(Tổ Quốc) - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp Cách mạng công nghiệp 4.0".
Buổi hội thảo thu hút đông diễn giả, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, sinh viên, phụ huynh học sinh, học sinh, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp tới tham dự và đóng góp ý kiến xoay quanh chủ đề: Ý nghĩa và vai trò của giáo dục khai phóng, làm thế nào để áp dụng GDKP một cách có hiệu quả vào Việt Nam?
Sáu tham luận do các diễn giả đến từ các quốc gia Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Việt Nam trình bày tại Hội thảo xoay quanh các vấn đề như: Xu hướng và vấn đề quốc tế về GDKP và đề xuất giải pháp; GDKP và xu hướng giáo dục đại học khác tại châu Âu; GDKP - Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nền công nghiệp 4.0; Kinh nghiệm của Nhật Bản về GDKP và áp dụng tại Việt Nam; Hướng đề xuất cho việc áp dụng GDKP cho nền giáo dục đại học tại Việt Nam; GDKP tại Trường ĐH Việt Nhật.
Hiện nay, nền giáo dục tại Việt Nam đang thay đổi rất nhanh, trong bối cảnh đó, nền GDKP sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật cho rằng trong thời đại CMCN 4.0, trí thông minh nhân tạo sẽ làm mất đi gần một nửa công việc hiện tại nên cần phải có một nền giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn rộng, khả năng sáng tạo phong phú, nền tảng kiến thức liên ngành vững chắc để đáp ứng yêu cầu mới của thời đại.
Chia sẻ về giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nền CN 4, GS. David Camacho, Trường ĐH Autonomous University of Madrid (Tây Ban Nha) cho biết, hiện nay tại Tây Ban Nha, do sự bùng nổ của CMCN 4.0 nên tỉ lệ thất nghiệp ở một số ngành tăng cao. Đồng thời, qua quá trình phát triển của cuộc CMCN 4.0 đã xuất hiện một số ngành nghề có khả năng có việc làm cao hơn như ngành công nghệ (92.5%); du lịch (80%); khối ngành sức khỏe (75%); năng lượng (60%); công nghiệp và sản xuất (40%). Tuy nhiên, ở những ngành nghề cần nhiều việc làm thì yêu cầu về chất lượng của nguồn nhân lực đó sẽ cao hơn trước đây rất nhiều. Đó là khả năng sáng tạo, tư duy tích hợp và kiến thức liên ngành…
Do đó, GS. David Camacho cho rằng, chỉ có GDKP mới có thể kịp thời đáp ứng những yêu cầu mới về chất lượng của nguồn nhân lực cho CMCN 4.0 bởi vì GDKP sẽ đào tạo theo hướng liên quan đến sự kết hợp giữa kiến thức liên ngành và tạo kiến thức kỹ năng nền tảng cho người học hướng đến nghề nghiệp phát triển trong tương lai thông qua chương trình đào tạo tích hợp liên ngành.
Ví dụ như chương trình cử nhân, thạc sĩ công nghệ số và thiết kế videos game cần sự kết hợp của nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau như: Kỹ thuật công nghệ phần mềm, kỹ năng kể chuyện (tạo câu chuyện cho game) và sự kết hợp âm nhạc phù hợp trong công đoạn thiết kế games.
Đánh giá về vai trò của GDKP trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, GS.TS Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, những nền tảng tri thức mà triết lý GDKP sẽ sản sinh ra những người công dân toàn diện với nền tảng kiến thức sâu rộng giúp họ thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội, trở thành những công dân toàn cầu nhận thức sâu sắc được vị trí của mình trong xã hội.
Đặc biệt, hiện nay, GDKP được cho là một trong những cách tiếp cận của nền giáo dục hiện đại và hiệu quả nhất trên thế giới. GDKP với kỹ năng trang bị giúp cho người học có cái nhìn toàn diện về vấn đề và có hướng giải pháp toàn diện thông qua sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Lộc, cần tổ chức các hội thảo nhiều hơn để trao đổi và cung cấp thông tin về nội dung, vai trò và hình thức của GDKP; tăng cường triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên; tăng cường và nâng cấp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên lên một tầm cao hơn…
Trước đây, tại Việt Nam, mới chỉ có một trường ĐH là Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục này. Gần đây, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu áp dụng triển khai mô hình này trong giáo dục đào tạo.
C.P