• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai kỳ họp đột phá vị thế Trung Quốc

Thế giới 03/03/2017 20:41

(Tổ Quốc) - Trung Quốc bắt đầu bước vào hai kì họp quan trọng nhất trong năm với những tín hiệu đánh dấu đường hướng phát triển tương lai.

Đã trở thành tiêu điểm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos với lập trường bảo vệ mạnh mẽ toàn cầu hóa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý tại các sự kiện có ảnh hưởng toàn cầu: hai phiên họp lớn ở Bắc Kinh.

Kỳ họp thứ 5, Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC - Chính Hiệp) khóa 12 và kỳ họp thứ 5 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) Trung Quốc diễn ra lần lượt vào ngày 3/3 và 5/3.

Các đại biểu tham dự hai kỳ họp năm 2016 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2016. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo China Daily, các kỳ họp hàng năm của cơ quan lập pháp hàng đầu và cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu trên là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hai kỳ họp dự kiến sẽ tập hợp sự ủng hộ cho những cải cách tiếp theo của đất nước. Hàng ngàn đại biểu và các cố vấn chính trị sẽ nói chuyện về các vấn đề khác nhau bao gồm toàn cầu hóa kinh tế, quốc phòng và ngoại giao.

Định hình ngân sách quốc phòng

Câu trả lời cho mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia chính trị, quân sự khi những căng thẳng vẫn đang tiếp diễn trên Biển Đông và sự khó đoán định trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Trump đang tiếp diễn thì Bắc Kinh đang thúc đẩy vào các kế hoạch cải cách quân sự của mình, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ấn định ngân sách quốc phòng quân sự chỉ tăng ở mức 7,6% - mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua – lên 139 tỉ USD. Theo SCMP, năm nay, quân đội Trung Quốc cần chi phí để hiện đại hóa quân đội và nâng cấp vũ khí. Quân đội Trung Quốc cũng dự kiến sẽ kết thúc đợt cắt giảm quân số lớn nhất vào cuối năm nay khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn có một lực lượng quân sự tinh gọn hơn.

Ảnh hưởng của chính quyền Trump và Brexit đối với chính sách đối ngoại Trung Quốc

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của nước Mỹ dưới thời ông Trump và việc Anh sắp khởi động tiến trình Brexit đang mang lại nhiều điều khó đoán định hơn cho chính trường toàn cầu.

Bắc Kinh phải đối mặt với những vấn đề cấp bách của việc làm thế nào để định hình mối quan hệ với tân Tổng thống Mỹ khi ông Trump tuần trước đã nói rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Cùng với những dư âm của Brexit, sự suy giảm lòng tin vào toàn cầu hóa và vai trò của London như một trung tâm tài chính toàn cầu có thể cũng sẽ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc.

Tại hai phiên họp này, Trung Quốc dự kiến có thể sẽ đưa ra lập trường của mình về các vấn đề quốc tế có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và địa chính trị của nước này.

Câu hỏi về thế hệ lãnh đạo hàng đầu tiếp theo của Trung Quốc?

Các nhà quan sát chính trị đang tập trung vào các ngôi sao đang lên trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này.

Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ được bầu tại kỳ họp của NPC vào tháng 3/2018 sau khi Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc (CPC) Quốc hội bầu ra lãnh đạo Đảng mới vào cuối năm nay.

Đại hội sắp tới sẽ cho thấy một cuộc cải tổ lãnh đạo lớn khi một số quan chức cao cấp sẽ nghỉ hưu và sẽ có các gương mặt mới tiến vào Bộ Chính trị hay thậm chí cả Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định hàng đầu của đất nước.

Theo SCMP, chưa ai biết rõ về những nhân sự này, tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng tại năm thành phố và các tỉnh quan trọng - Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và Quảng Đông - đang nhận được nhiều sự chú ý nhất.

Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, theo thống kê chính thức được công bố vào tháng 1/2017. Trong khi tăng trưởng GDP tốt hơn so với mục tiêu "ít nhất là 6,5%"  - đây là đà tăng trưởng chậm nhất của nước này trong 26 năm qua.

Sự tăng trưởng suy giảm từng năm qua không tạo được niềm tin đối với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong khi Trung Quốc tiếp tục vật lộn với những điều kiện khó khăn trong nước và sự gia tăng bất ổn trên thế giới.

Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiết lộ dự báo tăng trưởng GDP năm nay trong báo cáo của ông tại hai phiên họp. Các quan chức nhà nước sẽ tranh luận về các chính sách kinh tế bao gồm cả tiền tệ của Trung Quốc và thị trường bất động sản, và sẽ có câu hỏi từ các phương tiện truyền thông. Các lãnh đạo tỉnh cũng có thể cho thấy cách các tỉnh của họ đang thực hiện trên mặt trận kinh tế.

Tìm kiếm sự đồng thuận

"Thông qua các cuộc họp, sự đồng thuận lớn hơn sẽ được tập hợp để xây dựng một xã hội thịnh vượng và những lập trường của ông Tập về quản lý nhà nước sẽ rõ ràng hơn," Xin Ming, một giáo sư tại Trường Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đảng cho biết.

Trong bốn năm qua, lập trường quản lý nhà nước của Chủ tịch Tập đã góp phần định hướng sự phát triển của Trung Quốc.

Và đối với các nhà quan sát, các bài phát biểu ông Tập Cận Bình và các sáng kiến về chính sách ở hai phiên họp sẽ gửi đi tín hiệu quan trọng về cách Trung Quốc hướng tới điều ông Tập gọi là "giấc mơ lớn hồi sinh dân tộc Trung Hoa", theo Straits Times.

Những lập trường của Chủ tịch Tập về quản trị, từ cải cách kinh tế và xã hội đến quan hệ đối ngoại và cải tổ quân sự đã ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của Trung Quốc.

China Daily cho biết toàn Đảng, toàn dân sẽ đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ủy ban Trung ương CPC với Chủ tịch Tập là nòng cốt. "Đó là một điều cần thiết," Zhang Zhao an, Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải nói. "Trong khi chúng ta (Trung Quốc) đang đối mặt với một tình huống phức tạp cả trong và ngoài nước, chúng ta không thể mất phương hướng." 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ