(Tổ Quốc) - Những ngày này khi lần lượt các thí sinh gian lận điểm của kỳ thi THPTQG bị các trường đại học, các bộ, ngành liên quan xử lý, buộc thôi học, trả về địa phương, có lẽ cũng đã nằm trong sự 'tính toán' nào đó của các cơ quan quản lý về những hiệu ứng có thể xảy ra khi công khai danh tính thí sinh được nâng điểm thi trong kỳ thi THPTQG 2017, 2018.
- 19.04.2019 Gian lận thi cử Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang: Tỉnh nào nâng điểm bạo tay nhất?
- 19.04.2019 Nói thẳng: Con các vị được nâng điểm chưa đến tuổi được gặp những người lãnh đạo "sửa điểm"
- 19.04.2019 "Thí sinh gian lận con đồng chí nào?": Cần nhanh chóng chứng minh có hay không hành vi đưa - nhận hối lộ
- 18.04.2019 ĐBQH lên tiếng: "Danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy con em nông dân nào mà toàn những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng..."
- 18.04.2019 "Thí sinh gian lận con đồng chí nào?": "Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu!"
Tuy nhiên, chính sự chần chừ để lường trước những hiệu ứng xã hội từ việc này mà năm lần bảy lượt việc công bố danh tính thí sinh được nâng lên, hạ xuống. Và tới giờ, một danh sách các phụ huynh có con nằm trong danh sách được nâng điểm "trong sáng" ở Sơn La cũng đang nằm trong vòng cân nhắc công khai danh tính.
"Thí sinh gian lận con đồng chí nào?": Cần nhanh chóng chứng minh có hay không hành vi đưa - nhận hối lộ (ảnh: baomoi-Tuổi trẻ)
Quy chế, văn bản pháp lý viện dẫn lộ ra một lỗ hổng nhỏ trong việc xử lý thí sinh gian lận điểm
Tìm hiểu các văn bản được sử dụng để làm kim chỉ nam cho các kỳ thi THPT quốc gia, tính từ năm 2017, năm có một thí sinh dự thi THPT quốc gia tỉnh Hòa Bình nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm thi để đỗ vào đại học được Bộ GDĐT công bố, cho thấy, tới thời điểm này các văn bản cũng đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn tổ chức Kỳ thi vẫn còn một lỗ hổng nhỏ, thể hiện ở 2 văn bản về Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018.
Trong năm 2017, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Quy chế thi THPT quốc gia gồm 11 Chương 54 Điều, trong đó, Điều 49. Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi có "Khoản 6. Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: a) Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; c) Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; d) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; đ) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp; e) Có bằng chứng về vi phạm quy chế thi mà không thực hiện đúng quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 47 Quy chế này.
Giám đốc sở GDĐT ra quyết định tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền dự thi trong hai năm tiếp theo."
Thì tới năm 2018, ngày 28/02/2018, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Đáng chú ý trong thông tư bổ sung có nội dung "Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hanh kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:
… 5. Khoản 6 Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"6. Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: a) Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; c) Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; d) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; đ) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp."
Có thể hiểu là việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi đã được làm nhẹ, và có thể vì vậy mà việc xử lý các thí sinh gian lận từ năm 2017, 2018 vẫn quay lòng vòng. Khi không có điều khoản nào đủ mạnh để xử lý thực tế sai phạm này.
Cho tới năm 2019, trong Thông tư mới nhất, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành trước đó không nhắc tới điều khoản này. Chắc tới đây, Bộ sẽ phải có văn bản để bít lỗ hổng "nhỏ" này, chứ không lại viện dẫn chính văn bản chưa đủ mạnh kia để cho các thí sinh gian lận tiếp tục được thi ngay trong kỳ thi kế tiếp.
Tới giờ, kết quả là trách nhiệm công khai danh tính được 'đẩy' cho cơ quan công an, cơ quan chức năng. Còn việc xử lý thí sinh được nâng điểm để đỗ vào trường thì mỗi trường một cách. Trường thì buộc thôi học các thí sinh gian lận điểm không đủ điểm chuẩn vào trường, các thí sinh gian lận điểm nhưng vẫn đạt điểm chuẩn thì trường tiếp tục cho học.
Về phía các trường, có lẽ việc xử lý như vậy là hợp tình, hợp lý bởi có thể, các em cũng chỉ là "nạn nhân" của chính các gian lận do bố mẹ mình làm. Nhưng về thực tế mà nói, gian lận thì đời nào cũng là gian lận, "nửa cái bánh mì là bánh mì" nhưng nửa lời nói dối chính là sự dối trá. Các thí sinh đã được nâng điểm này chính là những thí sinh gian lận, trường cần phải có sự theo dõi chặt chẽ, lưu lại trong hồ sơ ghi lại điểm số đầu vào sau khi chấm lại các bài thi.
Ở đây cũng có một câu hỏi lớn là sự công bằng và chút lương tâm dành cho hơn 200 cơ hội, ước mơ vào đại học bị đánh cắp để ở đâu? Lẽ nào những giọt nước mắt vì bị trượt đại học của những thí sinh trung thực, học hành chăm chỉ không được 'đếm xỉa' tới khi các thí sinh gian lận vẫn được ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Thủ khoa "kép" 2018 của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nằm trong danh sách thí sinh gian lận điểm thi
Tham nhũng từ đây chứ từ đâu
Nhìn vào thực tế xử lý vụ việc gian lận điểm thi thấy có quá nhiều bất cập. Cơ quan quản lý loay hoay mãi mới xác định xong các bài thi được sửa điểm. Cơ quan chức năng loay hoay để xử lý. Gần 1 năm trời các cơ quan chức năng liên quan "khẩn trương" vào cuộc để xử lý, tới giờ vẫn chưa kết thúc.
Có thể việc không công khai danh tính thí sinh giờ tạm thời được đặt xuống vị trí thứ 2 khi danh sách cha mẹ học sinh có con được nâng điểm được phanh phui. Trong danh sách này có nhiều người là quan chức, lãnh đạo địa phương, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp… Họ là những người có quyền và có tiền.
Vậy, quyền và tiền để làm gì? Có phải họ đang dùng những "lợi thế" có được từ cuộc sống để "chạy điểm" cho con mình? Động cơ, mục đích của những phụ huynh này là gì?
Sự trung thực và việc chịu trách nhiệm trước người dân, trước xã hội về những việc mình làm như trong lời tuyên thệ trước Đảng, khi được bổ nhiệm vào các chức vụ… của những lãnh đạo này ở đâu? Khi họ nói "Tôi không rõ vì sao con tôi được nâng điểm", "Tôi không biết", "Tôi cảm thấy buồn", "Tôi bị mất hết danh dự"… thì quả thực họ vẫn đang trốn tránh trách nhiệm của mình.
Khoan hẵng bàn tới việc xử lý những người này bởi hậu quả nhãn tiền là con cái họ, những người đang đứng trên những giọt mồ hôi, nước mắt của hàng triệu người dân Việt Nam, đã phải chịu một vết nhơ từ chính việc làm của bố mẹ mình. Và cha mẹ không trung thực thì con cái chắc gì tránh được 'lối mòn' đó…
Công khai hay không công khai danh tính họ cũng không sao. Nhưng, các cơ quan chức năng, công an điều tra phải làm rõ được những hành vi, sai phạm của các phụ huynh này. Khi đã đủ chứng cứ, cơ quan công an điều tra, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan thực thi pháp luật các cấp cần phải có các quyết định, hình thức xử phạt thích đáng. Cần phải nói thêm, nước Mỹ gần đây cũng xảy ra vụ việc hàng loạt ngôi sao, doanh nhân nổi tiếng thế giới chạy điểm cho con được vào học ở những trường ĐH danh tiếng. Vụ việc bị phanh phui và đã có những người phải đối diện với mức phạt tù lên tới 20 năm vì hành vi hối lộ, gian dối của mình.
Trở lại vụ gian lận điểm chác này, với tầm vóc và quy mô gian lận như vậy, cần phải xử lý nghiêm minh các đối tượng có liên quan mới có thể đủ tính răn đe, làm gương cho người khác. Mà chắc ở đâu đó giờ này cũng có những con người đang tự vấn lương tâm về bài học xương máu khi những gian lận điểm chác bị bóc trần!.