• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp

Kinh tế 17/09/2020 10:45

(Tổ Quốc) - Với độ mở của kinh tế Việt Nam thì việc đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp để thích ứng với thông lệ thế giới là cần phải làm, đồng nghĩa với đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.

Bất cập về chế độ hỗ trợ học nghề

Hỗ trợ học nghề là một phần trong chế độ của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và vô cùng thiết thực đối với người lao động thất nghiệp. Hỗ trợ học nghề giúp lao động thất nghiệp có điều kiện để nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề, sớm quay lại thị trường lao động. Đây cũng chính là "cứu cánh" cho người lao động, đặc biệt là trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Để hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đang dần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động… Cùng với đó, các ngành chức năng cũng đang có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp để người lao động dễ tìm việc sau khi được đào tạo.

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp - Ảnh 1.

Để hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đang dần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động… Ảnh: Nam Nguyễn

Dù vậy, theo TS Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chính sách BHTN về cơ bản là tốt nhưng vẫn nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Do đó, phải quan tâm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại lực lượng lao động, bố trí lại lao động để tránh sa thải, tiếp tục sử dụng lao động thay vì cho họ thôi việc, chấm dứt hợp đồng.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chia sẻ, BHTN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, chính sách BHTN đã đóng vai trò nổi bật. Đây là rủi ro về thị trường lao động đột biến và chưa từng xảy ra. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 9.253 tỷ đồng để giải quyết cho 689.923 người hưởng chế độ trợ cấp thấp nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Theo ông Bình, vai trò của chính sách BHTN ở tất cả các nước trên thế giới cả về mặt lý luận và thực tiễn đều đã khẳng định rõ, không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là còn phải hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. 

"Hơn 10 năm qua, chính sách BHTN của chúng ta đã làm tốt việc chi trả, việc hỗ trợ người lao động  quay trở lại thị trường lao động cũng tương đối thành công nhưng để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm", ông Vũ Trọng Bình nói. 

Trên thực tế, đến nay, bên cạnh những mặt được thì kết quả thực hiện BHTN còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ là chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập. Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình thực hiện, ví như bất cập về phần mềm giải quyết hưởng BHTN, kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền…

Đáng chú ý, trên thực tế còn phát hiện không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây cũng chính là bất cập trong kiểm soát trục lợi BHTN.

Giải pháp để sử dụng hiệu quả quỹ BHTN

Tám tháng đầu năm 2020, con số tham gia BHTN là 12,775 người.  Với độ mở của kinh tế Việt Nam thì việc đổi mới chính sách BHTN để thích ứng với thông lệ thế giới là việc mà chúng ta cần phải làm, đồng nghĩa với đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, chính sách BHTN ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động…

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp - Ảnh 2.

Ảnh: Nam Nguyễn

 "Đây là chính sách rất ưu việt và trong những năm vừa qua. Chính sách BHTN đã bao phủ được hầu hết người lao động không may mất việc làm", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Theo ông Lợi, để phát huy vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần có những giải pháp để sử dụng hiệu quả quỹ BHTN. Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đào tạo cần phải tăng cường chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để đẩy mạnh việc nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động. Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Về vấn đề này, Cục trưởng Việc làm Vũ Trọng Bình cũng cho biết, Cục Việc làm hiện cũng đang thu thập số liệu, tổng kết tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong phạm vi xử lý để xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN". Mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động; xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác BHTN, đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động.

"Chính sách BHTN không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất là một công cụ quản trị thị trường lao động. Qua đánh giá của chúng tôi cho thấy, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của chính sách BHTN càng lớn. Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và quỹ BHTN sẽ giúp ổn định và phát triển thị trường lao động, là công cụ của nhà nước để quản trị thị trường lao động.  Việc cải cách đổi mới chính sách BHTN chính là thực hiện chủ trương của Đảng , nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay", ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ