• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Giang phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo

Văn hoá 13/10/2023 15:35

(Tổ Quốc)- Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng sự hấp dẫn từ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Hà Giang đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Sự phát triển về du lịch đã và đang góp phần hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Đánh thức tiềm năng

Nằm trong khu vực vùng núi phía bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang sở hữu nhiều ngọn núi cao, vách núi đá hiểm trở dựng đứng, những cánh rừng nguyên sinh đan xen với thung lũng thơ mộng tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo và hùng vĩ.

Hà Giang là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là nơi quần tụ và sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, tuy nhiên sự giao thoa đó không làm mất đi những nét độc đáo của mỗi dân tộc mà ngược lại hòa quện vào nhau, bổ trợ cho nhau tạo nên một quần thể đa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Hà Giang phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo - Ảnh 1.

Vẻ đẹp văn hóa, cảnh quan của Hà Giang thu hút du khách khám phá

Tỉnh có 91 di sản văn hóa, trong đó có 31 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận nằm trong hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Danh thắng này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho Hà Giang, đặc biệt là về du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người, những điểm du lịch được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích như: Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, mùa hoa tam giác mạch huyện Mèo Vạc…

Nhiều tiềm năng như vậy, nhưng năm 2018, Hà Giang là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Tỉnh có hơn 87 vạn dân, trong đó số hộ nghèo chiếm trên 40%. Từ điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, Hà Giang được ví như là nơi nhiều đá nhất cả nước, thiếu đất canh tác nhất cả nước, bước ra khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước và là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước… Nhưng hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đang từng ngày vươn lên, khai thác mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, đi tắt, đón đầu; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa nguồn lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia; phấn đấu đưa KT - XH Hà Giang phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc trong thời gian tới.

Hà Giang phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo - Ảnh 2.

Vẻ đẹp của non nước Hà Giang

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, tỉnh đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội; có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu thu hút 3 triệu lượt khách/năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng; tạo trên 28.000 việc làm cho người lao động…

Hà Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gắn với du lịch.

Phát triển kinh tế gắn với du lịch

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đang tập trung phát triển mạnh du lịch, đặc biệt là tại bốn huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ).

Một trong những sáng tạo của Hà Giang là đưa mùa hoa tam giác mạch thành một sản phẩm du lịch mang thương hiệu của địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây hoa tam giác mạch, hoạt động du lịch cộng đồng cũng được đặc biệt chú trọng. Hàng nghìn hộ nông dân tại bốn huyện vùng cao nguyên đá vì thế đã có nguồn thu nhập cao trong các mùa lễ hội.

Lễ hội hoa tam giác mạch nhiều năm qua đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang. Cứ đến tháng 10 hàng năm, du khách khắp nơi lại đổ về Hà Giang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa trên đá, đồng thời tới thăm các điểm đến độc đáo ở nơi đây.

Ông Thò Mí Sính (thôn Sán Trồ, Lũng Cú, Đồng Văn) cho biết: "Vào dịp diễn ra lễ hội hoa tam giác mạch (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm), gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác trong bản có nguồn thu nhập khá cao nhờ cho thuê vườn hoa tam giác mạch để chụp ảnh. Tôi thu 10.000 đồng/người vào chụp, có ngày đông khách, số tiền thu về có thể lên tới gần 1 triệu đồng".

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng, homestay cũng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang.

Ngoài ra, hình thức du lịch homestay còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang nâng cao dân trí, tiếp cận được với các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Hà Giang phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo - Ảnh 3.

Phát triển các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển kinh tế nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng đã đóng góp to lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập giúp ổn định đời sống cho lao động tại địa phương.

Có thể kể đến các làng du lịch cộng đồng nổi tiếng như làng H'Mông Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc), bản Lô Lô Chải của người Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Hà, huyện Đồng Văn), phố cổ Đồng Văn… Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong các bản làng này đã tham gia làm du lịch. Giá phòng phục vụ du khách từ 300 nghìn - 1 triệu đồng/ngày đêm tùy loại. Nhờ tham gia phát triển du lịch, mức sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại.

Bên cạnh du lịch homestay, du lịch làng nghề cũng đã đem lại nguồn thu không nhỏ. Hiện toàn tỉnh Hà Giang có gần 40 làng nghề đã được công nhận, gần 2 nghìn hộ dân tham gia sản xuất trong các làng nghề như thêu dệt vải lanh, thổ cẩm truyền thống, nghề làm giấy bản, nghề chạm bạc, làm khèn mông. Tất cả những sản phẩm đều được làm thủ công và có sự tinh tế rất cao. Những năm gần đây, việc phát triển các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển kinh tế nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng đã đóng góp to lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập giúp ổn định đời sống cho lao động tại địa phương.

Việc phát triển làng nghề đã giúp cho đồng bào dân tộc ở Hà Giang gìn giữ và phát triển văn hóa thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống. Đồng thời để thế hệ các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề lại cho thể hệ trẻ. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đã trở thành mô hình “du lịch làng nghề”. Qua đó giúp du khách vừa được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm từng quy trình sản xuất, cũng như lựa chọn mua sản phẩm.

Hiện nay tỉnh Hà Giang đã và đang vận dụng linh hoạt, thông qua các cơ chế, chính sách của Trung ương như Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình khuyến công, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội được lồng ghép nhằm giúp các làng nghề tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách khi đến với Hà Giang.

Du lịch Hà Giang đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh./.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đón hơn 2,1 triệu lượt du khách, trong đó gần 220.000 lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 1,94 triệu lượt người (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm) doanh thu du lịch đạt gần 5.100 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022.



An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ