• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội phải là nơi phát triển văn hóa đi đầu cả nước

Văn hoá 24/01/2024 09:13

(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải là nơi phát triển văn hóa đi đầu cả nước, trong đó xác định thanh lịch, văn minh là giá trị cốt lõi, cơ bản nhất. Bên cạnh đó, việc xây dựng giá trị mới cho người Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố sáng tạo, công dân số, công dân toàn cầu...

Hà Nội phải là nơi phát triển văn hóa đi đầu cả nước - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị

Ngày 23/1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025" tổ chức hội nghị tọa đàm "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp".

Hội nghị nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Hà Nội phải là nơi phát triển văn hóa đi đầu cả nước

Tại Hội nghị tọa đàm, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thời gian qua, thành phố không ngừng đổi mới, đột phá, điểm nhấn trọng tâm nhằm khơi thông dòng mạch phát triển văn hóa, con người.

Trong nhiều nhiệm kỳ, Thành phố đều ban hành Chương trình lớn về phát triển văn hóa, con người Thủ đô, trọng tâm nhiệm kỳ này là Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025".

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, chăm lo xây dựng, phát triển con người Hà Nội là nói đến mọi công dân trên địa bàn Thủ đô, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến ba đối tượng: xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở có tâm, có tầm, biết trọng văn hóa và thật sự là những tấm gương văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, sáng tạo văn hóa có đức, có tài, đáp ứng yêu được yêu cầu xây dựng, phát huy giá trị tinh hoa, nhân bản, khai sáng của văn hóa Hà Nội; xây dựng thế hệ trẻ trở thành chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

GS.TS Phùng Hữu Phú cũng cho rằng, thông qua hội nghị đã tiếp tục tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc triển khai xây dựng và thực hiện hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội, hướng tới nhân dân là chủ thể của xây dựng và phát triển các hệ giá trị và chuẩn mực này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đồng quan điểm, Hà Nội phải là nơi phát triển văn hóa đi đầu cả nước, trong đó xác định thanh lịch, văn minh là giá trị cốt lõi, cơ bản nhất. Bên cạnh đó, việc xây dựng giá trị mới cho người Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố sáng tạo, công dân số, công dân toàn cầu...

Nhận diện những thách thức đang đặt ra với con người, gia đình Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, nhiều ý kiến đã đặt ra các giải pháp để xây dựng hệ giá trị gia đình, chuẩn mực người Hà Nội một cách hiệu quả như: đưa nhân tố mới vào phong trào xây dựng GĐVH, coi GĐVH là động lực quan trọng quyết định thành công của sự phát triển kinh tế - xã hội; Nhà nước cần đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng GĐVH; tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ...

Hệ giá trị văn hóa đặc trưng, điển hình cho Hà Nội và người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại

Theo các nhà khoa học, hệ giá trị văn hóa Thủ đô là hệ giá trị văn hóa đặc trưng, điển hình cho Hà Nội và người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại, vừa phản ánh vừa kết tinh những đặc trưng của văn hóa dân tộc.

GS. TS Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận T.Ư nhận định, Hà Nội và người Hà Nội biểu hiện không chỉ giá trị truyền thống, ngàn năm văn hiến mà còn mang tầm vóc lịch sử của hiện đại.

Đó là Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, là “Thành phố xanh-sạch-đẹp” về môi trường, cảnh quan, là điểm đến bình yên, ổn định, phát triển đủ sức thu hút các bạn bè, đối tác đến tham quan, du lịch, đầu tư.

Nêu quan điểm tại hội nghị, TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, cần chuẩn hóa ban hành các bộ quy tắc ứng xử trong trường học; nâng cao chất lượng việc xây chuẩn mực văn hóa cho học sinh trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cũng khẳng định, để thực hiện mục tiêu và phương hướng phát triển con người Thủ đô: “Xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam”, một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và triển khai hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang không ngừng phát triển, nhiều giá trị đã và đang bị mai một.

Thực tế cuộc sống diễn ra phức tạp. Bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề văn hóa, gia đình trên địa bàn Thủ đô nảy sinh nhiều bất cập; khá rõ là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình; lối sống buông thả, vị kỷ, đề cao vật chất... Điều đó đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải nỗ lực nhằm đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ