• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Trường học ứng dụng CNTT tạo nền tảng dạy học cho tương lai

Giáo dục 26/06/2022 15:51

(Tổ Quốc) - Nhìn theo chiều hướng tích cực, chính đại dịch Covid-19 là đòn bẩy và cơ hội để ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Thủ đô đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã vận dụng tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - không những tạo ra lợi thế thích nghi tốt trong giai đoạn mới mà còn góp phần tạo ra nền tảng dạy học cho tương lai, nơi mà mọi học viên và giáo viên có thể kết nối mọi lúc mọi nơi.

Chuyển đổi số giáo dục: Thay đổi để thích nghi

Trong 2 năm học vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó GDĐT là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Hà Nội cũng từng bước khắc phục những khó khăn, vượt qua dịch bệnh. Một trong những biện pháp mà ngành GDĐT Hà Nội đẩy mạnh triển khai chính là ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động quản lý đào tạo và dạy học của Thủ đô.

Nhìn theo chiều hướng tích cực, chính đại dịch Covid-19 là đòn bẩy và cơ hội để ngành GDĐT Thủ đô đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã vận dụng tốt việc ứng dụng CNTT - không những tạo ra lợi thế thích nghi tốt trong giai đoạn mới mà còn góp phần tạo ra nền tảng dạy học cho tương lai, nơi mà mọi học viên và giáo viên có thể kết nối mọi lúc mọi nơi.

Cũng trong khoảng thời gian này, một hệ thống dữ liệu toàn ngành GDĐT Thủ đô đã dần hình thành, chính kho học liệu điện tử này đã phát huy tác dụng trong năm học 2021-2022 tới thời điểm hiện tại,cả học sinh lẫn giáo viên đều có thể trải nghiệm những lợi ích lớn trong bối cảnh này. Học sinh không cần đầu tư vào sách giáo khoa và ứng dụng đắt tiền vì những tài nguyên học tập này có sẵn trên đám mây. Nhà cung cấp giảm chi phí quản lý bằng cách đơn giản hóa các quy trình theo dõi đăng ký và phân công. Điều này càng khiến đám mây trở thành giải pháp tối ưu chi phí hiệu quả.

Trong thực tế, việc chuyển đổi số trong giáo dục đã diễn ra từ hơn 10 năm nay, tuy nhiên chỉ tới thời gian 2 năm học này nó mới được đẩy mạnh và phát huy tác dụng trong tất cả các hoạt động quản lý GDĐT cũng như hoạt động giảng dạy.

Nói về quá trình này, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, hiện nay chỉ cần 3 bước là đã có 1 tổng đài chuyên nghiệp: Cài ứng dụng, đăng ký và sử dụng. Có thể nói, từ việc số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành và ứng dụng công nghệ hỗ trợ tuyển sinh.

Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, mô hình quản lý và vận hành ERP… Hay chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, đảm bảo an ninh trật tự trường học và cuối cùng, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

Tuy nhiên, để có thể xây dựng và triển khai một cách đúng đắn và phù hợp, sẵn sàng cho xu hướng giáo dục số tương lai, thì việc tái thiết như thế nào và làm sao cho đúng là bài toán mà các nhà quản lý cần tính đến. Từ đó góp phần thúc đẩy việc đổi mới trong phương thức đào tạo và quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành của hệ thống giáo dục trong kỷ nguyên số. Từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hà Nội: Trường học ứng dụng CNTT tạo nền tảng dạy học cho tương lai - Ảnh 1.

Dạy học trực tuyến là phương pháp hữu hiệu trong thời dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Trường học số là mô hình giáo dục của tương lai

Trên thế giới, nhiều phương thức dạy học tiên tiến đã được ứng dụng vào dạy và học, góp phần biến đổi trường học truyền thống thành trường học thông minh. Là một đơn vị tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Tập đoàn VNPT đã và đang đồng hành cùng ngành giáo dục từng bước xây dựng trường học thông minh, hướng đến môi trường giáo dục hiện đại trong tương lai.

Tại Việt Nam, mô hình trường học thông minh vẫn còn mới mẻ và chưa được triển khai một cách đồng bộ. Chuyển đổi từ trường học truyền thống sang trường học thông minh là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đầu tư, phát triển cả về vật chất lẫn con người.

Là tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm triển khai hệ sinh thái giáo dục số cho ngành giáo dục nhiều năm qua, VNPT đã xây dựng các giải pháp, ứng dụng CNTT đồng bộ, toàn diện nhằm kiến tạo trường học thông minh trong công tác quản trị số nhà trường, học tập số, kết nối số và an ninh, an toàn.

Mô hình trường học thông minh của VNPT được triển khai ở 2 mức độ: mức cơ bản và mức nâng cao. Đối với mức cơ bản, VNPT triển khai dịch vụ: vnEdu Portal, Thư điện tử, Phần mềm Quản lý Nhà trường vnEdu, Sổ liên lạc điện tử, App vnEdu Connect, Teacher; hướng tới 80% giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm, công cụ ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học, 20% số lớp học trang bị thiết bị trình chiếu, tối thiểu 15% số tiết học có ứng dụng CNTT; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cán bộ, giáo viên thường xuyên tham gia các khóa tập huấn chuyên môn qua mạng…

Mức nâng cao xác định bằng Mức cơ bản cộng thêm một số giải pháp hiện đại, có tính sáng tạo cao. VNPT bổ sung thêm 4 dịch vụ/tính năng về: Phần mềm tuyển sinh đầu cấp, Phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục, Phần mềm điểm danh thông minh, Giải pháp lớp học thông minh. Trong đó, thực hiện Hệ thống quản lý hành chính điện tử; Điểm danh thông minh; Hệ thống giám sát, an ninh; Quản lý Nhà trường có liên thông CSDL ngành; Hồ sơ điện tử; 100% nghiệp vụ quản lý HCSN theo hình thức dịch vụ công mức độ 3; Triển khai hiệu quả các hệ thống họp, hội nghị trực tuyến; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn kỹ năng CNTT mức cơ bản; Tối thiểu 50% giáo viên có năng lực thiết kế bài giảng e-Learning; Tối thiểu 15% số tiết học có ứng dụng; Áp dụng phương pháp học tập điện tử (e-Learning); Có thư viện số dùng chung trong toàn trường; Áp dụng giải pháp lớp học thông minh.

Với việc ứng dụng CNTT toàn diện trên mọi mặt hoạt động của nhà trường sẽ đem đến nhiều lợi ích thiết thực. Không chỉ đáp ứng được đa dạng yêu cầu nghiệp vụ điều hành và quản lý của nhà trường, hỗ trợ số hóa toàn bộ hồ sơ, sổ sách kèm chữ ký số; Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, tăng cường trải nghiệm học tập; Tăng cường kết nối giữa nhà trường và gia đình qua các công cụ số mà còn hiện đại hóa học đường khi áp dụng các công nghệ tiên tiến, tiệm cận môi trường giáo dục khu vực và quốc tế.

Hà Nội: Trường học ứng dụng CNTT tạo nền tảng dạy học cho tương lai - Ảnh 2.

Ứng dụng CNTT đưa các hoạt động giáo dục trở lại bình thường (ảnh minh họa)

Có thể thấy, các giải pháp về trường học thông minh của VNPT đề cao vai trò của người học, trở thành trung tâm trong các hoạt động của nhà trường - chủ động, tích cực chiếm lĩnh thông tin. Đồng thời, sẽ làm thay đổi diện mạo của trường học truyền thống, kiến tạo môi trường dạy và học hiện đại, dựa trên nền tảng số, đáp ứng những yêu cầu đào tạo công dân số.

Theo Giám đốc sản phẩm Trung tâm Giải pháp Giáo dục điện tử của VNPT Lê Chu Long, cần đồng bộ dữ liệu từ các phần mềm quản lý trường học trên địa bàn để hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về giáo dục trên toàn Thành phố, từ đó phục vụ việc tác nghiệp điều hành quản lý của các Sở GDĐT, Phòng GDĐT các quận, huyện… Bên cạnh việc hỗ trợ tra cứu đầy đủ dữ liệu liên quan đến ngành giáo dục, hệ thống cũng cung cấp công cụ điều hành, gửi thông báo, văn bản cho các đơn vị, cơ sở giáo dục. Hoạt động này hướng đến số hóa các cơ sở giáo dục và hạn chế giấy tờ hành chính, từng bước đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu số.

Chuyển đổi số hoạt động giám sát, chỉ đạo điều hành là một trong những bước đi đầu tiên của quá trình chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao chất lượng quản lý dạy và học, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành GDĐT.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ