• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội lý giải việc tăng giá nước sạch sinh hoạt

Thời sự 28/06/2023 08:59

(Tổ Quốc) - Theo Sở Tài chính Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế và phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Giá nước sạch sẽ tăng theo 2 đợt

Sau gần 10 năm không tăng giá nước sạch, TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức giá nước sạch sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nước sạch để phục vụ cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Từ đầu tháng 7, giá nước sạch ở Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng lần một từ 5.973 đồng m3 lên mức 7.500 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng dưới 10m3/tháng). Từ đầu năm 2024, giá nước sạch tăng lên mức 8.500 đồng/m3.

Với mức tăng trên, quy chiếu nhu cầu tiêu dùng nước sạch thực tế tại các hộ dân ở nội thành Hà Nội (khoảng 10-16m³/hộ/tháng), số tiền người dân sẽ phải trả thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Ở khu vực nông thôn (6-8m³/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.

Hà Nội lý giải việc tăng giá nước sạch sinh hoạt - Ảnh 1.

Phương án điều chỉnh giá nước.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và bảo đảm mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn. Việc điều chỉnh giá nước sạch sẽ giúp cho chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khỏe người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).

Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Yêu cầu cấp thiết điều chỉnh giá nước

Trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP. Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác lên tới 780.000 m3/ngày đêm.

Như vậy, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm,…gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngđ; đến năm 2030 khoảng 504.00 m3/ngđ và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngđ.

Tại thời điểm năm 2022, với 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt thì công suất đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho Thành phố. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho Thành phố được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

Như vậy, so với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không bảo đảm chất lượng sẽ dẫn đến một vấn đề, đó là: Giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng. Lý do là chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) có hiệu lực thi hành từ 15/6/2019 thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để xử lý nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT thì các đơn vị lưu thông cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để bảo đảm nước sạch cấp đến người dân bảo đảm QCVN 01-1:2018/BYT. Vì vậy, giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Ngoài những yếu tố trên thì có thể thấy, theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng.

Với thực tế các chi phí cấu thành giá đều tăng, giá các yếu tố đầu vào đều đã tăng nên tính đến đến thời điểm hiện nay, giá nước theo quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và số 39/2013/QĐ-UBND đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước. Do đó, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới 4 tác động tiêu cực như: Không bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch; Không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch; Không thu hút được các nhà đầu tư; Không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ