• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Văn hoá 22/12/2023 15:07

(Tổ Quốc)- Sáng 22/12, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, TP Hà Nội đã xác định mục tiêu phát triển CNVH cho từng giai đoạn, đồng thời, xác định các lĩnh vự có lợi thế của Thủ đô để tập trung triển khai.

Xác định lĩnh vực phát triển CNVH có lợi thế

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 – NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045” với các mục tiêu được xác định cụ thể cho từng giai đoạn và xác định các lĩnh vực có lợi thế của Thủ đô để tập trung triển khai; trước mắt tập trung một số ngành: Du lịch văn hoá; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí.

Hà Nội: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Bên cạnh việc xác định các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể để phát triển CNVH, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm. TP đã chỉ đạo các đơn vị thí điểm triển khai một số sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách và Nhân dân. Điển hình như chương trình tham quan, trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò với chủ đề “Đêm Thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - sống như những đóa hoa”; Tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhiều triển lãm, trưng bày quy mô, chất lượng đã được diễn ra thu hút lượng lớn khách tham quan, thụ hưởng. Số lượng khách đến các địa điểm triển khai thí điểm các sản phẩm văn hóa tăng 200% so với thời gian trước đó.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay: Năm 2019 Hà Nội là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Mục tiêu của TP là lấy nguồn lực văn hoá, sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo và 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH, hiện nay TP đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hoá.

Trong đó, TP đã kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; kết nối với hơn 400 TP trên thế giới. Qua đó thực hiện các nội dung mang bản sắc của TP Hà Nội, lưu giữ được truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Hà Nội: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Tháp nước Hàng Đậu có một sức sống mới tại lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chỉ hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức.

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn khi tham gia thành phố sáng tạo, Hà Nội đã phối hợp với UNESCO Việt Nam tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo thường niên với những chủ đề khác nhau. Năm 2021 chọn chủ đề khơi nguồn sáng tạo, năm 2022 chọn chủ đề sáng tạo và công nghệ. Năm 2023 với chủ đề dòng chảy được tổ chức tại các không gian công nghiệp gắn với Hà Nội trong nhiều năm qua như nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước hàng Đậu... Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023 với rất nhiều hoạt động gắn với triển lãm, hội thảo đã thu hút được hơn 200.000 du khách trong nước và quốc tế tham gia.

Đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm đến Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và CNVH nói riêng, HĐND TP thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025 để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa - nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hoá, xây dựng Thành phố sáng tạo.

Hà Nội: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 3.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều Nghị quyết chuyên đề khác như: Quy định về đãi ngộ, hỗ trợ với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở các lĩnh vực, CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Đến nay, TP đang nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch phát triển chung Thủ đô, Luật Thủ đô sửa đổi… hướng đến đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô một cách bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cũng nêu một số kiến nghị của Hà Nội gồm: Thứ nhất, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng, có cơ chế thực thi hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia cho Chiến lược phát triển các ngành CNVH; đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển; định vị bản sắc văn hóa của từng vùng, từng địa phương; hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực, thức đẩy CNVH Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Thứ hai, ban hành và triển khai thực hiện “Khung tiêu chí/Chỉ số đánh giá các ngành CNVH” nhằm thống nhất trong công tác thống kê, đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực cho phát triển CNVH, đảm bảo đúng định hướng, phát huy được tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung những chính sách đặc thù để phù hợp với thực tiễn, như vấn đề hợp tác đầu tư công trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; định mức, đơn giá trong xây dựng các sản phẩm CNVH; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các cơ quan quản lý di sản văn hoá, tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động văn hóa và các cơ quan, cá nhân nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ