• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS-NSND Trần Bảng: “Đối xử với tinh hoa, vốn quý như thế...”

23/11/2008 08:49

Tháng 12 tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ tổ chức một hội thảo về bảo tồn tuồng cổ. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với GS - NSND Trần Bảng, một trong những thầy chèo uy tín của giới sân khấu hiện nay.

Tháng 12 tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ tổ chức một hội thảo về bảo tồn tuồng cổ. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với GS - NSND Trần Bảng, một trong những thầy chèo uy tín của giới sân khấu hiện nay.

Giáo sư có đánh giá gì về tình hình bảo tồn vốn cổ của ngành kịch hát truyền thống hiện nay và tại sao có tình trạng đó?

GS - NSND Trần Bảng: Từ nhiều năm nay, nghệ thuật tuồng, chèo đang bị mất dần khán giả. Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân có thể dễ dàng kể ra như: thay đổi thị hiếu, ngày càng nhiều phương tiện giải trí. Nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất, nguyên nhân chính là do chủ quan những người làm chèo, làm tuồng. Chính các nghệ sĩ hoạt động ở hai bộ môn nghệ thuật này đã mất niềm tin vào cái mà họ đang làm. Họ không còn tin vào sức sống của tuồng, chèo cổ, và tự bản thân họ đã cho rằng, tuồng chèo cổ thuộc về quá khứ. Vì thế, họ tìm cách để có những hình thức tuồng, chèo đương đại, thậm chí hợp tác, kết hợp với nước ngoài để làm tuồng, làm chèo như những vở Nhà hát Tuồng Việt Nam  kết hợp với Nhà hát mặt nạ Pháp. Không thể kết luận việc đó mang tính thương mại nhưng có phần chắc chắn là khi thực hiện công việc đó chứng tỏ họ không còn tin, không còn thấy giá trị, cái đẹp của sân khấu truyền thống. Tại sao  người làm nghề lại mất niềm tin vào chính ngành nghệ thuật mình đang cống hiến? Theo thiển ý cá nhân, tôi cho rằng vì sự hiểu biết của người làm nghề ngày nay còn rất hạn chế. Không có hiểu biết nên thật khó nhận thấy cái hay, cái đẹp… và thái độ với vốn cổ vì thế thiếu đi sự nhận biết có tính cơ bản. Ví dụ như Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, cái cổ của họ là vở diễn Nàng Sita… Thật không còn biết đánh giá thế nào khi người đang làm nghề lại cho một vở pha tạp, hát chèo nhờ ca sĩ, dàn nhạc dùng nhạc Tây. Kịch mục của các đơn vị chèo, tuồng liệu có bao nhiêu vở cổ? Nhà hát Tuồng Việt Nam dựng Đào Tam Xuân, Triệu Đình Long… cũng khá nghiêm túc song về mặt nghệ thuật biểu diễn của diễn viên thì không thể so sánh với thế hệ những Quang Tốn, Bạch Trà… Hay về danh nhân Đào Tấn, người ta chỉ nghiên cứu, viết nhiều về sách, về lý luận mà quên đi những vở diễn của ông. Người làm nghề đang thiếu tự tin vào nghề, thụ động và tính toán riêng tư khi chọn nghệ thuật như chọn một công việc nào đó để rồi sống bằng nghề tay trái. Đối xử với những tinh hoa, vốn quí như thế, chẳng thể trách khán giả không còn mặn mà với tuồng, chèo.

Thưa Giáo sư, người ta thường nói rất nhiều về cái hay, cái độc đáo của tuồng cổ, chèo cổ song không hẳn nhiều người chỉ ra được những nét đẹp đó được thể hiện ở đâu để mà bảo tồn?

- Người ta nói rất nhiều về những cái hay, cái độc đáo nhưng đề nghị chỉ rõ hay ở đâu, độc đáo ở đâu thì chắc hẳn không nhiều người thấy được. Vậy thì ở tuồng, ở chèo cái độc đáo nhất là gì? Bảo tồn nó phải chú ý nhiều nhất đến khâu nào? Có thể khẳng định, cái độc đáo của tuồng, chèo  chính là nghệ thuật biểu diễn của nó. Sân khấu phương Đông là sân khấu của nghệ thuật biểu diễn. Sân khấu phương Đông khác hẳn phương Tây (trước thời kỳ hiện đại) ở chỗ  sân khấu phương Tây chỉ là minh họa kịch bản…Tuồng chèo trước kia thì kịch bản chỉ là cái tích, cái xương sống như ta gọi bây giờ nó là đề cương để người biểu diễn ngẫu hứng sáng tạo. Vì vậy, phải chú ý, phải đề cao hơn nữa nghệ thuật biểu diễn độc đáo của sân khấu truyền thống. Nghệ thuật của ông bà chúng ta thật tài tình. Người diễn trò trên sân khấu truyền thống phải tinh thông nghề nghiệp, phải đạt tới mức điêu luyện về kỹ thuật, kỹ xảo để có thể thông qua đó mà biểu hiện, mà tỏa sáng những ý thơ, cái thần của tích và nhân vật mình đóng. Sự giận dữ biểu hiện thông qua đường xiến gằn của đôi hia, ở nét run rẩy của mười đầu ngón tay, tiếng nức nở, khóc than nằm ở cách xử lý ngữ khí trong một câu nói sử hay cách luyến láy trong một làn điệu hát… Phải nói, nghệ thuật ấy lạ lắm và rất giàu tính kỳ vĩ như kỹ thuật biểu diễn của một nghệ nhân đóng vai quỉ mà tôi được xem ở hội diễn nghiên cứu chèo năm 1960. Nghệ nhân này ở tư thế ngồi xếp chân bằng tròn nhảy từ hòm đồ xuống sàn diễn và vẫn trong tư thế đó nhảy khắp sân khấu với sức bật cao khác thường. Điều đó đòi hỏi sự kỳ lạ, khác thường, người thường không thực hiện được và vì thế, nó thu hút sự tán thưởng của người xem… Hay như ngày xưa cụ Tảo đi trên đôi hia thể hiện một kỹ thuật thật tài tình và điêu luyện khiến người xem hết sức thán phục. Bà Bạch Trà diễn tả cảnh chồng bị giết chỉ bằng mười đầu ngón tay, không có nức nở, không có nước mắt mà sự truyền tả cái mất mát thật khôn lường. Ở đó không chỉ là hình thức mà đã có được cái thần sâu sắc. Ngày nay, các diễn viên cũng vẫn diễn những động tác đó, nhưng sự biểu cảm thì thật là một trời một vực so với các nghệ nhân xưa. Người xưa để biểu diễn được luôn phải luyện hơi, luyện khí đầy đủ để động tác biểu hiện một bên thật tài tình, có sự vận khí để biểu diễn khiến động tác có sức mạnh, nghệ thuật có được sự độc đáo riêng, tạo được vẻ đẹp có sức kỳ, có vẻ đẹp hình thể cho hình tượng nhân vật. Ngày nay chúng ta đào tạo nghe qua có vẻ bài bản hơn nhưng kết quả rõ ràng không bằng nghệ thuật biểu diễn của các cụ đi trước. Vì vậy, phải tìm được cái độc đáo trong nghệ thuật biểu diễn. Ngày nay, khi xem các vở cổ, thấy sự mất mát rất rõ trong phần biểu diễn khi các bạn diễn viên nếu không diễn một cách tùy tiện thì cũng chỉ dừng lại ở sự bắt chước một cách hời hợt cách diễn của nghệ nhân xưa .

Có thể thấy, công tác bảo tồn của chúng ta còn rất nhiều điều cần chấn chỉnh. Kịch mục cổ ở các đoàn hầu như không có. Ngay cả Nhà hát chèo Việt Nam, có kịch mục song việc biểu diễn các vở cổ không chiếm được bao nhiêu đêm đỏ đèn. Công tác nghiên cứu cũng cần đặt lại vì đa phần những công trình nghiên cứu của chúng ta mới chung chung, chưa có người thạo về nghệ thuật biểu diễn làm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề nghiên cứu sâu hơn, làm đẹp hơn cho tuồng, chèo cổ là ưu tiên số một của công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn…

Bên cạnh những mất mát trong bảo tồn nghệ thuật biểu diễn, hẳn còn nhiều mặt khác của loại hình sân khấu tổng hợp này đang bị hiểu sai, làm sai?

- Diễn sân khấu truyền thống phải giữ được một môi trường diễn đúng cho từng loại hình. Khi tham gia Hội diễn sân khấu năm 1982 ở Bungari, đoàn Nhật đã chở toàn bộ sân khấu của họ sang với đầy đủ các hệ thống sàn gỗ, đường đi… có thế mới diễn theo phong cách riêng của họ. Rất cần một sân khấu riêng để tạo môi trường diễn độc đáo. Ta đã có rạp hát Hồng Hà cho tuồng, Kim Mã cho chèo song những người thực hiện không đi đúng hướng khi tiến hành xây dựng đã làm cho cả hai rạp này đều biến tướng so với yêu cầu. Một nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống mà thiết kế để cho các loại hình khác thuê biểu diễn thì làm sao có thể để nghệ thuật truyền thống dụng võ trên sân khấu ấy.

Phải luôn tâm niệm rằng, ở tuồng, chèo mọi cảnh trí, không gian, thời gian đều nằm ở nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Việc dùng tia chớp điện nhấp nháy đến mức không còn nhìn thấy diễn viên đang thể hiện gì mà quên rằng, sân khấu chúng ta độc đáo chính là vì mọi hình thức thể hiện đều nằm ở ngôn ngữ cơ thể diễn viên là chủ yếu. Các nghệ thuật khác như: trang trí, âm nhạc, ánh sáng chỉ là yếu tố phù trợ nên không thể chiếm vị trí quan trọng của biểu diễn. Tất cả những thứ đó cứ diễn ra  khiến người diễn viên bị che lấp và vì thế, làm mai một nghệ thuật truyền thống.

Gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có những nỗ lực tiếp cận với du khách thông qua chương trình diễn cố định các trích đoạn mẫu, song kết quả chưa cao. Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc này?

- Trên các phương tiện thông tin ta đang thấy sự đổ lỗi cho nhau trong việc tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật tuồng, chèo. Bên nghệ thuật truyền thống cho rằng, ngành du lịch không chịu giới thiệu, mở tour cho du khách đến với văn hóa dân tộc. Nhưng người làm du lịch lại trách, tại chính ngành nghệ thuật không đưa sản phẩm đến cho họ quảng bá. Thực ra, chính tư duy quá nặng nề của bao cấp trong hoạt động nghệ thuật này đã khiến các nhà quản lý không năng động tiếp cận thị trường. Đành rằng, sự bao cấp này còn thiếu nhưng vẫn khiến không ít người an phận chấp nhận để có một vị trí nhất định rồi tìm thêm nguồn thu khác và tạo thành cái vòng luẩn quẩn: không có khách thì đi tìm cách làm thêm và vì làm thêm công việc khác nên không còn tâm huyết với nghề, không còn khát vọng cống hiến, buông xuôi để rồi vì thế đã không có khách lại càng thêm thưa vắng bởi sự mai một.

Chính tư duy bao cấp này cũng khiến việc biểu diễn vở cổ được chăng hay chớ, không chịu quảng cáo cho hoạt động của mình. Rất nhiều du khách được hỏi, đều không biết gì về hoạt động của các đoàn nghệ thuật Việt Nam. Một số nhỏ du khách vô tình tới được những buổi biểu diễn của Nhà hát Tuồng cho biết họ hoàn toàn không có thông tin gì và tiếc vì công tác quảng bá của chúng ta. Tại sao ta không tự hỏi, kịch Nô của Nhật Bản khó xem hơn tuồng chèo nhiều nhưng họ vẫn có thể biểu diễn với giá vé cao? Hay như Thái Lan, sự đồng bộ trong hoạt động của họ ở tầm vĩ mô đã khiến họ luôn bán được những sản phẩm văn hóa dù rằng sản phẩm của họ không thể hơn, thậm chí thua kém về mặt nghệ thuật nếu so sánh với sân khấu truyền thống của chúng ta? Có lẽ, giải pháp tốt nhất là, chúng ta hãy tự mình nâng cao chất lượng và có được lịch diễn công khai, chuẩn cho từng tháng. Tin rằng, người Việt Nam chưa quay lưng hoàn toàn với nghệ thuật truyền thống và nhất là khi nghệ thuật đó ngày một chứng tỏ sự hoàn hảo của mình.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ