• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hà Nội rung chuông đêm giao thừa là cách làm hay”

Văn hoá 04/01/2017 13:58

(Tổ Quốc) -Hà Nội đề nghị các nhà thờ, đình, chùa đồng loạt rung chuông vào thời khắc giao thừa đang gây ra những tranh luận trên mạng internet.

Việc làm hay

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động mới đây cho hay, giao thừa năm nay, Hà Nội dự kiến đề nghị các nhà thờ, đình, chùa đồng loạt rung chuông đánh thức người dân vào thời khắc giao thừa.

Thông tin này đã gây ra sự tranh luận trên các diễn đàn. Nhiều người cho rằng, không thể bắt các nhà thờ, chùa, đình, đền… cùng gióng lên tiếng chiêng, chuông, trống bởi đó là những lễ nghi tôn giáo, không phải là cho mục đích trình diễn phong trào của tất cả đối tượng dân chúng.

Cũng có ý kiến thì cho rằng, đây là việc đương nhiên vào thời khắc giao thừa, các nhà thờ, đình, chùa… đều gióng chuông, chiêng, trống. Nên Hà Nội không nhất thiết phải khuyến cáo các cơ sở gióng chuông đêm 30 Tết.

Trong khi với nhiều người hài hước lại cho hay, nên thành lập công ty buôn bán chuông để kinh doanh cho đêm giao thừa!

 Hà Nội đề nghị gióng chuông đêm giao thừa là đề xuất đang gây tranh luận. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã đem những thắc mắc này phỏng vấn chuyên gia để tìm hiểu rõ thêm phong tục này.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ, trước hết đêm giao thừa thì thời khắc này chuyển sang thời khắc kia đó là giờ thiêng, là thời điểm thiêng liêng và giờ Tý trong văn hóa phương Đông là giờ rất quan trọng.

“Bất kỳ một nghi lễ nào hay lễ hội nào đều coi đó là giờ thiêng vì đây là thời điểm đánh dấu thời khắc quan trọng của đêm giao thừa cần phải có tín hiệu”- ông Trần Hữu Sơn nói.

Trước ý tưởng của Hà Nội về việc đề nghị gióng chuông đêm giao thừa tại các đình chùa, nhà thờ… ông Trần Hữu Sơn cho hay, đây là việc làm hay, sáng tạo.

“Làm như thế người ta sẽ biết, à tới giờ thiêng rồi, bắt đầu một thời điểm mới cho mọi hoạt động trong năm. Theo tôi thấy đây là việc làm rất hay và nên làm như vậy”- ông Trần Hữu Sơn nói.

Cầu bình an

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, việc đánh chiêng, trống vào thời khắc giao thừa có những ý nghĩa nhất định. Theo ông Trần Hữu Sơn, tiếng chuông trống ở nhiều vùng nhất là vùng có cư dân nông nghiệp thì đây được coi như là biểu tượng của tiếng sấm và nó báo hiệu báo hiệu một năm mùa màng bội thu.

Thêm nữa, tiếng chiêng, trống còn có ý nghĩa xua đuổi những tà ma theo tín ngưỡng dân gian cũ.

“Giờ cả một TP làm thì tiếng chuông trở thành biểu tượng báo hiệu thời khắc giao thời đã đến. Do vậy nó hay và ý nghĩa ở đó, nhưng dù sao vẫn có những ẩn ý theo quan niệm người xưa. Tiếng chiêng, trống còn là để cầu bình an, ước nguyện của người dân vào thời điểm chuyển giao nữa” – ông Trần Hữu Sơn nói.

Về số lượng hồi, tiếng chuông, trống, theo ông Trần Hữu Sơn, cần có sự thống nhất và theo đúng truyền thống. Bởi hiện nay, nhiều nơi lúc thì chỉ gióng lên 3 hồi, 3 tiếng, lúc thì 3 hồi, 9 tiếng./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ