(Toquoc)-Những ngày trước khi sáp nhập, chủ đề nóng được bàn thảo sôi nổi tại nhiều công sở Hà Nội, Hà Tây là “sẽ làm ở đâu sau 1/8”. Đi lại tưởng như là chuyện bình thường đã trở thành vấn đề “đau đầu” của công chức.
Hay là nghỉ hưu sớm?Ngày 28/7, chính quyền hai địa phương Hà Tây, Hà Nội sẽ công bố công khai trụ sở làm việc, nơi giao dịch của các cơ quan, Đảng, Chính quyền, Đoàn thể Tp Hà Nội mới sau ngày 1/8.Nhưng những ngày này, “thần dân” tại nhiều công sở của Hà Nội, Hà Tây đang bàn tán xôn xao xem tương lai… đường tới cơ quan là đường nào?Nguyễn Khắc S. chuyên viên tại một sở của Hà Nội cho hay, những ngày này, cơ quan rất sôi nổi bàn chuyện sẽ đi làm như thế nào vì dám chắc sở mình sẽ chuyển ra Hà Tây làm (?!).Người thì cho rằng nên đi xe bus và ngay lập tức mọi người lao xao tìm lịch trình các tuyến xe bus gần nhà mình vào Hà Đông như thế nào cho tiện nhất, sớm nhất để tránh tắc đường.Người thì tỏ thái độ hài hước, “kệ việc khen thưởng cuối năm, cứ xe bus tà tà mà đi, 8h kém từ trung tâm thành phố Hà Nội ra Hà Đông cũng chả sao, chiều 4h, 4h30 về là được rồi, tránh tắc đường”.Thậm chí có người còn suy tính hay là mua thêm nhà ở Hà Đông, cuối tuần về Hà Nội?Người lại lo lắng tốn thêm tiền xăng xe đi lại, vì giờ vợ chồng mỗi người mỗi lối, không chở nhau để tiết kiệm tiền xăng được…Đỉnh điểm của nỗi lo này phải nhắc tới trường hợp cô X. (cán bộ Sở T. của Hà Nội), một phần cũng sắp tới tuổi nghỉ hưu, một phần quá ngại đi làm đường xa, cô đang cân nhắc tới chuyện xin nghỉ hưu sớm.Cả Sở này có khoảng trên 200 nhân viên (tính cả đơn vị cấp hai như chi cục, trung tâm nghiên cứu…) trong khi chỉ có vài người có nhà gần Hà Đông. Do vậy, tất cả đều như đang sôi lên với chuyện đi lại.Với nhiều cán bộ Hà Tây, nỗi lo của họ không chỉ là đường xa nếu cơ quan chuyển vào Hà Nội làm, mà còn cả chuyện cơm nước. Bởi dù sao, mức sống ở Hà Tây cũng không đắt đỏ như Hà Nội, giờ ngoài việc đi làm xa, tốn thêm tiền xăng, lo tắc đường lại còn tiền ăn trưa cũng phải “lẹm” vào tiền lương hàng tháng.“Buổi trưa tôi thường về nhà ăn cơm vợ nấu, giờ phải vào Hà Nội có thể phải đem cơm hộp” – một cán bộ Hà Tây cho biết.Sống chung với tắc đườngLo lắng trên là có thực, ít nhất là về mặt giao thông bởi hiện trạng các con đường nối giữa Hà Tây, Hà Nội và cả Mê Linh (Vĩnh Phúc) hầu hết là… độc đạo.Nối với phía Vĩnh Phúc, con đường lưu thông cơ bản vẫn là đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, nối Hà Tây – Hà Nội con đường huyết mạch là đường Nguyễn Trãi, ngoài ra đường 32 cũng chiếm lưu lượng giao thông nhiều.Trong khi thực trạng các con đường này như thế nào thì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Tuy là một đường lớn với nhiều làn đường, nhưng đường Nguyễn Trãi cũng là trục giao thông chính dẫn tới nhiều trường đại học lớn, mật độ đi lại đông đúc, lại là tuyến xe tải, xe khách được phép chạy. Ấy là chưa kể, bụi luôn giăng một màn sương mờ ảo.Với đường 32, dự án cải tạo nâng cấp đường vành đai này gần như dẫm chân tại chỗ, một vài đoạn đường của dự án đã phải “bóp hẹp” lại do khi thi công gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng… Riêng đoạn từ Nhổn vào thành phố, đã không tính nổi bao nhiêu ổ gà, ổ trâu, đường hẹp, đá mặt đường đã trôi đi khá nhiều, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù trời.Đoạn đường này cũng “đỏng đảnh” tới nỗi, chỉ cần lưu lượng giao thông hơi tập trung đã tắc nghẽn lại.Giờ đây, Hà Tây, Hà Nội sáp nhập vào một, hàng ngày không chỉ có hai dòng cán bộ của các sở đi qua, đi lại để ra Hà Đông và vào Hà Nội làm việc, còn có một lượng người dân hai khu vực đi tới các cơ quan công quyền giải quyết công việc.Theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, những năm trước Hà Nội đã có những dự án mở đường nhằm hỗ trợ cho hai tuyến Nguyễn Trãi và đường 32, đó là mở đường Lê Văn Lương và Láng – Hoà Lạc kéo dài cùng với một tuyến đường sắt nội đô. Nhưng hiện tại các tuyến này vẫn đang trong giai đoạn thi công với tốc độ rùa bò.Còn ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh Văn phòng Sở Giao thông- Vận tải Hà Tây cho hay, trước đây Hà Tây đã thống kê có khoảng 7.000- 8.000 lượt phương tiện xe cộ đi lại trên tuyến Nguyễn Trãi, giờ đây con số trên tăng gấp khoảng bốn lần. Các ngành chức năng đã nghĩ tới chuyện đi lại sau khi Hà Nội sáp nhập và đúng là vấn đề nan giải.Thực trạng giao thông là như thế, trong khi đó, ngày sáp nhập không còn bao xa, các dự án đường xá không thể làm trong một đêm. Người dân và cán bộ Hà Nội có vẻ “chuyên nghiệp” hơn trong việc chịu cảnh tắc đường, còn người Hà Tây sẽ phải chuẩn bị tinh thần tốt hơn để “sống chung với tắc đường”!./.
Ngọc Thuỷ