• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

HÀN QUỐC: Sức mạnh của kpop để quảng bá hình ảnh quốc gia

Văn hoá 09/08/2019 10:33

(Tổ Quốc) - Làn sóng âm nhạc Hàn Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ và gây hiệu ứng rộng rãi đặc biệt với giới trẻ trên thế giới. Một người nước ngoài từ chỗ chưa hề có khái niệm gì về đất nước Hàn Quốc, chưa từng đặt chân đến bất cứ địa phương nào của Hàn Quốc vẫn có thể nhận ra những đặc điểm văn hóa, ẩm thực, con người của "xứ sở Kim Chi" qua âm nhạc.

Để hiểu rõ về cách Hàn Quốc quảng bá hình ảnh quốc gia rất thành công qua âm nhạc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Park Hye Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

191

Ảnh minh họa. Nguồn: Korea.net

+  Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, bà cảm thấy thế nào khi văn hóa Hàn Quốc đang được phổ biến cực kỳ rộng rãi tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác qua âm nhạc?

-  Có thể nói, trong số các nội dung của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, Kpop là phần được biết đến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của các người hâm mộ dành cho nhóm nhạc BTS trong thời gian vừa qua, Kpop càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Kpop là loại hình âm nhạc đại chúng, được thể hiện bởi các nghệ sĩ có ngoại hình đẹp, khả năng ca hát tốt và trình diễn vũ đạo bắt mắt; đồng thời cảnh quay đẹp và tài tình trong các video âm nhạc cũng góp phần làm nổi bật được những đặc điểm đó. Và có lẽ sự kết hợp của cả hai yếu tố trên đã khiến cho Kpop được nhớ đến với hình ảnh của một thể loại nhạc xuất sắc và chinh phục được các người hâm mộ toàn cầu. Tôi cảm thấy rất biết ơn khi các nghệ sĩ Kpop như BTS hay Black Pink, v.v nhận được rất nhiều tình cảm mến mộ tại Việt Nam.

221

Ảnh minh họa. Nguồn: Korea.net

+  Bà có thể cho biết việc đầu tư về đào tạo đối với nền Âm nhạc truyền thống và nền âm nhạc Kpop của Hàn Quốc?

-  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (Bộ VHTTDL HQ) luôn hỗ trợ cho công việc sáng tác nội dung văn hóa nghệ thuật bước đầu của các nghệ sĩ, bên cạnh đó còn hỗ trợ quá trình phát triển theo từng giai đoạn: phát hiện tài năng mới, đào tạo, biểu diễn, hoạt động trong và ngoài nước.

Có một khái niệm gọi là "Âm nhạc độc lập" -  là nhạc được sản xuất độc lập ngoài những hãng đĩa chính thống hay công ty con của họ. Bộ VHTTDL HQ cũng chọn ra các tài năng xuất sắc và hỗ trợ những nghệ sĩ theo hướng "âm nhạc độc lập" này xuyên suốt quá trình phát triển của họ.

Hệ thống giáo dục và đào tạo của nền âm nhạc Kpop chủ yếu là các công ty tư nhân quản lý những nhóm nhạc thần tượng. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang cố gắng để có thể đưa Kpop - hạt nhân của làn sóng Hallyu Hàn Quốc quảng bá nhiều hơn nữa ra nước ngoài.

Một trong những hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc dành cho nền âm nhạc Kpop có thể kể đến như: Bộ VHTTDL HQ đang đẩy mạnh triển khai dự án Kpop Academy tại 25 Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới. Đây là dự án được thực hiện nhằm mang đến cơ hội học hát và nhảy phụ họa các bài hát Kpop mới nhất cho các fan tại các nước, giảng viên là các chuyên gia về Kpop được cử từ Hàn Quốc sang. Năm nay là năm thứ 4 dự án được triển khai và đã trở thành một trong những dự án giáo dục nổi bật thu hút của các Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.

211

Ảnh minh họa. Nguồn: Korea.net

+ Hàn Quốc đã bắt đầu xây dựng chiến lược dài hơi cho ngành âm nhạc từ thời điểm nào và nội dung chủ đạo là gì, thưa bà?

-  Các dự án liên quan đến làn sóng Hàn Quốc Hallyu từ trước đến nay được hỗ trợ dựa trên "Luật cơ bản về xúc tiến công nghiệp văn hóa" được quy định vào tháng 2 năm 1992. Luật đã coi công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp chiến lược chủ yếu của Hàn Quốc, chỉ ra rằng "Hỗ trợ và xúc tiến phát triển ngành công nghiệp văn hóa để xây dựng nền tảng phát triển ngành này, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh của ngành để hướng tới mục tiêu đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc dân và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân".

Tháng 4 năm 2006, sự ra đời của "Luật liên quan đến Xúc tiến ngành công nghiệp âm nhạc" đã định ra những điều cần thiết cho sự phát triển công nghiệp âm nhạc, một chế độ mới đã ra đời vì sự phát triển của ngành này.

+ Bà có thể cho biết điều gì được đánh giá là điều kiện xúc tác cho giai đoạn bước ngoặt ngành âm nhạc Hàn Quốc cho đến hiện nay?

- Một trong những xúc tác lớn cho sự phát triển của công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có lẽ là vào năm 1987, khi Hàn Quốc gia nhập Công ước toàn cầu về bản quyền (UCC) và Hiệp hội bản quyền Hàn Quốc (KOMCA) được cải tổ lại; từ đó chế độ bản quyền được xác lập (như là hệ thống quản lí và phân bổ chi phí bản quyền, v.v). Như vậy, nền tảng mang tính chất công nghiệp được hình thành và nhận thức con người thay đổi song song với việc ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng bắt đầu cho thấy tầm quan trọng và bắt đầu sản sinh lợi nhuận, đây chính là lí do dẫn đến sự phát triển rực rỡ của nền công nghiệp âm nhạc đại chúng Hàn Quốc.

Tôi cho rằng để có được điều đó là nhờ có sự nỗ lực của các hiệp hội, tổ chức tư nhân như Hiệp hội bản quyền tác giả Hàn Quốc v.v và có sự hỗ trợ cải thiện chế độ của Chính phủ, từ đó ngành công nghiệp âm nhạc mới có được cơ hội phát triển. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, chính sách mở cửa, sự phát triển của truyền thông cũng là các lý do lớn dẫn đến sự phát triển của công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.

25

Ảnh minh họa. Nguồn: Korea.net

Trong sự phát triển của làn sóng âm nhạc Hallyu, Kpop - thành quả của hệ thống quản lý các nhóm nhạc thần tượng - đã và đang đóng vai trò lớn nhất. Cuối những năm 1990, Hallyu chính thức được chú ý như một hiện tượng văn hóa toàn cầu, được biết đến trên thị trường âm nhạc quốc tế; các nhóm như H.O.T, NRG là thế hệ thần tượng đầu tiên. Sau đó, các nhóm nhạc được đào tạo và hoạt động dưới hệ thống quản lý toàn diện cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ bước tìm kiếm, giáo dục, đào tạo, tổ chức nhóm, sản xuất âm nhạc và cả giai đoạn hoạt động sau khi ra mắt như Super Junior, SNSD, Big Bang, v.v đã đi đầu làn sóng Hallyu cho đến ngày nay. Không chỉ vậy, các nhóm nhạc này còn chiếm vị trí rất lớn  trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc hơn 10 năm nay, giữ chắc vị trí của mình như dòng chảy chính (mainstream) trong âm nhạc.

Trong thời gian gần đây, cùng với các nhóm nhạc thần tượng, các nghệ sĩ xuất thân từ "âm nhạc độc lập" đang thành công trong việc tạo ra các sản phẩm âm nhạc khác biệt, tiếp xúc nhiều hơn với người hâm mộ, góp phần đưa sự đa dạng nhiều thể loại của âm nhạc Hàn Quốc ra thế giới.

+ Với vai trò là một người dân Hàn Quốc cũng là một người làm văn hóa, bà có chia sẻ gì với Việt Nam trong việc đưa âm nhạc quảng bá hình ảnh quốc gia?

- Tôi nghĩ Kpop chính là một ví dụ điển hình có thể giải thích cho khả năng biến đổi văn hóa mới: Kpop đã trải qua quá trình văn hóa Glocal (từ ghép của quốc tế 'global' và địa phương 'local', nghĩa là "thế giới hóa nhưng vẫn giữ lại bản sắc của địa phương", đây cũng chính là tính chất hai mặt của Kpop: vừa là âm nhạc đại chúng toàn cầu, vừa là âm nhạc của riêng Hàn Quốc, từ chỗ chỉ theo một hướng văn hóa toàn cầu là tập trung vào việc du nhập văn hóa từ phương Tây sang phương Đông, cho đến khi Kpop đã cùng lúc mở rộng ra nhiều phương hướng. Tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển của Vpop - nền âm nhạc đang phát triển rất nhanh. Gần đây, cùng với việc các ca sĩ Vpop Việt Nam và các ca sĩ Kpop Hàn Quốc hợp tác ngày càng nhiều, Vpop cũng đã bắt đầu được quan tâm chú ý tại Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng sự giao lưu giữa Kpop và Vpop sẽ tạo ra hiệu quả to lớn, đồng thời tác động tích cực đến cả hai phía. Tôi hi vọng rằng Vpop sẽ trở thành chìa khóa phát triển của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong tương lai.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!


Hiền Lê (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ