• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Bệnh nhi ồ ạt nhập viện do cúm mùa

Sức khỏe 18/12/2019 07:24

(Tổ Quốc) - Tại các khoa Nhi của nhiều Bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, rất đông trẻ em phải nhập viện do cúm mùa.

Khoa Nhi tại các bệnh viện vào mùa cúm

Tại Khoa nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, BS. Phạm Thị Như Hoa cho biết, ngày cao điểm nhất, khoa nhi tiếp nhận tới 200 bệnh nhân, trong đó có khoảng 100 ca là nhập viện. Trong đó, các ca bệnh về đường hô hấp gặp nhiều nhất.

Hà Nội: Bệnh nhi ồ ạt nhập viện do cúm mùa - Ảnh 1.

Bệnh nhi chờ khám tại BV Nhi Trung ương.

Bác sĩ Hoa cho hay, thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ gặp, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hay gặp viêm tiểu phế quản.

Theo bác sĩ Ðỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10- 20% số bệnh nhân so với thời gian trước đó.

Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong vài tuần gần đây, thời tiết giao mùa, chuyển lạnh cũng làm gia tăng từ 15 - 20% số trẻ mắc bệnh về hô hấp, trong đó nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa bị biến chứng.

Để đáp ứng với tình trạng gia tăng số bệnh nhi mắc bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là cúm, TS. Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng phòng Truyền thông chăm sóc khách hàng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện Bệnh viện phải dành hẳn Khoa Điều trị tự nguyện B và Trung tâm Y học lâm sàng Nhiệt đới Nhi khoa để tiếp nhận khám và phân loại điều trị bệnh nhân cúm.

Không nên tự uống hạ sốt tại nhà

Bác sĩ Ðỗ Thiện Hải cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém.

Chuyên gia này cũng dự báo, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, cho nên số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới.

BS. Phạm Thị Như Hoa cho biết, nhiều bố mẹ cho con uống hạ sốt ở nhà, nhưng không đỡ nên đã đưa trẻ vào khám. Những biến chứng sau đó có thể là trẻ ho nhiều hơn, bị viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Đã có trường hợp phụ huynh đưa con đến khám cho biết, ở lớp trẻ có tới 10 bạn nghỉ học vì sốt. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ sốt, sốt cao. Đặc biệt, đang có dịch cúm A nên trẻ sốt thường lên tới 39 - 40 độ.

Chính vì vậy, phụ huynh phải lưu ý khi trẻ bị sốt cao. Những trẻ lớn tuổi đi học cần lưu ý vì đang mùa dịch cúm mùa. Nếu có biểu hiện sốt phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ,… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các chủng cúm đã có vắc xin. Đây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất.

Ngoài ra, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ