• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàn Quốc- Bài học từ một nước nghèo

Kinh tế 28/01/2009 20:15

(Toquoc)-Kinh tế Hàn Quốc hiện xếp thứ ba châu Á và thứ 11 thế giới tính theo giá trị GDP.

(Toquoc)-Kinh tế Hàn Quốc hiện xếp thứ ba châu Á và thứ 11 thế giới tính theo giá trị GDP. Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất đã trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới với tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế thế giới. Chỉ trong vòng 40 năm, GDP bình quân đầu người Hàn Quốc từ mức chỉ có 100 USD trong năm 1963 đã lên tới mức kỷ lục 10.000USD năm 1995 và 25.000USD năm 2008.

Hiện tượng này được biết đến như là “một sự thần kỳ” bên sông Hàn và tiếp diễn cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là một nước tiên tiến phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 5%. Nhiều nhà kinh tế dự đoán, Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới vào năm 2050 với bình quân GDP đầu người khoảng 81.000USD.
Nhìn theo góc độ lịch sử, từ sau thời kỳ Nhật Bản thống trị và chiến tranh Triều Tiên, chính quyền Syngman Rhee của Hàn Quốc mới được thành lập đã sử dụng viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ suốt trong những năm 1950 để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá và hệ thống thông tin hiện đại khắp toàn quốc cùng với một mạng lưới các trường tiểu học và trung học. Kết quả là vào năm 1961, Hàn Quốc có được một lực lượng lao động được đào tạo bài bản cộng với cơ sở hạ tầng hiện đại tạo nền móng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
 
Ý nghĩa to lớn nhất trong công cuộc công nghiệp hoá nhanh chóng chính là dựa vào việc vận dụng chiến lược hướng ra bên ngoài từ những năm 1960. Chiến lược này đặc biệt thích hợp vào thời điểm đó vì Hàn Quốc là nước nghèo tài nguyên, tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất và thị trường nội địa nhỏ bé. Chiến lươc đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu những mặt hàng thu hút nhiều lao động mà Hàn Quốc có lợi thế so sánh lúc đó. Các sáng kiến của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Tư bản nước ngoài muốn du nhập vào đã khích lệ rất lớn để bổ sung cho việc tiết kiệm thấp ở trong nước. Những nỗ lực đó khiến cho Hàn Quốc đạt được tăng trưởng nhanh về xuất khẩu và do đó tăng thu nhập.
Bằng cách đẩy mạnh công nghiệp, chiến lược phát triển hướng vào xuất khẩu của nước này đã làm cho khu vực nông thôn phát triển hơn một cách tương đối. Sự cách biệt về thu nhập ngày càng tăng giữa khu vực công nghiệp với nông nghiệp trở thành vấn đề nghiêm trọng vào những năm 1970 mặc dù Chính phủ đã cố gắng nâng mức thu nhập của nông dân và cải thiện mức sống ở nông thôn.
Trong những năm 1970 và 1980, kinh tế Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, tập đoàn POSCO, chuyên sản xuất sắt thép đã trở thành xương sống của nền kinh tế. Ngày nay, POSCO là một trong ba nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Hàn Quốc cũng là nước đứng đầu thế giới về đóng tàu với các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries nắm trọn thị trường đóng tàu toàn cầu.
Ngành công nghiệp chế tạo ô tô cũng phát triển rất nhanh và có khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu xe hơi hàng đầu thế giới, với sự dẫn đầu của tập đoàn Hyundai Kia Automotive Group, tạo cho Hàn Quốc trở thành quốc gia xếp thứ 5 thế giới về chế tạo xe hơi.
Sang đến những năm 1990, các chaebol (tổ hợp) phát triển mạnh như Samsung, Hyundai và LG bắt đầu toàn cầu hoá. Trong thời gian này, những đầu tư ban đầu của Chính phủ dành cho các ngành điện tử và bán dẫn, chuẩn bị cho một kỷ nguyên số hoá sắp tới đặt nền móng cho ngành công nghệ thông tin của Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào cuối những năm 1980 lại được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào việc đăng cai Thế vận hội Mùa hè ở Seoul năm 1988 cũng như đồng đăng cai Cúp bóng đá thế giới FIFA 2002. Qua đó, thế giới biết đến Hàn Quốc như là một quốc gia có cả hàng hoá và dịch vụ tốt.
Bước sang thế kỷ 21, Hàn Quốc đề ra Dự án công nghệ thông tin quốc gia nhằm chiếm vị trí dẫn đầu về ngành này trong 5 năm. Chính phủ sử dụng các quỹ công để tích cực hỗ trợ công nghiệp IT do các tổ hợp Samsung Electronics và LG Electronics đứng đầu.
Ngày nay, cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bị Hàn Quốc vượt lên trước trong việc sản xuất linh kiện bán dẫn (chẳng hạn các thanh RAM và thẻ nhớ FLASH) cũng như màn hình số (màn hình tinh thể lỏng LCD& Plasma) và đồ điện tử gia dụng khác như tivi, điện thoại di động và máy nghe nhạc. Công nghệ viễn thông đã đưa Hàn Quốc thành quốc gia nối mạng có dây và không dây lớn nhất, chiếm vị trí thứ hai về người sử dụng băng thông rộng khắp toàn cầu. Việc kết nối Internet tốc độ cao 100Mbps khắp toàn quốc cộng với phát sóng tivi với độ phân giải cao, DMB, WiBro và công nghệ 4G xuất hiện từ năm 2000, là một vài trong số các kế hoạch đầy tham vọng của quốc gia này phấn đấu trở thành nơi có ngành công nghiệp IT rộng khắp toàn cầu.
Đi đôi với sự phát triển IT, chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư vào ngành công nghệ người máy với mục tiêu trở thành quốc gia số 1 về chế tạo rôbốt vào năm 2025. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có các kế hoạch mở rộng hoặc thành lập các ngành khác trong nền kinh tế, kể cả các ngành tài chính, công nghệ sinh học, không gian và giải trí.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã chuyển từ mô hình đầu tư tập trung hoá do Chính phủ điều hành sang mô hình hướng nhiều theo thị trường. Nước này đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999 và tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng để phục hồi sự ổn định thị trường. Kết quả là Hàn Quốc duy trì được vij thế là một trong một vài nước châu Á có nền kinh tế phát triển với tốc độ 10% năm 1999 và 9% năm 2000.
Việc tái cơ cấu các tổ hợp, tư nhân hoá các ngân hàng đã tạo cho nền kinh tế Hàn Quốc được tự do vận hành hơn với cơ chế thị trường. Tuy năm 2004 kinh tế có suy giảm chút ít, nhưng sang năm 2006 phục hồi lại mức 5% tăng trưởng khiến cho Hàn Quốc vẫn giữ được vị trí hàng đầu tại châu Á.
Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra cũng có những ảnh hưởng nhất định tới Hàn Quốc, nhưng Chính phủ nước này tin tưởng sẽ nhanh chóng vượt qua suy giảm, duy trì sự phát triển bền vững./

NỔI BẬT TRANG CHỦ