• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam

Thực hiện: Xuân Trường | 27/06/2023

(Tổ Quốc) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc nâng thời hạn thị thực điện tử và tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ giúp du lịch Việt Nam cân bằng lợi thế cạnh tranh về visa với các nước trong khu vực, đồng thời thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa kết thúc mới đây, Quốc hội đã thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều thay đổi quan trọng, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" về chính sách thị thực (visa), góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 95,14% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Cụ thể, theo luật mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày khách du lịch cũng được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.

Luật mới cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục cho khách quốc tế đến Việt Nam

Đánh giá về những tác động của chính sách visa mới đối với du lịch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/3/2022 đến nay, khi chúng ta khôi phục lại chính sách xuất, nhập cảnh như trước COVID-19, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu lớn về cấp thị thực điện tử của người nước ngoài.

Việc nâng thời hạn cũng như tăng danh sách các quốc gia được cấp thị thực điên tử cho thấy chúng ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam. Cùng với đó, việc cho phép người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần sau khi được cấp thị thực điện tử cũng giúp đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác.

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (đoàn ĐBQH TP Cần Thơ)

Bên cạnh đó, quyết định nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực cũng rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, thời gian 30 đến 60 ngày thường là thời gian phù hợp cho khách nước ngoài, nhất là khách du lịch có một chuyến đi đủ dài cho nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh hoặc công tác, không chỉ phù hợp cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mà còn cho các doanh nghiệp quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Phương bày tỏ hy vọng việc luật mới được thông qua không chỉ tác động tích cực đến ngành du lịch mà còn cả các hoạt động khác về giáo dục, khoa học và kinh tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng. Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất, nhập cảnh như trước giai đoạn dịch COVID-19 đến nay số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch COVID-19.

Tuy nhiên, do thời hạn thị thực điện tử ngắn chỉ 30 ngày nên chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài, nhất là những người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam, hay những người có nhu cầu khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tương đối dài ngày.

Do vậy, việc nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá so sánh về khả năng mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội)

Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập, hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.

Ngoài ra, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt nhân sự trước, do đó so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử giúp cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh sàng lọc các đối tượng chưa cho nhập cảnh, phối hợp, trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ khi có yêu cầu, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.

Cũng theo ông Lê Nhật Thành, việc mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ, trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là rất phù hợp. Ông Lê Nhật Thành cho rằng, việc mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị nhằm phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử thời gian qua.

Thể hiện tinh thần hội nhập mạnh mẽ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho biết, theo một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, chính sách thị thực cởi mở, thuận lợi của các quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng du lịch quốc tế.

Năm 2015, Indonesia triển khai miễn thị thực cho công dân của 169 nước với thời gian 30 ngày đã góp phần tăng lượng khách quốc tế của quốc đảo này lên 24%, tạo ra 400.000 việc làm. Năm 2015, chỉ sau 2 năm áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 40 nước, lượng khách quốc tế đến Ấn Độ đã tăng 21%, tạo ra 800.000 việc làm.

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp)

Trên tinh thần đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh bày tỏ đồng tình với quy định thị thực điện tử có thời hạn không quá 3 tháng so với 30 ngày như trước đây và bỏ quy định thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần, quy định về việc nâng thời hạn lưu trú tại Việt Nam lên 45 ngày so với quy định cũ 15 ngày đối với công dân các nước được đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Ông Nguyễn Hải Anh khẳng định đây là những quy định hết sức cởi mở, thể hiện tinh thần hội nhập mạnh mẽ, tạo thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục cho khách quốc tế, giúp Việt Nam cân bằng lợi thế về visa để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Còn theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) những thay đổi về chính sách thị thực là một bước tiến rất lớn. Có thể nói, Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Sau đại dịch COVID-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư, kinh doanh có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh.

Gỡ "nút thắt" visa: Cân bằng lợi thế cạnh tranh, thể hiện thông điệp hội nhập mạnh mẽ của du lịch Việt Nam - Ảnh 5.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong du lịch chúng ta đang là một nước "đi trước về sau". "Chúng ta kiềm chế COVID-19 rất tốt và chúng ta mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN nhưng chúng ta lại không đạt được thành quả như họ là vì chính sách visa của chúng ta chưa đủ cởi mở", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chính vì vậy, việc có những thay đổi trong lĩnh vực này theo hướng cởi mở hơn và tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu là sẽ thúc đẩy được việc xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch.

"Có lẽ đây là một món quà quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là một thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập mở cửa và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nói và cho rằng đây thực sự là một bước đột phá.

NỔI BẬT TRANG CHỦ