Đông trong khi ít phải đối mặt với những thách thức về an ninh và kỹ thuật hơn. CPEC của Bắc Kinh chạy qua tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan- trong lịch sử từng là thành trì của quân đội Taliban, và Balochistan, nơi có tình trạng bất ổn về sắc tộc. Hơn nữa, xây dựng đường sắt cần phải vượt qua dãy núi Karakoram với địa hình khắc nghiệt.

Hành lang Trung Quốc-Iran cũng sẽ không đi qua một môi trường an ninh nguy hiểm như vậy và chỉ đơn giản liên quan đến việc nâng cấp các tuyến đường ray hiện tại thành đường sắt cao tốc với hệ thống đường ray tiêu chuẩn, đồng nhất.

Trong tháng 1 và tháng 2/2016, chuyến tàu đầu tiên của Trung Quốc-Iran đã thực hiện chuyến đi đầu tiên từ tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, phía nam Thượng Hải, đến Iran chỉ trong 14 ngày. Tiếp theo, việc thay thế các đường ray phi tiêu chuẩn của Liên Xô ở Trung Á bằng đường sắt cao tốc có thể sẽ làm giảm thời gian đi lại nhiều hơn.

Nga, Ấn Độ trong ván bài Iran

Tương tự như Bắc Kinh, Ấn Độ coi Iran là liên kết quá cảnh quan trọng để tạo ra một hành lang quá cảnh thương mại cho hoạt động giao thương Ấn Độ Dương - Châu Âu. Trong khi Iran và Ấn Độ theo truyền thống là đồng minh cạnh tranh với Pakistan, New Delhi muốn xây dựng một cảng biển sâu tại thành phố Chabahar của Iran, cùng với hành lang giao thông thương mại chạy về phía bắc – điều được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh.

Câu trả lời của Ấn Độ cho BRI của Trung Quốc là sáng kiến Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc-Nam (INSTC). Trong khi Pakistan đang ngăn cản con đường tiếp cận trên đất liền của Ấn Độ tới Trung Á, cảng nước sâu Chabahar và INSTC chạy về phía bắc đi qua Iran và Afghanistan sẽ cung cấp cho New Delhi khả năng tiếp cận quan trọng tới các thị trường Trung Á, Nga và châu Âu, đồng thời sẽ cho phép Ấn Độ cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc. Cảng Chabahar, cách cảng do Trung Quốc xây dựng tại Gwadar, Pakistan 72 km về phía tây sẽ đóng vai trò là cửa ngõ Ấn Độ Dương của tuyến đường INSTC. INSTC đang được ước tính sẽ hiệu quả hơn 30% so với tuyến hàng hải truyền thống qua Biển Đỏ, Kênh đào Suez và Biển Địa Trung Hải.

Nga cũng chia sẻ lợi ích tương tự trong hành lang Bắc-Nam với Ấn Độ; tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất trước mắt của họ là bảo đảm ảnh hưởng của Moscow đối với vùng Nam Caucasus và Biển Caspi. Sự thành công trong ngành năng lượng và quan hệ đối tác vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan đã giúp Ankara mở rộng ảnh hưởng ở Nam Caucasus và còn đi xa hơn tới Turkmenistan và các nước cộng hòa Trung Á khác. Việc mở rộng ảnh hưởng tiềm năng của Ankara trong các cộng đồng gốc Thổ ở Nam Caucasus và Trung Á, cũng như tại khu vực biên giới Nga và Trung Quốc, là một thách thức lâu dài đối với Nga cũng như Trung Quốc.

Như vậy, trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở vành phía nam vùng đất Á - Âu, khu vực bao gồm Trung Đông và Caucasus, Iran là một đối tác không thể thiếu đối với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ