• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai nhiệm vụ quan trọng của Thượng đỉnh ASEAN 22

Thế giới 25/04/2013 00:57

(Toquoc)- Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tạo đột phá tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc là hai nhiệm vụ lớn của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này.

(Toquoc)- Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tạo đột phá tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc là hai nhiệm vụ lớn của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này.

Lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 24/4 đã tụ họp ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei để khai mạc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 của hiệp hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Với chủ đề “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta”, hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo việc đẩy mạnh hợp tác, xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết nội khối, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, dư luận hy vọng, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế giúp tăng cường hội nhập khu vực, nhất là việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN.

Lãnh đạo Hiệp hội đã đề ra mục tiêu tới cuối năm 2015 sẽ xây dựng hoàn chỉnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN với triển vọng tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung cho khu vực, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và nhân công tay nghề cao được lưu thông và trao đổi tự do.

Sanchita Basu Das, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, một đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định: “Chúng ta sẽ không có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) theo tiêu chuẩn vàng, song chúng ta sẽ có các FTA mang đặc trưng ASEAN, linh hoạt và phù hợp với các quốc gia trong khu vực. Về thời hạn chót mà họ đã đề ra, tôi cho rằng ASEAN sẽ đạt được cơ chế khung, song sẽ điều chỉnh phù hợp với từng quốc gia cụ thể. Bởi vậy, có thể coi là mục tiêu sẽ được hoàn thành (đúng thời hạn)”.

Kế hoạch hội nhập đầy tham vọng của ASEAN cũng được coi là một động lực tích cực. Triệu Hồng, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Khối kinh tế này không áp đặt các quốc gia thành viên. Nó linh hoạt và phát triển mà không can thiệp công việc nội bộ. Đó là một cách tiếp cận khác biệt. Mặc dù chặng đường để đạt tới mức độ cao nhất của một cộng đồng kinh tế vẫn còn xa, song đó là nền tảng để chúng ta có một mục tiêu rõ ràng”.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, các bộ trưởng ASEAN đã tham dự hàng loạt cuộc thảo luận liên quan tới hội nhập kinh tế, liên kết và an ninh. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo đã nhận thức được rằng để đạt được mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, họ cần phải tạo ra các bước đột phá. Sanchita cho rằng các thỏa thuận quan trọng đã được triển khai để chuẩn bị cho AEC, như các gói thương mại hàng hóa dịch vụ, thỏa thuận đầu tư toàn diện và kế hoạch quy mô lớn nhằm củng cố mối liên kết giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, bà cho rằng, mặc dù các nước ASEAN có thể sẽ công bố thành lập AEC vào năm 2015, song sẽ cần thêm thời gian để các thỏa thuận được triển khai hoàn toàn trên thực tế.

Yang Razali Kassim, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang cũng cho rằng trách nhiệm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 thực sự là một thách thức đối mới một số thành viên. Ông nói: “Trách nhiệm chính là ở chỗ họ không thể nói suông mà còn phải hành động. Họ phải thông qua luật pháp và phải lên kế hoạch ngân sách để chuẩn bị cho nhiều chương trình của ASEAN 2015. Và họ phải thực hiện. Không phải tất cả các quốc gia ASEAN đều đủ quyết tâm hoàn thành kế hoạch vào năm 2015”.

Trong khi đó, Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, lại bày tỏ sự tự tin về mục tiêu mà ASEAN đang hướng tới. Ông nói: “ASEAN không bao giờ ‘cắm đầu cắm cổ’ tiến về phía trước. Họ tiến hai bước, lùi một bước và bước sang bên một bước. Và cuối cùng họ đến được đích”.

Biển Đông sẽ “nóng” trong và ngoài hội nghị

Bên cạnh việc thúc đẩy tiến tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một nội dung nổi lên thu hút dư luận là việc tạo dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ ASEAN nhằm tạo đột phá, tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc.

Hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phát biểu nhấn mạnh rằng, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á phải thành lập một mặt trận thống nhất về vấn đề biển Đông, trước những yêu sách ngày càng ngang ngược và quyết liệt của Trung Quốc . Brunei - nước đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2013 - cũng tuyên bố rằng, một trong những ưu tiên của nước này là đạt được sự chấp thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông, sau hơn một thập niên được đề xuất.

Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Raul Hernandez nói với các nhà báo là tại thượng đỉnh tháng Tư Brunei, Tổng thống Benigno Aquino sẽ thúc đẩy để sớm ký được bộ luật. Đầu tháng Tư vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa bất ngờ thông báo, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để đẩy mạnh tiến độ về COC nói trên...

Năm ngoái, nhiều nước trong khối ASEAN- đặc biệt là Việt Nam và Philippines- đã lên tiếng kêu gọi các nước trong ASEAN đoàn kết, có lập trường chung để phản đối sự lấn lướt của Trung Quốc. Năm ngoái, tranh luận về cách thức đối phó với Trung Quốc ở biển Đông đã đè nặng bầu không khí các cuộc họp của các chuyên viên cao cấp ASEAN. Căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm trong hội nghị ngoại trưởng của ASEAN tại Phnom Penh tháng 7/2012; đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, các ngoại trưởng ASEAN không ra được thông cáo chung.

Trước thềm hội nghị này, nhìn vào quyết tâm của các nước thành viên ASEAN, dư luận hy vọng rằng Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei sẽ tạo bước đột phá để sớm đưa Trung Quốc ngồi vào đàm phán về COC. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là vấn đề hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia, lập trường của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng “nói chuyện” với ASEAN về Biển Đông. Và như vậy, nếu Trung Quốc không muốn tiến về phía trước, thì sẽ khó có được tiến triển liên quan đến COC.

M.Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ